Thành tỷ phú vì giấu bằng đại học đi bán thịt lợn

Thành tỷ phú vì giấu bằng đại học đi bán thịt lợn

Trung Quốc – Từng bị coi là vết nhơ của Đại học Bắc Kinh nhưng hiện Lục Bộ Hiên trở thành niềm tự hào sáng chói của ngôi trường này.

Vài ngày trước, cái tên Lục Bộ Hiên bỗng nổi như cồn trên khắp các diễn đàn của Trung Quốc chỉ sau một clip 18 giây. Xuất hiện trong clip là một người đàn ông ngoài 50 tuổi đứng sau những miếng thịt lợn treo cao và giới thiệu vài lời đơn giản: “Tôi là Lục Bộ Hiên, giáo viên của Trường học bán thịt tại Quảng Châu. Tôi là người bán thịt lợn và từng tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh”. Video này lập tức thu hút hơn nửa triệu người xem tại Trung Quốc.

Lục Bộ Hiên không còn là cái tên xa lạ tại đất nước tỷ dân. Vài năm trước, Lục bị nhiều người mỉa mai, chế giễu khi lần đầu công khai bản thân chỉ đi bán thịt lợn qua một bài báo. Dù thời điểm này Lục đang là chủ một công ty thực phẩm lớn với khối tài sản lên tới 10 tỷ tệ nhưng nhiều người vẫn coi ông là vết nhơ của đại học danh tiếng nhất Trung Quốc.

Hiện ông Lục Bộ Hiên là đồng sở hữu thương hiệu thịt lợn Yihao Tuzhu nổi tiếng Trung Quốc. Ảnh: baidu.

Sinh năm 1966 tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, Lục Bộ Hiên đỗ vào khoa Trung văn, Đại học Bắc Kinh năm 1985. Đối với người dân Trung Quốc thời điểm đó, ngôi trường này giống như một cánh cửa tương lai sáng lạn, sinh viên tốt nghiệp tại đây sớm muộn cũng sẽ trở thành những nhân vật tầm cỡ, có tiếng nói trong xã hội. Bởi vậy, khi nhận được giấy báo đỗ, bố của Lục đã mổ lợn ăn linh đình trong 3 ngày, dù trước đó gia đình ông thuộc hộ nghèo, ngày chỉ đủ ăn 2 bữa.

Trong 4 năm đại học, Lục Bộ Hiên chỉ quanh quẩn với việc học trên lớp rồi lên thư viện đọc sách. “Tôi luôn tràn trề hy vọng vào tương lai bởi nghĩ đọc nhiều sách, hiểu nhiều thứ sẽ khiến mình trở nên thông thái. Thời sinh viên tôi nghĩ khi tốt nghiệp, mình sẽ thay đổi được cả thế giới”, Lục hồi tưởng.

Thế nhưng, mong muốn thay đổi xã hội nhanh chóng bị cơm áo gạo tiền che lấp.

Sau khi tốt nghiệp, Lục nhận được lời mời làm giáo viên tại một trường cấp 2 nhưng ông từ chối bởi mong có sự nghiệp sáng lạn hơn là việc gõ đầu trẻ. Hồ sơ của ông sau đó được chuyển về Tây An để phân công công việc. Sau nhiều lần xem xét, Lục được nhận vào phòng nhân sự của một nhà máy cơ khí làm ăn thua lỗ. Sau 3 năm chỉ bưng trà và rót nước, ông quyết định nghỉ việc bởi lương không đủ nuôi thân.

Để có tiền, có thời điểm Lục theo người quen đi đào vàng, sau đó trở về quê kinh doanh nhưng thất bại, nợ nần chồng chất. Người vợ đầu cũng đòi ly dị khiến cuộc sống của ông trở nên bất hạnh. “Tôi lao vào bài poker. Đôi khi tôi cảm thấy những quy tắc trong poker còn công bằng hơn quy tắc của cuộc sống”, Lục nhớ lại thời điểm khó khăn những năm giữa thập kỉ 90.

Năm 1996, ông được giới thiệu cho người vợ thứ hai. Sau khi sinh con gái đầu lòng, do kinh tế hạn hẹp, người vợ khuyên ông nên mở một cửa hàng bán thịt lợn ngay tại nơi họ sống để thu hồi vốn nhanh. Từ đó 3 người trong gia đình sống trong căn phòng 10 m2 chật hẹp, diện tích phía trước phục vụ công việc kinh doanh của Lục.

Tấm bằng đại học danh tiếng hàng đầu Trung Quốc được ông Lục cất kỹ dưới đáy tủ những ngày đầu khởi nghiệp. Ảnh: baidu.

“Thời điểm đó, trông tôi và những người bán thịt lợn khác trong chợ không khác nhau là mấy, trừ cặp kính dày đeo trên mắt. Để phân biệt giữa hàng chục người bán thịt, người ta gọi tôi là ông chủ hàng thịt kính cận”, Lục cho hay. 

Nhiều người thắc mắc về cặp kính, ông chỉ giải thích do cận bẩm sinh mà chưa khi nào dám nhận mình từng tốt nghiệp đại học lớn. 8 thùng sách suốt 4 năm đại học lúc này được Lục cất kỹ trong nhà, không một lần mang ra đọc. Ai hỏi Lục cũng bảo mình mù chữ.

“Lúc đó tôi rất xấu hổ vì nghĩ mình là vết nhơ của trường cũ. Nói ra chỉ mất mặt vì có gì đáng tự hào đâu, nên giấu được thì cứ giấu”, Lục nói. 15 năm sau khi tốt nghiệp, ông không dám quay về thăm trường một lần.

Nhiều lúc đang chặt lợn, tay ông bỗng run lên bần bật, nước mắt ứa ra vì tủi thân. Người cha nghe tin con bỏ việc nhà nước đi bán thịt lợn đã tức tốc bắt xe lên thành phố. Khi nhìn thấy Lục cầm dao băm chặt, ông ngồi thụp xuống đất, nước mắt rơi lã chã rồi bỏ về.

Lục chia sẻ: “Tôi từng nói với bố rằng, con làm ăn lương thiện không gây hại đến ai nhưng ông không nghe. Ông bảo tôi bôi tro trát trấu vào gia đình”. Sau này, người cha cũng không bao giờ nhắc tới Lục với bà con lối xóm nữa.

Trái với sự tủi hổ của gia đình và chính bản thân Lục, công việc làm ăn của ông lại ngày càng phát triển. Vào thời điểm đó, khi các gian hàng khác chỉ bán được 1-2 con lợn mỗi ngày thì cửa hàng của ông có thời điểm bán hết 10-11 con nhờ bán cho các công ty nhỏ quanh khu công nghiệp. Sau vài năm, Lục trả được hết nợ, mua một ngôi nhà và chiếc xe hơi cho vợ con.

Lục Bộ Hiên và Trần Sinh cùng nhau gây dựng “Trường học bán thịt” độc nhất vô nhị tại Trung Quốc. Ảnh: qq.

Năm 2008, Lục quen biết Trần Sinh – một người cũng tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh và cũng bán thịt lợn như mình. Trần Sinh khi đó đã là chủ sở hữu của chuỗi cửa hàng bán thịt lợn với hơn 100 chi nhánh trên khắp thành phố Quảng Châu và được mệnh danh là “ông hoàng thịt lợn”.

Đầu năm 2009, Trần Sinh mời Lục đến Quảng Châu cùng mình gây dựng “trường học bán thịt” chuyên giảng dạy về thịt lợn. Hai cựu sinh viên nhanh chóng hợp tác. Trần Sinh bỏ vốn xây dựng cơ sở vật chất, còn Lục Bộ Hiên soạn giáo trình và giảng dạy. Hiện đây vẫn là ngôi trường độc nhất vô nhị chỉ dạy những vấn đề chăn nuôi và buôn bán thịt lợn tại Trung Quốc. Nhiều năm qua ngôi trường này đã đào tạo được hơn 6.000 học viên.

Sau này Trần Sinh và Lục Bộ Hiên cùng bắt tay để xây dựng thương hiệu thịt lợn “Yihao Tuzhu” nổi tiếng khắp Trung Quốc. Năm 2018, Yihao Tuzhu đã có mặt trên 30 tỉnh và thành phố lớn, doanh thu trong năm 2018 đã đạt tới 1,8 tỷ tệ. 

Công việc làm ăn thuận lợi, Lục Bộ Hiên đã mạnh tay ủng hộ ngôi trường cũ của mình là Đại học Bắc Kinh 900 triệu tệ trong việc định hướng giáo dục nghề nghiệp cho sinh viên. Năm 2013, ông và Trần Sinh nhận được lời mời nói chuyện với sinh viên trong trường về thành công của mình. Đây cũng là lần đầu tiên Lục quay lại trường kể từ khi tốt nghiệp.

Khi nói về bản thân mình, Lục Bộ Hiên nói rằng bản thân ông từng rất xấu hổ khi phải bán thịt lợn: “Giờ tôi đã nghĩ khác, làm việc gì cũng được, miễn là có đam mê. Tôi từng bị chế giễu, khinh miệt và bị gọi là đồ tể của Đại học Bắc Kinh. Nhưng tôi vẫn vui vì có thể mình là người đàn ông bán thịt lợn nhiều chữ nhất Trung Quốc”.

“Nhiều người hỏi tôi tấm bằng đại học có lợi ích gì cho việc giết mổ lợn, tôi từng không biết trả lời thế nào. Nhưng sau nhiều năm làm đồ tể, tôi có thể khẳng định với các bạn rằng: Đi học chưa chắc đã thay đổi được số mệnh, nhưng chắc chắn nó sẽ thay đổi được tư duy”, Lục Bộ Hiên khẳng định.

Hải Hiền (Theo qq)

Theo Vnexpress.net

Trả lời