Doanh nhân thế giới, Quảng bá thương hiệu, Thông tin
Elon Musk: Con người của tất cả những điều phi thường cộng lại
Elon Musk: Con người của tất cả những điều phi thường cộng lại
(VTC News) – Tỷ phú Elon Musk làm được những điều phi thường trong giới công nghệ, bứt phá tốc độ trước mọi đối thủ và thành công vượt trội.
Nhắc tới Elon Musk ở thời điểm hiện tại, người ta nghĩ ngay đến một tỷ phú với tích cách lập dị, đi ngược lại số đông.
Ở hầu hết các lĩnh vực Musk, đều có góc nhìn riêng và có hướng đi khác biệt. Điều này giúp ông nhanh chóng thành công nhờ các quyết định có phần không giống ai và gây nhiều tranh cãi của mình.
Tuổi thơ bị bắt nạt
Sinh năm 1971 tại Pretoria, một thành phố ở phía Bắc của tỉnh Gauteng, Nam Phi, Elon Reeve Musk mang một nửa dòng máu Canada từ mẹ.
Lên 8 tuổi, do bố mẹ ly hôn, Musk và em trai sống cùng bố trong khi em gái sống cùng mẹ.
Theo lời mẹ Musk, con trai bà từng là “người bé tuổi nhất và nhỏ con nhất ở trường”. Điểm khác biệt của Musk so với bạn bè cùng trang lứa là ham đọc sách.
Mọi người thường gọi Musk là “mọt sách” vì dành phần lớn thời gian đọc từ bách khoa toàn thư cho tới truyện tranh.
Tài năng là vậy nhưng Musk lại khó hòa nhập với bạn bè. Do nhỏ con, cậu bé Musk dễ dàng trở thành mục tiêu bắt nạt của các bạn cùng trường.
“Mọi thứ khá khắc nghiệt ở Nam Phi. Nếu bạn bị bắt nạt, bạn vẫn phải đi học. Tất cả những gì bạn cần làm là thức dậy và đến trường. Anh ấy rất ghét điều đó”, em trai Kimbal của Musk chia sẻ.
Từng có lần Musk bị hành hung tới mức phải nhập viện để phẫu thuật. Sau vụ tấn công này, Musk chuyển đến trường trung học nam sinh Pretoria, nơi ông ít bị bắt nạt hơn.
Dù vậy, các ký ức khủng khiếp về những năm tháng bị bắt nạt ở Nam Phi khiến Musk muốn rời khỏi quốc gia này.
Mong ước này của ông được thực hiện bằng chuyến bay tới Canada năm 17 tuổi để chuyển đến quốc gia Bắc Mỹ sống cùng mẹ, chị gái Tosca và em trai Kimbal.
Chuyển mình
Từng theo học tại Đại học Queen ở Kingston, Ontario và Đại học Pennsylvania, thuộc bang Pennsylvania (Mỹ), Musk có trong tay 2 tấm bằng chuyên ngành về Vật Lý và Kinh Tế.
Trong thời gian theo học tại Mỹ, Musk cùng người bạn Adeo Ressi thuê căn nhà 10 phòng ngủ để biến thành hộp đêm và kinh doanh.
Năm 1994, Musk tới thực tập tại công ty khởi nghiệp lưu trữ năng lượng tên là Pinnacle Research Institute ở Thung lũng Silicon.
Một năm sau đó, ông quyết định theo học chương trình tiến sĩ về vật lý ứng dụng và khoa học vật liệu tại Đại học Stanford. Tuy nhiên, vị tỷ phú tương lai quyết định tạm ngưng sự nghiệp học hành để theo đuổi đam mê kinh doanh.
Năm 1995, Musk và em trai vay bố 28.000 USD để khởi nghiệp với dự án Zip2 – một website cung cấp phần mềm ấn hành nội dung số cho các tờ báo như New York Times hay Chicago Tribune. Dù bị hoài nghi ban đầu, Zip2 nhanh chóng thành công và được xem cuộc cách mạng trong ngành tra cứu.
Năm 1999, Zip2 được Compaq mua lại với giá 341 triệu USD.
Thay vì tiếp tục đào sâu vào lĩnh vực công nghệ thông tin, Musk có cú chuyển hướng bất ngờ sang lĩnh vực tài chính.
Ông đồ tiền thu về từ thương vụ Zip2 để thành lập công ty cung cấp dịch vụ tài chính trực tuyến X.com.
“Tôi muốn công ty thứ hai phải có ảnh hưởng tầm toàn cầu. Tôi chuyển hướng sang ngành tài chính, vì cảm thấy có nhiều cảm hứng và tiềm năng của ngành này khi kết hợp với Internet”, Elon Musk từng chia sẻ.
Một năm sau, X.com được sáp nhập với Confinity, một startup về tài chính do Peter Thiel và Max Levchin đồng sáng lập và trở thành PayPal.
Năm 2002, PayPal được bán cho eBay với giá 1,5 tỷ USD. Thương vụ này giúp Musk, cổ đông lớn nhất của PayPal bỏ túi 165 triệu USD khi mới 31 tuổi.
2 năm sau đó, Musk thành lập Công ty Space X, đơn vị chế tạo hàng không vũ trụ kiêm công ty dịch vụ vận tải không gian để hiện thực hóa tham vọng thám hiểm không gian và chinh phục sao Hỏa.
Khi SpaceX vừa mới đi vào hoạt động, Musk gia nhập công ty sản xuất xe điện Tesla Motors vào năm 2004, trở thành CEO và kiến trúc sư sản phẩm của hãng. Thời điểm đó phương tiện giao thông này được xem là giấc mơ viển vông. Tại Tesla, Musk chỉ đạo thiết kế cũng như định hướng chiến lược và nắm giữ khoảng 32% cổ phần của công ty này.
Không dừng lại ở đó, Musk tiếp tục mở rộng dấn thân sang nhiều lĩnh vực khác.
Năm 2006, ông lập ra SolarCity, một công ty dịch vụ năng lượng mặt trời (hiện là công ty con của Tesla) với mục tiêu cách mạng hóa việc sản xuất năng lượng mặt trời cho hàng triệu hộ gia đình.
Năm 2015, ông đồng sáng lập OpenAI, công ty nghiên cứu phi lợi nhuận nhằm mục đích thúc đẩy trí tuệ nhân tạo thân thiện.
Tháng 7/2016, ông đồng sáng lập Neuralink, công ty công nghệ tập trung vào phát triển giao diện máy tính trí tuệ. Tháng 12/2016, ông Musk thành lập The Boring Company, công ty xây dựng cơ sở hạ tầng và đường hầm tập trung vào các đường hầm được tối ưu hóa cho xe điện.
Tìm thấy đường sống trước nguy cơ phá sản
Con đường của Musk tưởng như khá bằng phẳng và thuận lợi. Nhưng trên thực tế, vị tỷ phú Mỹ từng có thời điểm đứng trên bờ vực phá sản.
Năm 2008 được xem là năm thăng trầm nhất trong sự nghiệp của Musk khi thế giới trải qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. 3 lần phóng thử tên lửa thất bại, mẫu xe Tesla mới phát triển không được đón nhận khiến tình hình tài chính của vị tỷ phú 37 tuổi khi đó gặp không ít khó khăn.
Thời điểm đó, Musk gần như phải đứng giữa tình thế phải chọn bỏ một công ty để “nuôi” công ty còn lại. Ông cũng phải chịu thêm đòn giáng nặng nề vào khoảng thời gian này khi kết thúc cuộc hôn nhân kéo dài 8 năm với người vợ đầu.
Vào thời điểm khó khăn nhất, hy vọng lại được thắp lên sau khi Musk nghe phong thanh thông tin NASA đang tìm kiếm đối tác để đưa hàng tiếp tế lên trạm không gian ISS.
Musk quyết định đánh cược toàn bộ tài sản vào lần phóng tên lửa thứ 4 để ghi điểm với NASA. Ông từng thừa nhận thất bại thứ 4 sẽ là sẽ đặt dấu chấm hết cho SpaceX.
Nhưng canh bạc mạo hiểm của Musk đã thành công. Tháng 8/2008, SpaceX phóng thành công tên lửa thứ 4. 4 tháng sau đó, SpaceX được NASA trao hợp đồng trị giá 1,6 tỷ USD để tiếp vận Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Hợp đồng này được ký kết vào đêm Giáng Sinh 2008. Cùng trong đêm Giáng sinh này, Telsa được cứu chỉ 3 ngày trước ngưỡng phá sản nhờ khoản đầu tư 40 triệu USD.
Các tháng sau đó, tình hình của Telsa bắt đầu cải thiện khi được rót thêm 50 triệu USD tiền đầu tư từ Daimler. Những năm tháng tiếp theo, Telsa có bước phát triển vượt bậc bất chấp sự cạnh tranh từ các hãng xe điện khác.
Năm 2021, giá trị thương hiệu Tesla tăng 184% so với năm 2020, lên mức 36,2 tỉ USD, xếp thứ 4 trong số các thương hiệu ô tô giá trị nhất.
Cùng năm, SpaceX được định giá trên 100 tỷ USD, trở thành công ty tư nhân giá trị lớn thứ 2 thế giới chỉ sau ByteDance của Trung Quốc.
Các thành công của Tesla và SpaceX giúp Musk trở thành người giàu nhất thế giới năm 2021 với khối tài sản ròng hơn 264 tỉ USD.
Năm 2021, Elon Musk được tạp chí Time bình chọn là nhân vật của năm vì sức ảnh hưởng toàn cầu.
Ở thời điểm hiện tại, dù đã gặt hái vô số thành công với khoản tài sản đáng mơ ước, vị tỷ phú 50 tuổi vẫn chưa có ý định dừng lại. Mới đây nhất, ông vừa hoàn thành thương vụ mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD.
Trong một chia sẻ hồi tháng 12/2020, Musk từng chia sẻ ông không muốn chết giàu. Ông coi việc khi chết mà để lại tiền tỷ trong ngân hàng là một sự thất bại.
Không rõ trong những năm tới tài sản của vị tỷ phú được ví là “gã ngông” này sẽ phình lên như thế nào. Nhưng chắc chắn, ông sẽ còn khiến thế giới phải ngỡ ngàng trước các quyết định không ai ngờ tới của mình.