Cần chế tài mạnh chặn đứng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc

Cần chế tài mạnh chặn đứng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc

(VietQ.vn) – Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị vừa bắt giữ xe ô tô thư báo vận chuyển 1.080 chai nhựa là hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.

Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường vừa phối hợp phát hiện, bắt giữ xe ô tô thư báo vận chuyển lô hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Cụ thể, tại Km 41 QL9 qua thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, lực lượng Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Quảng Trị phối hợp với Công an huyện Đakrông kiểm tra xe ô tô thư báo, biển kiểm soát 51D.402.81, do ông Huỳnh Tấn Vỹ, sinh năm 1991, trú tại Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam điều khiển.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe vận chuyển 1.080 chai nhựa là hàng mỹ phẩm, có in chữ nước ngoài. Tại thời điểm kiểm tra, ông Huỳnh Tấn Vỹ không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số hàng hóa trên.

Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Quảng Trị đã chuyển giao toàn bộ tang vật và phương tiện vi phạm cho Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, môi trường, Công an huyện Đakrông tiếp tục điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

 Toàn bộ chai mỹ phẩm không rõ nguồn gốc bị thu giữ. 

Mỹ phẩm từ lâu đã trở thành mặt hàng phổ biến trong cuộc sống. Nhu cầu sử dụng mỹ phẩm càng tăng thì tình trạng buôn bán các loại mỹ phẩm giả, mỹ phẩm trôi nổi, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ… xuất hiện ngày càng nhiều, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Theo bác sĩ da liễu, tác hại của mỹ phẩm trôi nổi có thể trực tiếp gây ra hậu quả tai hại cho sức khỏe và thẩm mỹ. Trong mỹ phẩm trôi nổi thường có các hoạt chất, hóa chất gây dị ứng và làm tổn thương da, khiến nổi mẩn đỏ, ngứa, thậm chí mưng mủ. Khi phân tích các sản phẩm chăm sóc da “dởm”, thành phần thường được tìm thấy là chất corticod – một chất giống nội tiết tố trong cơ thể, tuy nhiên tác dụng phụ là gây teo mỏng da, dãn mạch máu dưới da, làm mất sắc tố da. Nó cũng là nguyên nhân chính gây dị ứng da, nổi mụn, sần ngứa hay nghiêm trọng hơn là nám, chàm, viêm nang lông, nhiễm trùng…

Liên quan tới hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, theo Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu như sau:

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có trị giá dưới 3.000.000 đồng; Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng; Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng; Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng; Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng; Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu quy định tại khoản 1 Điều này trong các trường hợp sau đây: Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu;

Hàng hóa nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi.

An Nguyên

Nguồn: https://vietq.vn/C%E1%BA%A7n%20ch%E1%BA%BF%20t%C3%A0i%20m%E1%BA%A1nh%20ch%E1%BA%B7n%20%C4%91%E1%BB%A9ng%20m%E1%BB%B9%20ph%E1%BA%A9m%20kh%C3%B4ng%20r%C3%B5%20ngu%E1%BB%93n%20g%E1%BB%91c-d209220.html