Khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao, nắng nóng oi bức kéo dài thì ngồi trong nhà với chiếc điều hòa mát lạnh là điều vô cùng dễ chịu, ai cũng yêu thích. Tuy nhiên, việc sử dụng điều hòa sai cách trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và ”túi tiền” người dùng.
Bật/tắt liên tục
Một số người thường tắt điều hòa khi đã đủ lạnh, bật lại khi nhiệt độ phòng tăng lên, với lí do là để tiết kiệm điện năng. Nhưng thực tế việc này lại khiến hoá đơn tiền điện tăng chóng mặt, làm điều hoà nhanh hỏng hơn.
Theo các chuyên gia điện máy, bật/tắt điều hoà liên tục sẽ làm máy nén, động cơ quạt phải khởi động lại nhiều lần. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ làm tiêu tốn một lượng điện năng lớn gấp 3 lần mức năng lượng cần để duy trì độ lạnh của phòng.
Tăng giảm nhiệt độ liên tục
Nhiều người có thói quen tăng giảm nhiệt độ liên tục vì nghĩ rằng như vậy là tiết kiệm điện. Trên thực tế việc điều chỉnh quá nhiều chỉ khiến làm đảo lộn quá trình vận hành thông thường của máy.Đa số các điều hòa đời mới hiện nay đều có bộ phận cảm biến nhằm duy trì mức nhiệt ổn định, không quá nóng hoặc quá lạnh. Do đó thao tác tự điều chỉnh bằng tay là không thực sự cần thiết, lại gây tốn điện và giảm độ bền của điều hòa.
Để nhiệt độ thấp nhanh mát
Nhiều người sử dụng khi mới mở điều hòa thường cài đặt mức nhiệt thấp nhất có thể vì cho rằng như vậy sẽ nhanh mát hơn. Tuy nhiên, thực tế việc để 16 hay 24 độ ban đầu thì tốc độ làm lạnh là như nhau.
Số chỉ nhiệt độ trên điều khiển không có nghĩa là độ lạnh của luồng gió, mà là giới hạn để điều hòa tự nhận biết khi nào là đủ và giảm cường độ làm lạnh. Chẳng hạn khi đặt mức 20 độ C, điều hòa sẽ coi đó là mức nhiệt mục tiêu, đến khi phòng đủ lạnh sẽ tự giảm gió để duy trì nguyên trạng.
Nếu ngay từ đầu bạn đã bắt điều hòa phải hoạt động hết công suất ở mức mục tiêu 16 độ C mà không chỉnh lại, qua thời gian chính máy móc trong điều hòa sẽ tự trở nên quá lạnh và giảm hiệu suất làm việc. Vừa kém hiệu quả lại vừa hại tuổi thọ điều hòa cùng hóa đơn điện.
Giữ điều hòa liên tục trong ngày
Nếu bạn bật máy lạnh cả ngày sẽ rất tốn điện theo cách không cần thiết. Vì hầu hết máy lạnh chỉ cần một vài phút hoạt động là đủ làm mát ngôi nhà bạn. Thực tế, bật điều hòa liên tục cả ngày sẽ gây hại cho sức khỏe của bạn vì không khí không được lưu thông cũng như độ ẩm trong phòng bị giảm đi khá lớn. Do đó, hãy tắt điều hòa và sử dụng quạt vào những thời gian không quá nóng trong ngày. Điều này vừa giúp làm không gian phòng thông thoáng hơn vừa giúp tiết kiệm điện năng đáng kể.
Thường xuyên đóng kín cửa
Một thực trạng cho thấy, nếu liên tục sử dụng điều hòa cho phòng nhỏ, bạn luôn cảm thấy mệt mỏi, nặng nề như hết oxy để thở. Bởi không khí trong phòng kín có thể trở nên độc hại gấp 2-5 lần không khí ngoài trời nếu bạn thường xuyên đóng chặt cửa.
Vì vậy, cách tốt nhất là tạo khe hở thật nhỏ để không khí lưu thông, nên chọn máy điều hòa thế hệ mới để có thêm chức năng lọc khí và diệt khuẩn, giúp căn phòng thoáng khí như đang được thở.
Không bật thêm quạt gió
Quạt điện và máy điều hòa đều là hai thiết bị làm mát hữu hiệu. Song sai lầm lại nằm ở chỗ chúng ta thường không bao giờ cho chúng hoạt động cùng lúc, mà chỉ sử dụng hoặc là quạt hoặc là điều hòa nhằm tiết kiệm điện.
Trên thực tế, quạt và điều hòa có thể hoạt động bổ trợ lẫn nhau: một thì làm mát, còn một thì đưa không khí mát tới đều trong căn phòng. Vì vậy, phương pháp kết hợp này không chỉ tiết kiệm cho hóa đơn điện mà còn giúp giảm bớt công suất, tần suất làm việc của điều hòa – giúp nó ít phải vận hành nặng nhọc trong những ngày oi bức.
Không bảo trì máy thường xuyên
Điều hòa đưa không khí vào nhà và hút khí nóng mang theo bụi bẩn ra ngoài. Vì thế chỉ trong một thời gian ngắn, nếu không dùng bộ lọc không khí và bảo trì máy thường xuyên, máy vẫn có thể chạy tốt nhưng có thể gây nhiều bệnh về đường hô hấp cho người sử dụng.
Vì vậy, nên thường xuyên lau chùi, vệ sinh bảo dưỡng để máy hoạt động tốt nhất, đảm bảo chất lượng không khí và tiết kiệm điện năng./.