Cậu bé nghèo trở thành tỷ phú giàu nhất Hàn Quốc

Cậu bé nghèo trở thành tỷ phú giàu nhất Hàn Quốc

“Con tàu an toàn nhất khi nằm trong bến cảng, nhưng đó không phải mục đích nó được ra đời” – triết lý giúp Kim Beom-su trở thành người giàu nhất “xứ kim chi”.

Thống kê của Bloomberg Billionaires Index công bố hôm 6/8 cho thấy ông Kim Beom-su (Brian Kim) – cha đẻ của ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Hàn Quốc KakaoTalk – là người giàu nhất nước này với khối tài sản 13,4 tỷ USD, vượt qua phó chủ tịch Samsung Electronics, ông Lee Jae-yong.

Cũng theo Bloomberg, tài sản của Kim đã tăng 6 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2021, khi cổ phiếu Kakao tăng 91% nhờ niêm yết trên thị trường chứng khoán, cũng như kế hoạch ra mắt một số công ty con.

Kim Beom-su (Brian Kim) – cha đẻ của KakaoTalk – là người giàu nhất Hàn Quốc với khối tài sản 13,4 tỷ USD. Ảnh: Korea Herald.

Brian Kim sinh trưởng trong một gia đình cha mẹ thậm chí không học hết tiểu học. Cha của ông là công nhân, mẹ là người phục vụ trong khách sạn. Hồi ức của Kim là chuỗi ngày lớn lên trong cảnh nghèo khó. Gia đình 8 người chen chúc trong căn hộ một phòng ngủ tồi tàn tại một khu phố nghèo của Seoul. Để nuôi con, cha mẹ Kim phải làm rất nhiều công việc khác nhau. Kim là người đầu tiên trong gia đình được học đại học dù phải tự xoay xở bằng cách đi dạy thêm. Năm 1986, Kim đỗ Đại học Quốc gia Seoul (còn được gọi là Harvard của Hàn Quốc). Tại đó, ông lần đầu tiên tiếp xúc với chiếc máy tính của người bạn và bị nó mê hoặc: “Đó là lần đầu tiên tôi biết về Internet và thế giới kết nối”.

Công việc đầu tiên của Kim là phát triển dịch vụ truyền thông trực tuyến tại Samsung. Tuy nhiên, 5 năm sau đó, ông rời công ty mở một tiệm cà phê Internet và phát triển các trò chơi trên mạng xã hội mang tên Hangame. Hangame sau đó được sáp nhập với công cụ tìm kiếm Naver để trở thành cổng thông tin điện tử lớn nhất Hàn Quốc (NHN).

“Những ngày đầu, tôi làm việc cả ngày lẫn đêm với tư cách vừa là quản lý, vừa là lập trình viên. Có những hôm, tôi đến phòng tắm lúc sáng sớm và bật khóc. Tôi rất tự hào về việc mình đã tự khởi nghiệp kinh doanh, nhưng tôi cũng sợ rằng mình có thể không trả được lương cho nhân viên”, Kim nhớ lại.

Kể từ đó, những buổi sáng đắm mình trong làn nước dần trở thành một nghi thức và cơ hội để suy ngẫm. Sau khi dẫn dắt NHN trong 5 năm, Kim chuyển đến Thung lũng Silicon, California, Mỹ vào năm 2005 để tìm kiếm cơ hội cho công ty tại thị trường này. Tuy nhiên, điều đó khó khăn hơn anh nghĩ. Trong lá thư từ chức năm 2007, ông viết: “Con tàu an toàn nhất khi đậu trong bến cảng, nhưng đó không phải mục đích ra đời của nó”.

Rời NHN, Kim bị mê hoặc bởi những ý tưởng liên quan đến iPhone nên cùng các đồng đội mới trở lại Hàn Quốc để theo đuổi sự nghiệp phát triển các ứng dụng cho nền tảng này của Apple – hai năm trước khi chiếc điện thoại được giới thiệu tại quốc gia này vào tháng 11/2009.

Năm 2010, họ ra mắt KakaoTalk, một ứng dụng liên lạc OTT hiện được 3/4 dân số Hàn Quốc sử dụng. Năm ngoái, Kim đã hợp nhất Kakao với Daum Communications – đối thủ cạnh tranh của Naver – rồi chuyển sang các ngành kinh doanh mới như ngân hàng di động và gọi taxi… Đầu năm nay, ông gây bất ngờ khi bổ nhiệm Jimmy Rim – một trong những CEO trẻ nhất Hàn Quốc – kiểm soát hoạt động của Kakao.

Mê game, Kim từng đùa rằng cuộc đời ông có thể đã “lạc lối” nếu tuổi thơ có những trò chơi điện tử như bây giờ. Vị tỷ phú 49 tuổi hiện là một game thủ hạng nặng và đam mê các game trực tuyến như Diablo mỗi khi rảnh. Anh nói với tờ Financial Time: “Bạn có thể trải nghiệm những thứ không có trong thực tế. Trong quá trình chiến đấu với kẻ thù và bảo vệ thành lũy của mình, bạn học được các kỹ năng giải quyết vấn đề bằng cách thiết lập các chiến lược sáng tạo và hợp tác với những người khác”.

Tình yêu với game trực tuyến và giao tiếp mạng đã giúp Brian trở thành một trong số ít tỷ phú tự thân của Hàn Quốc – đất nước mà nền kinh tế đa phần bị chi phối bởi một số tập đoàn gia đình. Đến nay, Kim thành công với hai sáng tạo quan trọng là ứng dụng nhắn tin di động KakaoTalk và cổng trò chơi trực tuyến đầu tiên của Hàn, Hangame Communications.

Kim Beom-su yêu cầu các nhân viên gọi mình bằng tên Brian để xóa bỏ “văn hóa thứ bậc” ở Hàn Quốc. Ảnh: Korea Herald.

Tại Kakao, các nhân viên gọi Kim bằng biệt danh tiếng Anh là Brian. Và ngược lại, họ cũng được biết đến với biệt danh tiếng Anh của riêng mình. Đây là cách Kim làm để phá bỏ văn hóa thứ bậc vốn tồn tại lâu đời ở Hàn Quốc, trong đó nhân viên chỉ được phép gọi lên lãnh đạo bằng chức danh chứ không bao giờ dùng tên.

Giống như nhiều người thuộc tầng lớp thượng lưu Hàn Quốc, ông Kim gửi con ra nước ngoài. Con trai của ông đang học tại một trường đại học ở Mỹ, trong khi con gái đã học 4 năm tại quê nhà Hàn Quốc.

Lớn lên trong cảnh nghèo khó nên khi thành công Kim rất chú ý giúp đỡ những người kém may mắn. Hồi tháng 2, ông đã cam kết để lại hơn một nửa số tài sản của mình khi tham gia Giving Pledge, một chiến dịch toàn cầu do Quỹ Bill và Melinda Gates và tỷ phú Warren Buffett phát động để trao lại phần lớn tài sản của họ cho xã hội.

Trong bài phát biểu tại buổi ký kết, Kim nói: “Lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó, cho đến tuổi 30, tôi mặc định rằng ‘trở nên giàu có’ là thước đo duy nhất của một cuộc đời thành công. Tuy nhiên, sau khi đạt được sự giàu có mà bản thân luôn mong muốn, tôi mới nhận ra ý nghĩa của mỗi cuộc đời được đo bằng sự đóng góp vào xã hội và cộng đồng”.

Thùy Linh (Theo Bloomberg & FT)

Nguồn: https://vnexpress.net/cau-be-ngheo-tro-thanh-ty-phu-giau-nhat-han-quoc-4347010.html