Câu chuyện cảnh giác, Thông tin
Cảnh giác thủ đoạn hướng dẫn cài đặt định danh điện tử “từ xa”
Cảnh giác thủ đoạn hướng dẫn cài đặt định danh điện tử “từ xa”
Lợi dụng thời điểm công an các địa phương vận động người dân cài đặt định danh điện tử (VNeID) mức 2, nhiều đối tượng gọi điện thoại tự xưng là “Công an Bình Dương” hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng trên điện thoại. Thực chất đây là hành vi lừa đảo nhằm lấy cắp thông tin cá nhân rồi chiếm đoạt tài sản…
Lừa để lấy thông tin cá nhân
Sáng 6-5, chị N.T.A (ngụ phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0912.381632 của một người tự xưng là “cán bộ Công an TP.Thủ Dầu Một”. Người này thông báo cho chị A. biết tài khoản định danh mức độ 2 của chị vừa đăng ký trước đó không lâu đang bị “treo” trên hệ thống của cổng dịch vụ công, đồng thời yêu cầu chị phải làm việc với cán bộ chuyên trách của Công an tỉnh Bình Dương để được hướng dẫn sửa lỗi. Để thêm phần thuyết phục, nữ “cán bộ” này thông báo sẽ có cán bộ từ Phòng PC06 (Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội) Công an Bình Dương liên hệ để làm việc với chị A. để “hướng dẫn sửa lỗi căn cước công dân và một số thông tin liên quan”.
Một số máy của người tự xưng là “cán bộ Công an Bình Dương” hướng dẫn người dân cách “sửa lỗi” định danh điện tử mức độ 2
Vài phút sau, chị A. nhận được cuộc gọi từ số 0364475516 của một người tự giới thiệu tên Nguyễn Tiến Mạnh, là “cán bộ thuộc Phòng PC06 Công an tỉnh”. Sau một hồi tuyên truyền về lợi ích của việc kích hoạt tài khoản định danh điện tử, việc cần thiết phải tích hợp định danh điện tử mức độ 2, 3, Mạnh đề nghị chị A. kết bạn Zalo để hướng dẫn tải ứng dụng, cài đặt lại tài khoản định danh điện tử trên điện thoại di động. Mạnh còn cho biết nếu không được anh ta hướng dẫn sửa lỗi CCCD qua Zalo thì chị A. phải có mặt tại trụ sở công an để làm việc trực tiếp. Biết bị lừa, chị A. tắt máy.
Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội khuyến cáo Thứ nhất: Người dân chỉ cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn chính thống trên App Store (đối với hệ điều hành iOS cho điện thoại iPhone) và CH Play (đối với hệ điều hành Android). Tuyệt đối không cài đặt VNeID từ nguồn ngoài, từ các đường link lạ; không bật chế độ cài đặt ứng dụng từ nguồn không xác định trên điện thoại, nguy cơ mất an toàn cho thiết bị; không cung cấp thông tin cá nhân của bản thân qua điện thoại. Thứ hai: Người dân phải nêu cao tinh thần cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng và lưu ý, khi cần giải quyết các thủ tục hành chính thì chỉ có trưởng, phó công an xã, phường, thị trấn và cảnh sát khu vực nơi mình sinh sống mời trực tiếp và thông báo nội dung, địa điểm, thời gian cụ thể để giải quyết thủ tục hành chính chứ không liên hệ qua điện thoại. Thứ ba: Tài khoản định danh điện tử chỉ có 2 mức độ (mức 1: Do người dân tự đăng ký trực tiếp qua ứng dụng VNeID và mức 2: Đăng ký trực tiếp tại cơ quan công an); việc cập nhật, sửa đổi thông tin công dân phải đến trực tiếp cơ quan công an để thực hiện. |
Trước đó, bà T.M.T (ngụ phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một) cũng gặp trường hợp tương tự. Đối tượng này hướng dẫn bà T. cài đặt ứng dụng có tên “Cổng dịch vụ công”, đồng thời gọi điện thoại có hình ảnh để yêu cầu bà quay khuôn mặt và thẻ CCCD. Sau đó đối tượng yêu cầu trả tiền phí cài đặt là 12.000 đồng; chuyển vào tài khoản có tên “Quỹ bảo trợ trẻ em VN”. Khi bà T. tiến hành chuyển tiền bằng tài khoản ngân hàng trên điện thoại của mình thì được người nhà phát hiện, kịp thời ngăn cản.
Theo Thượng tá Trần Minh Nhựt, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh, với số tiền không lớn, nạn nhân sẽ không nghi ngờ mà chuyển tiền để mong thủ tục về cài đặt định danh điện tử mau chóng hoàn tất. Tuy nhiên, khi đã chuyển vài chục ngàn đồng, chỉ vài phút sau, số tiền còn lại trong tài khoản của nạn nhân sẽ “không cánh mà bay”. “Đã có nhiều nạn nhân đến cơ quan công an trình báo việc tài khoản bị “bốc hơi” sau khi được cán bộ công an giả danh hướng dẫn cài đặt định danh điện tử mức độ 2”, Thượng tá Trần Minh Nhựt thông tin thêm.
Không làm theo “hướng dẫn từ xa”
Theo Thượng tá Huỳnh Văn Thành, Trưởng Phòng PC06, Công an tỉnh Bình Dương, những ngày qua nhiều người dân đã phản ánh với cơ quan công an về việc nhận được cuộc gọi từ các số điện thoại lạ, tự xưng là cán bộ Công an Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, mời người dân lên trụ sở của đơn vị để làm lại tài khoản định danh điện tử mức 2 (VNeID).
Sau khi người dân trả lời bận việc không thể đến cơ quan công an, các đối tượng chủ động gửi đường link qua tin nhắn Zalo, Facebook… yêu cầu truy cập và cài đặt phần mềm “VNeID” giả mạo (có giao diện giống với ứng dụng VNeID thật). “Khi người dân cài đặt VNeID giả mạo được cấp quyền truy cập mức cao, bao gồm cả đọc dữ liệu cá nhân và đọc tin nhắn chứa OTP, kẻ xấu sẽ kiểm soát được ứng dụng tài khoản ngân hàng, sau đó thực hiện lệnh chuyển tiền trên điện thoại nạn nhân, thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, Thượng tá Huỳnh Văn Thành cho biết.
Theo lãnh đạo Phòng PC06 Công an tỉnh, đơn vị không có chủ trương gọi điện thoại để mời người dân làm định danh điện tử, CCCD. Lực lượng công an chỉ hỗ trợ kích hoạt định danh điện tử trực tiếp cho người dân, không hướng dẫn kích hoạt qua gọi điện thoại.
Theo quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ- CP ngày 5-9- 2022 của Chính phủ về định danh và xác thực điện tử, kể từ ngày 1-7-2024, tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an (VNeID) cung cấp là tài khoản duy nhất trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến và các tiện ích khác trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Do đó người dân chủ động đến trụ sở cơ quan công an (gồm: Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, công an huyện, thành phố và công an cấp xã) để được thu nhận, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2. |
TÂM TRANG
Nguồn: https://baobinhduong.vn/canh-giac-thu-doan-huong-dan-cai-dat-dinh-danh-dien-tu-tu-xa-a322046.html |