Kinh doanh & pháp luật, Sản phẩm tiêu dùng, Thị trường và giá cả, Thông tin
Phú Yên: Thu giữ 700 mũ bảo hiểm không nguồn gốc, xuất xứ
Phú Yên: Thu giữ 700 mũ bảo hiểm không nguồn gốc, xuất xứ
Trên cơ sở bám sát các văn bản chỉ đạo của Tổng Cục Quản lý thị trường (QLTT), Cục QLTT Phú Yên, trong tháng 3/2023, Đội QLTT số 4 đã kiểm tra theo Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên địa bàn huyện Tuy An, huyện Đồng Xuân và thị xã Sông Cầu.
Kết quả kiểm tra xử lý 16 vụ vi phạm kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ với tổng số tiền xử lý gần 125 triệu đồng, trong đó thu phạt hành chính 49,5 triệu đồng và tịch thu tang vật vi phạm gồm 1.229 đơn vị sản phẩm phụ tùng xe máy, quần áo, dép các loại, máy tạo oxi,… với tổng giá trị hơn 75 triệu đồng.
Cũng theo kế hoạch trên, qua nguồn tin cung cấp, vào ngày 17/3/2023, Đội QLTT số 4 thuộc Cục QLTT Phú Yên phối hợp với lực lượng Công an huyện Tuy An tiến hành khám phương tiện xe ô tô tải 76C- 053.70 do ông Đỗ Đức Cường, sinh năm 1992, địa chỉ xã Nghĩa Dũng, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi là người trực tiếp điều khiển phương tiện, cũng là người quản lý hàng hóa.
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra hàng hóa.
Kết quả khám phương tiện vận tải, đoàn kiểm tra phát hiện hàng hoá là mũ bảo hiểm các loại có số lượng 700 chiếc, không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hoá.
Hiện Đội QLTT số 4 đang tạm giữ toàn bộ số hàng hoá trên để làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật. Ngoài ra, trên xe còn vận chuyển một số mặt hàng vi phạm về nhãn hàng hoá gồm: Dây curoa các loại số lượng 44.286 inch và 279,5 kg nhôm; 312kg thép không gỉ đặc 304.
Đội QLTT số 4 tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với 3 tổ chức vi phạm và hoàn chỉnh hồ sơ trình, đề xuất Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Phú Yên xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Nói tới mũ bảo hiểm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc các chuyên gia cho biết, tác hại đầu tiên, nghiêm trọng và dễ thấy nhất của mũ bảo hiểm kém phẩm chất chính là gây mất an toàn cho người sử dụng.
Theo quy định của pháp luật, mũ bảo hiểm đúng chuẩn cần có cấu tạo đủ 3 bộ phận: vỏ mũ, lớp đệm bảo vệ và quai đeo. Nhưng nhiều loại mũ kém chất lượng chỉ được thiết kế 2 bộ phận và vỏ mũ, quai đeo, nhựa dùng để sản xuất cũng là nhựa tái chế, không đảm bảo quy chuẩn, dễ dàng vỡ khi rơi xuống đất.
Tuy nhìn bề ngoài có 1 số loại mũ bảo hiểm được làm nhái với kiểu dáng, màu sắc, thiết kế tương tự sản phẩm chính hãng nhưng khả năng chịu lực của những chiếc mũ này rất kém. Mức độ an toàn của nó vì vậy cũng gần như bằng 0. Ngoài ra, do rất giòn và dễ vỡ nên không chỉ không giúp bảo vệ khi bị tai nạn, người đội còn có nguy cơ bị các mảnh nhựa đâm vào đầu, khiến tình trạng chấn thương nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh nguy cơ mất an toàn, mũ bảo hiểm rởm cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh về da liễu. Để tiết kiệm chi phí, các đơn vị sản xuất nón bảo hiểm kém chất lượng thường dùng loại nhựa tái chế không đạt tiêu chuẩn để gia công, chế tạo. Khi đội các loại nón này ra đường với nhiệt độ cao, sử dụng thường xuyên, người dùng dễ bị ngứa da đầu, gàu, nấm đầu, rụng tóc,…
Bảo Linh
Nguồn: https://vietq.vn/phu-yen-thu-giu-700-chiec-mu-bao-hiem-khong-nguon-goc-xuat-xu-d209106.html |