Doanh nhân thế giới, Quảng bá thương hiệu, Thông tin
Chưa từng được ăn no mặc ấm, vị tỷ phú 75 tuổi một tay làm giàu cho cả làng, xây dựng đế chế công nghiệp với gia tài hơn 5 tỷ đô: Quan trọng là dám nghĩ to, làm lớn!
Chưa từng được ăn no mặc ấm, vị tỷ phú 75 tuổi một tay làm giàu cho cả làng, xây dựng đế chế công nghiệp với gia tài hơn 5 tỷ đô: Quan trọng là dám nghĩ to, làm lớn!
Lưu Ly |
(Tổ Quốc) – Vào tháng 3 năm 2022, Tống Tác Văn – 75 tuổi, đứng thứ 582 trong “Hurun Global Rich List 2022” với khối tài sản 5,3 tỷ USD.
Từ năm 2015, cái tên Tống Tác Văn luôn xuất hiện đều đặn trong “Hurun Rich List”. Điều gì đã thúc đẩy một cậu bé nghèo, dáng người thấp bé, mới học đến lớp 5 trở thành thần tượng trong lòng mỗi người dân Sơn Đông, Trung Quốc?
Xuất thân cơ cực
Tống Tác Văn sinh năm 1947, ông xuất thân trong một gia đình nghèo ở làng Tiền Tống, thành phố Long Khẩu, tỉnh Sơn Đông. Từ khi sinh ra, ông chưa bao giờ được ăn no, áo ông mặc đều bị vá chằng chịt và các anh em trong nhà phải chia nhau mặc.
Năm 1954, cha mẹ Tống Tác Văn đưa anh vào thị trấn học tiểu học. Ngôi trường cách nhà hơn mười cây số, biết vậy nên ông ở trong trường học từ sáng đến tố. Chăm chỉ học tập, ông luôn giành được vị trí cao nhất trong mọi kỳ thi của trường.
Thế nhưng, vì học phí bậc trung học cơ sở đắt gấp mấy lần tiểu học, nên ước mơ cắp sách đến trường của ông đã hoàn toàn khép lại ở năm lớp 5. Kể từ đó, ông nghỉ học ở nhà phụ cha mẹ lo mấy sào ruộng thưa ở làng.
Do thiếu ăn thiếu mặc, đã 17 tuổi nhưng chiều cao của Tống Tác Văn chưa đến 1,6m. Có lẽ không ai ngờ rằng một cậu bé với vẻ ngoài yếu đuối như vậy lại có thể đạt được sự nghiệp lẫy lừng trong tương lai.
Tỷ phú 75 tuổi đang sở hữu gia tài 5,3 tỷ USD.
Tay trắng làm nên
Ở làng Tiền Tống, không chỉ riêng gia đình ông sống trong cảnh túng quẫn mà những người dân làng khác cũng có cuộc sống vô cùng khó khăn, ngôi làng trông như một khu ổ chuột. Ý thức được điều đó, Tống Tác Văn đã nung nấu lí tưởng giúp làng mình thoát nghèo.
Rõ ràng, nếu chỉ trông chờ vào thu hoạch của vài sào ruộng, thậm chí còn không thể duy trì được cái ăn, cái mặc cơ bản chứ đừng nói đến việc làm giàu. Sau nhiều lần lưỡng lự, Tống Tác Văn quyết định đến nơi khác làm việc, thế giới bên ngoài rộng lớn như vậy, chắc hẳn sẽ có nhiều cơ hội kiếm tiền hơn là ngôi làng nhỏ này.
Trước khi đi, ông đã hạ quyết tâm chỉ cần tìm được công việc phù hợp, ông nhất định sẽ quay trở về làm giàu cho làng như đã hứa. Thế là, năm 1978, Tống Tác Văn mang theo hy vọng của mọi người vào Nam với mong muốn lập nghiệp cháy bỏng.
Điều đáng tiếc là các công trường lẫn nhà máy đều không đáng giá cao ngoại hình và trình độ học vấn của ông. Sau nhiều lần lăn lộn, ông không những không tìm được việc làm phù hợp mà ngay cả tiền dằn túi cũng tiêu gần hết.
Đúng lúc ông đang túng quẫn thì có một ông lão chạy đến hỏi ông có phải người vùng khác đang tìm việc làm không. Ông gật đầu và kể lão nghe về hoàn cảnh của mình. Sau đó, lão đưa Tống Tác Văn về nhà mình ăn tối, trong lúc trò chuyện, lão bỗng mách ông: “Anh bạn trẻ, mỗi gia đình chúng tôi ở đây đều có công việc kinh doanh bên lề riêng. Ví dụ như nhà tôi, ngoài trồng lúa, chúng tôi còn xây dựng trại cá để nuôi cá và vận chuyển ra thành phố bán và kiếm được nhiều tiền.”
Câu nói của ông lão khiến Tống Tác Văn bừng tỉnh, chẳng phải lời mách nước của lão sẽ giải quyết được vấn đề mà ông đã canh cánh nhiều năm sao? Không chần chừ, ông vội cảm ơn ông lão và chào tạm biệt, tức tốc về quê để chia sẻ ý tưởng với dân làng.
Lúc đầu, nhiều người không tin vào đề xuất này, họ thà canh giữ mấy sào ruộng thưa cả ngày còn hơn chấp nhận rủi ro. Tin rằng mình sẽ thành công, ông triệu tập một vài dân làng muốn thử kinh doanh và tập trung mọi người lại để thảo luận về bước tiếp theo.
Đúng lúc này, hàng chục mẫu đất trồng bông cách đó không xa đột nhiên thu vào tầm mắt Tống Tác Văn, trong đầu ông hiện lên một quyết định táo bạo: “Mọi người, hãy dệt bông thành vải và bán nó, chúng ta nhất định sẽ kiếm được rất nhiều tiền.”
Ông quyết định mở đầu con đường kinh doanh với nghề dệt bông.
Ông vừa dứt lời, đã có người tán đồng nhưng trong làng không ai am hiểu công nghệ dệt, lại không có máy dệt, vậy thì làm sao mà dệt được? Hàng loạt câu hỏi được đặt ra, Tống Tác Văn nhận ra công việc kinh doanh cũng giống như khởi nghiệp, toàn bộ quá trình đều rất khó khăn.
May mắn thay, ông trời không phụ lòng người, Tống Tác Văn đã tìm được biện pháp giải quyết. Hôm sau, ông đặt gần 750 USD lên bàn, các dân làng tham gia kinh doanh đều thất kinh trước số tiền này. Trước sự hoài nghi của dân làng, “đội trưởng” Tống giải thích: “Tôi đã bán tất cả số cây trồng trên cánh đồng để làm vốn khởi nghiệp cho việc kinh doanh. Số tiền này sẽ phụ trách mua máy dệt và mua công nghệ dệt.”
Theo kế hoạch, đàn ông đến thị trấn mua một vài chiếc máy dệt, phụ nữ học kỹ thuật dệt từ các bậc thầy trong nhà máy. Xưởng dệt làng Tiến Tống sớm được thành lập và không mất nhiều thời gian để đi vào quỹ đạo.
Cứ như thế, đội sản xuất do Tống Tác Văn lãnh đạo – tổng cộng 56 dân làng, đều tham gia vào công việc kinh doanh dệt may, và xưởng dệt cũng ngày càng lớn hơn. Tiền tích lũy được ngày càng nhiều, ông dẫn mọi người đầu tư trang thiết bị, thành lập xưởng sản xuất sợi thủy tinh. Chỉ trong vài năm, cả 56 hộ dân làng đều được sống trong những ngôi biệt thự nhỏ.
Đưa ngôi làng nghèo trở thành khu du lịch nổi tiếng
Ông cũng bắt đầu chú ý đến năng lực cá nhân của chính mình. Năm 1994, Tống Tác Văn được bầu làm đại biểu Quốc hội nhân dân thành phố Yên Đài. Nhân cơ hội này, ông bắt đầu theo học tại Đại học Cán bộ Sơn Đông. Không mất nhiều thời gian để ông lấy được bằng cao đẳng nghề kinh tế và quản lý, chính thức thoát khỏi trình độ học sinh tiểu học.
Vào thời điểm đó, tài sản cố định của làng Tiền Tống đã lên tới gần 90 triệu USD. Không dừng lại ở đó, Tống Tác Văn quyết định sáp nhập một số làng xung quanh lại với nhau, huy động chủ trương làng giàu giúp đỡ làng nghèo cùng giàu lên. Thấy rằng làng Tiến Tống không còn là vùng quê nghèo như trước, Tống Tác Văn đã đổi tên nó thành làng Nam Sơn, do ông làm bí thư đảng ủy.
Không lâu sau khi trở thành bí thư chi bộ của làng Nam Sơn, ông lại phát hiện ra một cơ hội kinh doanh khác.
Vào đầu năm 1997, ông bắt đầu xây dựng một khu phức hợp mang phong cách hoài cổ và một bảo tàng lịch sử bằng cách tận dụng các nguồn tài nguyên lịch sử của làng Nam Sơn, sau đó xây một nhà hát và khách sạn rất tân tiến.
Không lâu sau đó, ngành du lịch của làng Nam Sơn nổi lên, và giành được danh hiệu danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Không chỉ vậy, Tống Tác Văn còn mở rộng phát triển nhiều lĩnh vực công nghiệp khác, chẳng hạn như Giáo dục Nam Sơn, Công nghệ Nam Sơn và Sức khỏe Nam Sơn.
Ai cũng phải thừa nhận rằng ông là một người rất có đầu óc kinh doanh.
Sự thịnh vượng này tất nhiên không thể tách rời sự nỗ lực của Tống Tác Văn, nhưng ông cũng đã thu được lợi nhuận cao từ việc làm giàu cho làng mình. Tập đoàn Nam Sơn đã được chọn là một trong “500 Doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Trung Quốc năm 2021”.
Vào ngày 28 tháng 1 năm 2022, Trung tâm Công nghệ Doanh nghiệp Tập đoàn Nam Sơn được công nhận là Trung tâm Công nghệ Doanh nghiệp Quốc gia. Tháng 3 cùng năm, Tống Tác Văn đứng thứ 582 trong “Hurun Global Rich List” với khối tài sản 5,3 tỷ USD.
Theo Toutiao