Gia đình, Mái ấm gia đình, Thông tin
Đường về nhà của cô gái bị lừa bán sang Trung Quốc
Đường về nhà của cô gái bị lừa bán sang Trung Quốc
Trưa tháng 9, Kim được chị gái và mẹ đèo lên UBND xã làm căn cước. Lần đầu tiên trong đời, cô gái 22 tuổi mới dám ngẩng mặt khẳng định: “Tôi là người có quê hương”.
Có giấy tờ tùy thân rồi, Kha Thị Kim Dân (tên thường gọi là Kim), ở bản Sơn Thành, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn dự định sẽ quay lại Trung Quốc, lần này là một chuyến đi hợp pháp đàng hoàng, khác hẳn lần bị lừa bán 9 năm trước.
“Ở bên Trung Quốc, tôi đang có một công việc và một mối tình hai năm. Còn ở quê hương, sau niềm hạnh phúc đoàn tụ là cảm giác lạc lõng khi mẹ, chị gái đều có gia đình riêng, bạn bè đã lấy chồng. Cách sinh hoạt, ăn uống cũng không quen”, Kim giải thích về kế hoạch của mình.
Kim quyết thế, nhưng mẹ cô, bà Xeo Thị Oanh không muốn cho con rời xa mình thêm một lần nữa. “Tôi nhớ con, muốn ở gần con”, người mẹ dân tộc Khơ Mú, nói.
Chín năm trước, ở bản Sơn Thành, chị Oanh làm nương rẫy, một mình nuôi ba con nhỏ và bố mẹ chồng. Chồng chị nghiện ma túy nặng, trong nhà “hở ra cái gì là mang bán hết”. Thương mẹ, Kim, cô con gái thứ hai ngày một buổi đến trường, một buổi lên rẫy hái rau mang ra chợ bán. Năm 12 tuổi, một người họ hàng rủ Kim sang Lào rửa bát thuê. Khi chị Oanh còn đang trên rẫy, con gái đã ôm quần áo xa nhà.
Nhưng thay vì sang Lào, Kim bị đem bán làm con dâu cả của một gia đình nông dân ở huyện An Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Thấy cô bé gầy gò, đen nhẻm, còn bé hơn con út của mình, người mua mang Kim về làm con nuôi, thay vì làm dâu.
“Không có giấy tờ tùy thân nên tôi không được đi học. Bố mẹ nuôi mua bút, vở về dạy tiếng Trung cho tôi”, Kim kể. Nhưng những chữ đầu tiên cô bé viết vào cuốn vở vừa mua là tên cha mẹ, anh chị em và địa chỉ của gia đình mình. Kim sợ thời gian và những xáo trộn trong cuộc sống mới sẽ khiến mình quên mất quê hương.
Hàng ngày, cô bé theo cha mẹ nuôi đi làm nương, nuôi gà, trồng rau. Ban đầu không biết tiếng Trung, ăn uống không hợp, Kim chỉ cúi mặt im lặng. Tối nào đứa trẻ bị lừa bán cũng thức đến quá nửa đêm vì nhớ mẹ và sợ. Không dám khóc to, nó vùi nước mắt dưới gối. Luôn lo sợ sẽ lại bị bán thêm một lần nữa, suốt hai năm liền, cô bé lầm lũi không dám nói chuyện với ai. Trong lòng, Kim oán giận mẹ không đi tìm mình.
Ở Việt Nam, một tháng sau, người họ hàng về nước bảo với chị Oanh, Kim sang Lào rửa bát thuê, cuối năm sẽ về. Nhưng hai Tết liền thấp thỏm đợi, người mẹ vẫn không gặp được con. Chị dẫn con đầu và con út men sườn đồi sang nhà người họ hàng hỏi tin Kim nhưng người này đã đi biệt tích. Đến năm thứ ba, có thông tin bà ta buôn bán người trái phép, chị Oanh mới hay con mình bị bán.
Người mẹ khăn gói định sang Lào tìm, nhưng những người xung quanh đều ngăn cản bởi xứ người mênh mông biết tìm con ở đâu, trong khi còn hai đứa con nhỏ phải lo. Ba năm trước, chị dứt khỏi người chồng nghiện ngập, tù tội. Năm 2019, chị đi bước nữa với một người đàn ông khác huyện, với điều kiện anh phải ở rể vì sợ con tìm về mà không thấy mẹ.
Trong khi đó, ở Trung Quốc, Kim đang sống chui lủi vì không có giấy tờ tùy thân. Bốn năm sau ngày bị lừa bán, cha mẹ nuôi cho phép cô đi đâu tùy thích. Kim lên Quảng Đông xin cho làm công nhân. Tiền kiếm được, cô gửi về cho cha mẹ nuôi nhưng họ không nhận.
Kim hỏi bạn bè cách về Việt Nam, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. “Họ bảo không quen người Việt rồi khuyên tôi đi báo công an Trung Quốc, nhưng tôi không dám”, cô kể. Hai năm trước, Kim xin đi bán quần áo thuê. Lúc này, tiếng Việt của cô đã gần như quên hết.
“Tôi không tin ai. Không có giấy tờ tùy thân, tôi luôn sợ bị bắt bán một lần nữa”, cô gái nói. Mãi đến tháng 5 năm nay, thấy một người bạn Việt quen qua mạng xã hội Wechat, cô mới nhờ đăng thông tin tìm gia đình.
“Cô ấy nói bị bán. Ở bên này nhớ nhà, nhớ bố mẹ, cuộc sống không tự do nên muốn về với gia đình. Thấy Kim tha thiết nên tôi lên Facebook đăng thông tin hộ, không muốn hỏi nhiều vì sợ cô ấy tổn thương”, Phương, chàng trai 22 tuổi, đang làm việc tại Trung Quốc, nói.
Tình cờ đọc được thông tin trên mạng xã hội, anh Cù Sĩ Ỏn, Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Tà Cạ nhận ra đứa cháu họ thất lạc. Anh lập tức kết nối với người đăng thông tin. “Tôi phải gửi ảnh mình đang đứng trong hội trường UBND xã Cà Tạ cho Phương để cậu ấy cho Kim xem. Đến khi con bé tin tưởng, cậu ấy mới kết nối chúng tôi”, anh Ỏn cho biết.
Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nghệ An vào cuộc xác minh, rồi liên hệ với các tổ chức tìm cách giải cứu Kim về Việt Nam. Sau thời gian cách ly theo quy định, Kha Kim Dân trở về quê hương.
Trưa 29/8, cô gái từ trung tâm cách ly ở Hà Nội về nhà. Những con đường ven sườn đồi năm xưa cỏ mọc quanh, giờ nhường chỗ cho những căn nhà sàn, nhà ngói khang trang. Kim thấp thỏm trong lòng. Cô im lặng vì lo lắng xen lẫn hồi hộp.
Xe vừa dừng, chị Oanh vội lao đến ôm chầm con. Cô bé đen nhẻm năm nào giờ đã là một thiếu nữ, nhưng đường nét trên khuôn mặt vẫn thế. “Mẹ ơi, con nhớ mẹ”, sau 14 ngày ở với những người Việt trong khu cách ly đã giúp Kim khôi phục lại được những từ tiếng Việt bị phong hóa chín năm qua. Cuộc hội ngộ nhiều nước mắt. Kim cứ nhìn mãi đôi mắt mẹ. “Tôi buồn vì mẹ già đi nhiều lắm, đôi mắt trũng sâu”, cô nói.
Đêm đó, bốn mẹ con họ nằm cạnh nhau trên chiếc giường nhỏ như chín năm về trước. Người mẹ tay nắm chặt tay Kim như sợ mất con lần nữa. Chị kể nhiều chuyện đổi thay ở quê nhà, nhưng ít hỏi chuyện mà để con tự nói. Chị không muốn khơi lại những nỗi đau khi nhìn thấy đôi mắt u sầu của con.
Những ngày đầu về nước, tiếng Việt của Kim chưa sõi, nhiều từ cô không thể nói, nhiều câu nghe không hiểu. “Rất thương con bé, lúc nào nó cũng trong trạng thái lo sợ sẽ bị lừa bắt đi lần nữa. Nó không giao tiếp với người lạ nếu như người thân không giới thiệu”, anh Cù Sĩ Ỏn cho biết. Kim không ăn được đồ cay, gạo nếp nên ăn rất ít.
Thương con, chị Oanh cố gắng bù đắp cho Kim. Chục ngày qua, chị luôn hỏi con muốn ăn gì để chiều, thích đi đâu để đưa đi. Thấy con buông đũa, chị lại lật đật đi nấu nước, thịt gà. Tuy vậy, Kim vẫn muốn hoàn tất hộ chiếu để trở lại với cuộc sống quen thuộc chín năm qua ở Trung Quốc.
Cô thừa nhận, khoảng trống trong tâm hồn, dù muốn khỏa lấp cũng chẳng thể đầy. “Nhưng tôi mừng vì mình đã tìm được gia đình, được thừa nhận là một công dân. Bây giờ, dù ở đâu, tôi vẫn có thể khẳng định tôi là con người có quê hương, gốc gác, có gia đình và tôi là Kha Thị Kim Dân”, cô gái nói ngượng nghịu bằng vốn tiếng Việt hạn chế.
Phạm Nga/Theo Vnexpress.net