Sau mùa gặt, cảm giác như cánh đồng no gió nên rộng hơn, cái thứ gió làm mấy đứa nhỏ quê… ngứa ngáy tay chân, cứ ngửa mặt lên đồng chiều độ lượng những cánh diều chấp chới bay cao.
Cái mùa diều năm nay, ngay thời điểm học sinh như “bị nhốt” ở nhà vì dịch COVID-19, nên vụ mùa sớm cũng đúng lúc “giải cứu” tuổi thơ cho Ba Gu và em gái nó được tự do rong chơi trên những cánh đồng lồng lộng gió thơm.
Ba Gu cùng em gái Anh Thơ chơi đùa trên cánh đồng vừa gặt xong.
Không đợi chiều về, mấy ngày nay Ba Gu cùng em nó suốt ngày thụt sình, lội ruộng đã đời. Ba Gu mới 7 tuổi, còn em gái nó là Anh Thơ mới 5 tuổi, nhưng tụi nó quá rành chuyện ruộng rẫy, vịt gà, ao cá.
Mùa này, Ba Gu còn biết gom rơm tươi cho mấy con bò phụ bà nội nó. Tuổi thơ nó làm cho tôi thấy thèm, thấy nhớ khoảng trời mênh mông gió chiều lồng lộng thổi qua miên man đồng trống.
Gọi là vùng ven, nhưng nhà cách trung tâm TP Vĩnh Long chỉ hơn cây số lại mở ra một không gian mênh mông đồng ruộng, nhà chuyên ruộng rẫy, nuôi trồng đủ các loại từ lúa đến rau màu, rồi nào hàng trăm con vịt, gà, ngỗng ngổn ngang và trong chuồng lúc nào cũng 6- 7 con bò, vậy nên từ nhỏ xíu tụi nó đã có nhiều trải nghiệm mà những thế hệ tuổi thơ ngày nay ngày càng trở nên lạ lẫm.
Những ngày nghỉ học, Ba Gu cùng em gái cứ quẩn quanh theo chân bà nội ngoài đồng. Buổi chiều, thường khoảng 5 giờ ba mẹ nó đi cắt cỏ, nhưng mấy công lúa vừa cắt xong rơm tươi ngồn ngộn nên tranh thủ ôm vô cho mấy con bò.
Hai đứa nhỏ đã biết tự lôi những chiếc giỏ to đùng đi hốt rơm phụ bà nội nó, mà chủ yếu là tụi nó… giỡn rơm thì đúng hơn, chúng được tự do chạy nhảy, lăn lộn thoải mái bên những đống rơm, gió chiều lồng lộng thổi mang hương thơm của rơm rạ tràn ngập đầy thôn xóm.
Mùi hương của cánh đồng vừa gặt xong thì bao nhiêu năm qua nó vẫn vậy thôi, nhưng có lẽ trong cái bận rộn bon chen nhiều lúc ngang qua cánh đồng mình không để ý; chỉ có hình ảnh của cánh đồng và rơm rạ thì đã đổi thay nhiều lắm rồi.
Hồi xưa rơm vàng cuộn mình vào những ụ to đùng bỏ đống ngoài hè, hoặc rải khắp mặt ruộng đốt đồng cho sạch rạ. Số ít thì được chất thành những cây rơm dành lại cho trâu bò ăn độn thêm mùa nước nổi. Những cây rơm quen thuộc bên nhà, những cây rơm cũng được chất lên giàn cao tránh nước. Giờ thì rơm được “cơ giới hóa” cuộn thành những cuộn tròn theo quy chuẩn để được định giá bán cho nhiều mục đích sử dụng.
Thiệt lâu rồi, mới có thời gian lắng lại nghe gió đồng lồng lộng thổi đầy mùi rơm rạ, lâu lắm rồi mới thấy lại hình ảnh mấy đứa nhỏ chạy đùa trên cánh đồng vừa gặt, bỗng thấy thật nhẹ nhõm, thật yên bình, đơn giản hạnh phúc của tuổi thơ.
Mùa này trời chiều rực nắng, nhưng sụp tối cũng rất nhanh. Tiếng giậm chân thậm thịch của mấy con bò trong chuồng ngóng cỏ, bầy vịt lao nhao dưới ao xen lẫn âm thanh chiu chít của bầy gà chưa quen chuồng và vượt lên mọi âm thanh là tiếng la oang oác của mấy con ngỗng gọi con khi trời tối…
Một thứ âm thanh hỗn độn nhưng thật dễ chịu. Nó thật gần gũi, ấm áp làm sao giữa những tiếng cười nắc nẻ của hai đứa nhỏ đang tắm sau hè.
Cảm ơn cánh đồng cho tôi những hoài niệm da diết bao nhiêu là thương nhớ và cánh đồng cũng sẽ nuôi lớn tâm hồn Ba Gu cùng em gái nó mà thành một tình yêu có tên gọi “quê hương”.
Cho dù mai này những đứa trẻ lớn lên, rồi chúng có “bay đi” thiệt xa về phương trời nào, thì cánh đồng vẫn là “chiếc neo đậu” mãi mãi một tình yêu làng xóm, gia đình nơi ta hay gọi là “chôn nhau cắt rốn”.
Theo NGỌC TRẢNG (Báo Vĩnh Long)