Bí ẩn thi thể nhiều năm không bị phân hủy: Chuyên gia nói gì?

Bí ẩn thi thể nhiều năm không bị phân hủy: Chuyên gia nói gì?

Hoàng Hiệp |

Thi thể gần như không bị phân hủy của một người phụ nữ ở tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) đã khiến các nhà khoa học kinh ngạc.

Thi thể một cụ già không bị phân hủy

Ngày 24 tháng 11 năm 1992, tại thôn Hồ Trang ở huyện Hương Hà, tỉnh Hồ Bắc, người phụ nữ có tên Châu Phượng Thần qua đời ở tuổi 88. Tuy nhiên, điều kì lạ là thi thể của bà không dần trở nên lạnh ngắt và dần dần cứng lại như bình thường, tất cả diễn ra như thể bà lão chỉ đang ngủ.

Tháng 3 năm 2006, tức 14 năm sau khi người phụ nữ này mất, phóng viên tờ Thời Báo Kiện Khang (thời báo về sức khỏe) đã đến tận nhà ông Dương Thủ Đức, là con trai cả của người phụ nữ đã mất trước đây để tận mắt chứng kiến thi thể chưa bị phân hủy của người quá cố. Gia đình quyết định không chôn cất bà cụ mà để thi thể bà cụ trong một chiến giường có thiết kế tủ kính.

Theo lời kể của người cháu nội là anh Dương Học Cường, ngày 25 tháng 11 năm đó, tức một ngày sau khi cụ qua đời, các ngón tay có hiện tượng phồng đỏ lên, căng hơn và máu thì không có dấu hiệu đông lại. 

Đến ngày 7 tháng 12, tức khoảng 1 tuần sau khi mất, trên tay cụ vẫn còn hồng do máu lưu thông, thậm chí nếu nhấc và di chuyển bàn tay thì người ta sẽ quan sát được sự lưu thông này bằng mắt thường. Một tháng sau khi mất, hiện tượng này biến mất và cơ thể chuyển dần về trạng thái của một người đã chết.

Phóng viên của Thời báo Kiện Khang đã tìm đến Bệnh viện huyện Hương Hà để tìm hồ sơ bệnh án của bà lão. Theo bác sĩ Lý Dương Hòa – bác sĩ nội khoa của bệnh viện, thì bà lão đã đến phòng khám và được chuẩn đoán là bị viêm phổi, bác sĩ đã kê cho bà một số loại thuộc đặc trị, sau 4 ngày, bệnh tình nhẹ hơn. 

Tuy nhiên, sau đó thì bà gặp hiện tượng nôn mửa khá nghiêm trọng. Cuối cùng thì sau một khoảng thời gian điều trị, bà cũng được xuất viện.

Viêm phổi là một loại bệnh khá phổ biến ở người già, các bác sĩ tại bệnh viện huyện Hương Hà đã sử dụng các loại thuốc kháng sinh trị viêm phổi thông thường để điều trị cho bà lão. Đây được cho là cách làm phổ biến đối với bất cứ bệnh nhân nào. 

Từ đó dẫn tới suy đoán rằng, rất có thể việc sử dụng thuốc kháng sinh đã giúp cơ thể bà lão tiêu diệt các loại vi khuẩn, gián tiếp ngăn chặn quá trình phân hủy của thi thể bà sau khi mất. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng khoa học nào chắc chắn về điều này, tất cả chỉ là nghi vấn.

Các chuyên gia giải thích ra sao về hiện tượng này?

Chuyên gia Giả Minh Xuân – Ủy viên thường vụ của Hiệp hội khoa học và kĩ thuật hình sự Trung Quốc cho rằng cơ thể của người cao tuổi dễ bị mất nước hơn sau khi họ qua đời. Một người lớn tuổi khi qua đời thì xác của họ sẽ nhanh chóng bị khô hơn. 

Ở trường hợp của cụ Châu Phượng Thần, cụ đã ở bệnh viện một thời gian trước khi qua đời, cũng đã gặp hiện tượng nôn mửa, tiêu chảy khi nằm viện, tức cơ thể đã có lượng nước mất đi. Có khả năng cơ thể của cụ khi đối mặt với tình trạng mất nước nhiều trong thời gian ngắn đã xuất hiện sự “tự vệ”, kháng lại quá trình mất nước. 

Ảnh mang tính minh họa.

Còn hiện tượng mà người cháu nội của cụ miêu tả (phồng đỏ lên, căng hơn ở đầu ngón tay và chân) là hiện tượng nước trong cơ thể tích tụ lại với nhau dồn về vị trí đó nhằm tránh cho nước trong cơ thể bị thoát ra ngoài. Sau đó thì hiện tượng này cũng mất đi, cơ thể của cụ dần khô lại (nhưng chưa phân hủy).

Giáo sư Kỉ Tiểu Long, Giám đốc của bệnh viện Đa khoa Cảnh sát (một bệnh viện trực thuộc ngành công an) nói rằng vào thời điểm năm 1996, đứng trước hiện tượng kì lạ này, bệnh viện cũng đã cho người xuống kiểm tra. 

Cụ thể, ông Lý Thâm, khi đó là Trưởng bộ phận vệ sinh hậu cần đã dùng biện pháp điện tâm đổ để kiểm tra tình hình thi thể của bà lão. Thông thường, khi người chết thì điện tâm đồ cũng không còn, nhưng với thi thể này, vẫn có tín hiệu rất nhỏ điện tâm đồ phát ra. 

Lý giải hiện tượng này, có thể biện pháp khoa học thời ấy chưa đủ hiện đại nên máy điện tâm đồ có khả năng đã nhận cả những tín hiệu phát ra từ cá thể khác.

Sau khi rất khó khăn để thuyết phục, gia đình bà cụ đã cho phép ông Lý Thâm dùng một số dụng cụ kim tiêm chuyên dụng, tiến hành lấy chất nhờn tiết ra trên thi thể, lấy mẫu tóc và một chút mô mềm để xem xét. Kết quả là ông cho rằng các chất nhờn trên trán là do các cá thể dạng chất rắn của cơ thể đang chuyển hóa thành chất lỏng, thi thể của bà lão vẫn đang trong quá trình phân hủy nhưng lại cực kỳ chậm một cách khó tin. 

Hiểu đơn giản, thi thể này phân hủy chậm hơn so với các thi thể khác gấp nhiều lần. Ông Lý Thâm đưa ra một giả thuyết rằng, sự xâm nhập của các loại thuốc trước khi bà lão qua đời là nguyên nhân khiến các tế bào bị làm chậm quá trình phân hủy đến mức đáng kinh ngạc.

Theo tìm hiểu của ông Lý Thâm về bệnh án của cụ Châu Phượng Thần, vào năm 38 tuổi, tức 50 năm trước khi qua đời, cụ Châu Phượng Thần đã mắc một loại bệnh khiến cụ phải tìm cách chữa trị, kể từ đó cụ tìm cách duy trì một chế độ ăn chay, đây có thể là nguyên nhân khiến thi thể cụ ít bị vi sinh vật tấn công làm tổn hại.

Thêm vào đó, theo lời người trong gia đình thì khi ấy cụ đã tìm đến một thầy thuốc trong làng để trị bệnh, thầy thuốc này đã dùng Châu Sa để trị bệnh cho cụ. Châu Sa (còn gọi là Chu Sa) có tên khoa học là Cinnabarit, một khoáng vật của thủy ngân. 

Y học cổ truyền Trung Hoa dùng Châu Sa để trị các bệnh đang làm cơ thể bị nóng, nói cách khác là dùng Châu Sa để giải nhiệt. Có thể cụ đã dùng Châu Sa trong một thời gian dài nên đã gây ảnh hưởng lên cơ thể khiến cho cơ thể khó phân hủy hơn sau khi qua đời.

Chưa có kết luận chắc chắn 100%. Còn chuyên gia Giả Minh Xuân thì cho rằng có nhiều yếu tố để thi thể chậm phân hủy đến như vậy, trong đó các yếu tố quan trọng là môi trường, yếu tố tiền sử sức khỏe của cá nhân, yếu tố về đường tiêu hóa của cơ thể… 

Còn với trường hợp của cụ Châu Phượng Thần, các yếu tố như cơ thể tự vệ bằng cách chống lại sự mất nước, thuốc kháng sinh giúp diệt vi khuẩn, cụ ăn chay trong một thời gian dài, sử dụng Châu Sa làm thuốc… đã hình thành nên một “xác ướp tự nhiên” khi cụ qua đời.

THEO TTVN.VN

Trả lời