Thu phí học online mùa dịch Covid-19: Điều cần nhất là…
Trước diễn biến dịch Covid-19, nhiều trường tư thục đang phải cho học sinh nghỉ học trong thời gian dài khiến nguồn thu bị ảnh hưởng, có thể dẫn tới tình cảnh phá sản.
Đại diện của 150 trường tư thục đã gửi bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị được hưởng chính sách hỗ trợ như đối với các doanh nghiệp để vượt qua thời kỳ khó khăn của dịch bệnh. Trong đó, các trường đề xuất việc cho học sinh học online và sẽ tiến hành thu phí.
Tuy nhiên, Sở GD&ĐT Hà Nội lại vừa có văn bản gửi các đơn vị giáo dục trên địa bàn, yêu cầu nhà trường (công lập), giáo viên tại Hà Nội khi tổ chức dạy học online không được thu bất cứ khoản tiền nào của học sinh, phụ huynh học sinh, kể cả việc ban đại diện cha mẹ học sinh huy động đóng góp để hỗ trợ cho nhà trường, giáo viên cũng không được phép.
Ngày 16/3/2020, trao đổi với Đất Việt, TS Ngô Duy Lâm – Viện Đào tạo và Quản lý giáo dục cho rằng, trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh đem lại thì việc dạy học online là phương pháp bổ trợ duy nhất giúp các em học sinh trau dồi, duy trì kiến thức.
Ảnh minh họa.
“Kiến thức cần phải luyện tập và học hỏi thường xuyên mới đảm bảo được chất lượng. Việc nghỉ học quá dài dù là bất khả kháng nhưng ít nhiều cũng sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng, đặc biệt với các trường tư thục thì còn ảnh hưởng đến nguồn thu. Nên cần phải có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các trường tư thục để học tiếp tục duy trì đến khi dịch bệnh được đẩy lùi” – ông Lâm bày tỏ.
Ông Lâm ủng hộ việc các trường dạy học online trong bối cảnh hiện tại và tiến hành thu phí cho việc dạy này. Tuy nhiên, việc thu phí thế nào thì còn phải căn cứ vào khung chương trình của mỗi trường đưa ra.
“Điều quan trọng nhất là khung chương trình dạy học online phải đảm bảo chất lượng gần nhất như học tập trung tại lớp. Mà để làm được điều này không hề dễ, có khi phải mất nhiều năm mới cho ra được một khung dạy – học online chuẩn” – ông Lâm cho biết.
Vì thế, ông Lâm cho rằng, việc các trường đề nghị được dạy học sinh online và có thu phí nghe có vẻ đơn giản nhưng lại là điều phức tạp. Cơ quan quản lý cần nghiên cứu kỹ để tránh tình trạng “vẽ giấy thu tiền”.
“Nếu học online mà chỉ giao bài tập cho học sinh hay, dạy kiểu một chiều (giáo viên nói học sinh chỉ biết nghe) để thu tiền thì là điều không nên, như thế học sinh vừa không tiếp thu được kiến thức mà lại vừa mất tiền oan” – ông Lâm nói.
Trong khi đó, một chuyên gia công tác tại Học viện Quản lý Giáo dục lại cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là công tác phòng chống dịch Covid-19, khi giải quyết được tình trạng bệnh dịch thì khó khăn của các cơ sở đào tư tư thục sẽ được giải quyết.
“Bản chất của các trường tư thục là làm sao để có thể dạy học cho học sinh để thu tiền. Trong thời gian có dịch bệnh thì việc học bị ngưng khiến các khoản thu gặp khó khăn, chỉ cần các em đi học trở lại thì mọi chuyện sẽ được trở lại như thường” – vị chuyên gia này nói.
Vì thế, vị chuyên gia cho rằng, đề xuất của các trường tư thục về việc được dạy online và thu tiền học của học sinh là không phù hợp. Cùng với đó, các đề xuất khác như được hưởng ưu đãi chậm các khoản thuế phí, giảm lãi suất ngân hàng, có gói hỗ trợ khẩn cấp… là điều không cần thiết.
“Việc có công nhận học online như một hình thức đào tạo hay không còn phụ thuộc vào khung chương trình đó như thế nào. Không thể vì một khung chương trình sơ sài, làm trong bối cảnh bất khả kháng mà công nhận bừa khiến cho chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng, như thế thà không công nhận còn hơn” – vị chuyên gia này bày tỏ.
Liên quan đến vấn đề này, trả lời báo chí, ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ GD&ĐT cho hay, quy định đã nói rõ, các trường không (công lập) được thực hiện thu học phí đối với tháng học sinh được nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh, cũng như học phí đối với tháng đi học bù
Đối các trường ngoài công lập, thực hiện việc thu học phí theo thỏa thuận với phụ huynh học sinh.
Còn đối với các dịch vụ hỗ trợ học online và hướng dẫn học trong thời gian nghỉ dịch, đây là dịch vụ phát sinh ngoài chương trình học chính khóa, do đó việc này do phụ huynh học sinh và nhà trường tự thỏa thuận với nhau, không tính bù vào chương trình học và thu học phí thêm. Do đó, học phí cho việc dạy học online như thế nào sẽ do nhà trường và phụ huynh thỏa thuận.
“Bộ GD&ĐT không thể hướng dẫn việc này, vì đây là các hoạt động ngoài kế hoạch và chương trình. Các nhà trường phải căn cứ nội dung, khối lượng công việc để xây dựng tính toán mức thu hợp lý thu đủ bù chi cho các dịch vụ chứ không thể thu theo học phí, đồng thời phải thông báo công khai và thỏa thuận với phụ huynh học sinh trước khi triển khai” – ông Khánh nói.
Ngọc Khánh
Theo Baodatviet.vn