Doanh nhân thế giới, Quảng bá thương hiệu, Thông tin
Bác sĩ nhãn khoa trở thành tỷ phú nhờ đầu tư theo bí kíp của Warren Buffett: Kiếm tiền vì đam mê chứ không để làm giàu, nguyện hiến 50% tài sản làm từ thiện
Bác sĩ nhãn khoa trở thành tỷ phú nhờ đầu tư theo bí kíp của Warren Buffett: Kiếm tiền vì đam mê chứ không để làm giàu, nguyện hiến 50% tài sản làm từ thiện
Tú Khê |
(Tổ Quốc) – Herbert Wertheim có thể là nhà đầu tư vĩ đại nhất mà thế giới chưa từng nghe đến. Thành công của ông không đến từ một phút giây sáng tạo bất chợt, mà từ một hành trình dài tự lực cánh sinh và đầu tư theo chiến lược.
9h tối thứ 7 tại dinh thự tráng lệ cạnh bờ biển Miami, hàng chục nam thanh nữ tú đang nhảy theo bản nhạc remix “Beat It” của Michael Jackson, tạo dáng bên hồ bơi lớn màu xanh ngọc.
Ở tầng trên, trong căn phòng VIP được bài trí theo phong cách Hy Lạp và La Mã cổ đại, một quý ông có tên là Herbert Wertheim đang ngồi trước đĩa cá hồi xông khói điểm lá vàng và nấm truffle, ngồi xem ảnh trên iPhone.
Thấp thoáng đâu đó là ảnh làm pasta cùng đầu bếp huyền thoại Martha Stewart, ảnh trượt tuyết cùng phi hành gia Buzz Aldrin và ảnh câu cá ở Nam cực. Số còn lại được chụp cùng người vợ Nicole trên chiếc siêu du thuyền World Residences at Sea – nơi ông sống phần lớn thời gian trong năm.
Vợ chồng Herbert Wertheim
Nếu không nhờ chiếc mũ phớt đỏ tươi, Wertheim – một kỹ thuật viên đo kính thuốc về hưu – trông chẳng khác gì những cư dân điển hình sống ở Nam Florida.
Ít ai biết, người đàn ông 83 tuổi này là một tỷ phú tự thân sở hữu khối tài sản trị giá 3,8 tỷ USD. Con số này chưa tính đến 100 triệu USD mà ông đã quyên góp cho hệ thống đại học công lập Florida.
“Tôi thích có thời gian riêng dành cho bản thân”, Wertheim nhìn lại chặng đường sự nghiệp của mình. “Đối với tôi, thời gian là thứ quý giá nhất”.
Herbert Wertheim sinh ra tại Philadelphia vào cuối thời kỳ Đại Suy thoái. Ông là con trai của một gia đình nhập cư người Do Thái. Năm 1945, họ chuyển tới Hollywood, Florida, sống trong một căn hộ nhỏ bên trên tiệm bánh của gia đình.
Do mắc chứng khó đọc, Wertheim bị bạn bè trong lớp chê là ngu dốt. Về đến nhà, ông lại bị đánh bởi người cha bạo lực. Dần dần, Wertheim tìm cách trốn học, đi lang thang khắp Florida, giao du với dân da đỏ, bán thẻ bài trò chơi, hay hái trộm cam và bưởi.
Sự ngỗ nghịch của Wertheim đã vượt ngoài sức chịu đựng của cha mẹ. Ở tuổi 16, ông phải ra tòa vì tội bỏ học không lý do. May mắn thay, vị thẩm phán đã thương hại Wertheim, cho ông hai sự lựa chọn: hoặc là gia nhập Hải quân Mỹ, hoặc vào trại cải tạo. Năm 1956, ông trở thành lính khi chỉ mới 17 tuổi.
“Đó là nơi mà cuộc đời tôi thay đổi hoàn toàn”, ông nhớ lại. “Họ liên tục kiểm tra để xem bạn thông minh cỡ nào. Trong số 135 học viên, tôi nghĩ mình đứng đầu, đặc biệt về mảng cơ khí và tổ chức”.
Khi đã tự tin hơn, Wertheim còn học thêm Vật lý và Hóa học, trước khi làm việc trong ngành hàng không hải quân. Đây cũng là lúc ông bắt đầu làm quen với đầu tư chứng khoán.
Vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nền công nghiệp của Mỹ phát triển mạnh. Chỉ số Dow Jones cuối cùng cũng hồi phục sau 2 thập kỷ chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năm 1929. Cổ phiếu ngành hàng không vũ trụ đang dẫn đầu thị trường.
Ở tuổi 18, Wertheim có khoản đầu tư đầu tiên, khi dùng tiền trợ cấp để mua cổ phiếu của Lear Jet – doanh nghiệp sản xuất các thiết bị hàng không trong Thế chiến II. Ông gần như đổ hết tiền lương của mình vào chứng khoán.
“Bạn kiếm tiền bằng mồ hôi công sức của mình, sau đó trích một phần để đầu tư vào sức lao động của người khác”, ông nói.
Sau khi xuất ngũ, Wertheim trở thành nhân viên bán hàng, đi gõ cửa từng nhà để bán bánh khoa toàn thư. Ông từng theo học tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Brevard, sau đó học ngành kỹ sư tại ĐH Florida nhưng chưa bao giờ tốt nghiệp.
Trong thời gian đó, Wertheim còn làm việc cho NASA hồi mới thành lập, chịu trách nhiệm cải tiến các thiết bị đo lường cho các chuyến bay có người lái. Điều này vô tình khơi dậy trong ông ngọn lửa đam mê dành cho nhãn khoa và các thiết bị chữa tật khúc xạ.
(Ảnh minh họa)
Năm 1963, Wertheim giành được học bổng của Trường ĐH Đo thị lực miền Nam, sau đó mở một phòng đo mắt tại Nam Florida. Suốt 12 năm liền, ông không ngừng làm việc chăm chỉ, dù phần lớn bệnh nhân đều là tầng lớp lao động nghèo, không có tiền mà phải trả phí bằng những thùng xoài và bơ.
Đến tối, Wertheim sẽ dành thời gian để mày mò sáng tạo. Năm 1969, ông phát minh ra màu mới cho tròng kính mắt nhựa, có khả năng lọc và hấp thụ những tia UV nguy hiểm, ngăn ngừa bệnh đục thủy tinh thể.
Năm 1970, Wertheim thành lập công ty Brain Power Inc. (BPI), chuyên phát triển màu kính, màu nhuộm và các thiết bị công nghệ nhãn khoa khác. Khoảng 1 năm sau, ông tổng hợp thành công một trong những chất trung hòa đầu tiên trên thế giới, giúp khôi phục các thấu kính về trạng thái ban đầu.
“Tôi đã nói với vợ: Nicole à, thứ trong chiếc lon này sẽ biến chúng ta thành triệu phú”, Wertheim nhớ lại.
Điều ông tiên đoán rốt cuộc đã thành sự thực.
BPI trở thành một trong những nhà sản xuất tròng mắt màu lớn nhất thế giới, cung cấp sản phẩm cho nhiều thương hiệu nổi tiếng như Bausch & Lomb, Zeiss và Polaroid. Công ty này đang nắm giữ hơn 100 bằng sáng chế và bản quyền trong lĩnh vực nhãn khoa, với mức doanh thu hàng năm hơn 25 triệu USD.
Trong vòng chưa đầy 2 thập kỷ, Wertheim từ một người tay trắng trở thành một doanh nhân, một nhà phát minh thành đạt. BPI chưa bao giờ đạt tốc độ phát triển vượt bậc, nhưng doanh thu của nó cũng đạt hơn 10 triệu USD/năm, đủ để vị doanh nhân này nuôi dưỡng đam mê đầu tư và sống một cuộc đời thoải mái.
“Tôi không muốn kinh doanh lớn”, ông cho biết. “Thế nhưng hiện tại, tôi có một doanh nghiệp trị giá khoảng 5-8 tỷ USD, trong đó tôi sở hữu 10%”.
Wertheim dùng số tiền kiếm được từ BPI để mua cổ phiếu. Chiến lược ông sử dụng được tổng hòa từ hai Warren Buffett và Peter Lynch, với một chút phong cách của Jack Bogle.
Với thương vụ Learjet vào cuối thập niên 50, Wertheim đã thực hành “đầu tư vào thứ mình biết” do Peter Lynch khởi xướng. Huyền thoại này khuyên mọi người nên tận dụng chuyên ngành của mình để đạt được lợi thế trong đầu tư.
Thay vì quan tâm đến các chỉ số trong báo cáo tài chính, Wertheim dành 12 tiếng/tuần để tìm hiểu các thuật ngữ kỹ thuật, rồi đọc các bằng sáng chế. Ông chủ yếu đầu tư vào cổ phiếu của những công ty có danh mục sáng chế ấn tượng như IBM, 3M và Intel.
“Đối với tôi, quan trọng nhất là: Họ sở hữu vốn tri thức nào để có thể tiếp tục phát triển trong tương lai?”
Giống như Warren Buffett, Wertheim sẵn sàng đặt cược mạnh tay kể cả khi những cổ phiếu có tiềm năng tăng giá trong vài năm tới đi ngược lại kỳ vọng của ông. Ông quan niệm rằng một khi đã đặt niềm tin vào tài sản trí tuệ của một công ty, dù thị trường có đi xuống một chút cũng chẳng sao, bởi sản phẩm của công ty đó luôn có giá trị lâu dài.
“Nếu bạn thích một cổ phiếu nào đó giá 13 USD, hãy chờ nó ở mức giá 12 USD, 11 USD hoặc 10 USD”, nhà đầu tư tay ngang cho biết. “Nếu cổ phiếu đó tiếp tục xuống giá, nhưng bạn vẫn tin tưởng và nghiên cứu kỹ lưỡng để mua thêm, bạn sẽ có một món hời”.
“Mục tiêu của tôi là mua và gần như không bao giờ bán”, ông nói. “Tôi để cho nó tăng giá nhiều nhất có thể và sử dụng cổ tức để tiếp tục”. Giống như nhà tiên tri xứ Omaha, ông hiếm khi tái đầu tư cổ tức mà sử dụng dòng tiền từ danh mục của mình để đầu tư hoặc tận hưởng cuộc sống.
Wertheim còn giữ cổ phiếu của Microsoft kể từ khi “gã khổng lồ” tiến hành IPO vào năm 1986. Bản thân ông biết khá nhiều về tin học, thậm chí còn từng tham gia quá trình sản xuất máy tính. Khi Microsoft ra mắt hệ điều hành Window, Wertheim đã sớm nhận ra tiềm năng của thương hiệu này.
Số cổ phiếu Microsoft mà vị doanh nhân này mua trong đợt IPO khi đó giờ đã trị giá đến 160 triệu USD. Khoảng 1,25 triệu cổ phiếu Apple mà ông mua hồi đầu với mức giá 10 USD giờ đã có tổng trị giá 195 triệu USD.
Tuy nhiên, không phải phi vụ đầu tư nào của người đàn ông 83 tuổi này cũng thành công rực rỡ. Ông từng nuốt trái đắng khi đầu tư mạnh vào Blackberry. Theo Wertheim, ông sẽ bán cổ phiếu khi giá xuống tới 25%.
“Tôi vốn tin tưởng vào ban lãnh đạo mới và câu chuyện hồi phục”, ông nhớ lại. “Tuy nhiên, khi thấy phần lớn lợi nhuận biến mất từ tháng này qua tháng khác, tôi quyết định rằng thế là quá đủ”.
Thỉnh thoảng Wertheim cũng sử dụng đòn bẩy, nhưng khá hạn chế khi mua các cổ phiếu sinh lời cao. Tuy nhiên, vị doanh nhân này đã dính phải một đợt “margin call” vào năm 1982, khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất từ 12% lên 20%, khiến thị trường giảm 20%.
Sự cố này đã lấy mất 50 triệu USD của Wertheim, dạy ông một bài học về sự nguy hiểm của phương pháp đòn bẩy và hạch toán theo giá thị trường.
Tương tự Warren Buffett, Wertheim cũng cho rằng việc tìm kiếm những doanh nghiệp quản lý tốt chính là chìa khóa dẫn tới thành công.
Vào thập niên 70, Wertheim làm quen với Laurans “Larry” Mendelson. Ông mua một căn hộ trong tòa nhà do Mendelson sở hữu, cả hai thường đậu thuyền cạnh nhau và có con cái trạc tuổi.
Không chỉ là một kiểm toán viên CPA, Mendelson còn là một nhà đầu tư bất động sản thành công, tốt nghiệp Trường Kinh doanh Columbia danh tiếng. Bị ảnh hưởng bởi làn sóng làm giàu nhờ LBO (mua lại dùng đòn bẩy), gia đình này muốn tìm một công ty được định giá thấp, làm việc kém hiệu quả để tiếp quản.
Khi nhà Mendelson quyết định tiếp quản Heico – một công ty chế tạo bộ phận máy bay quy mô nhỏ. Wertheim đã dùng kiến thức hàng không của mình để tư vấn và giúp bạn mua lại thành công Heico. Bản thân ông cũng mua cổ phiếu công ty, khi đó chỉ có giá 33 xu.
Từ một doanh nghiệp thảm họa, Mendelson đã biến Heico trở thành một trong những nhà cung cấp phụ tùng được Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FFA) chấp thuận, cạnh tranh với nhiều ông lớn khác tại Mỹ. Lọt vào mắt xanh của dân phố Wall, cổ phiếu của doanh nghiệp này đã tăng gấp 6 lần, lên hơn 2 USD.
Hiện tại, cổ phiếu Heico đang có giá 135 USD, trong đó Wertheim là cổ đông cá nhân lớn nhất. Khoản đầu tư 5 triệu USD ban đầu của ông giờ đã trị giá hơn 1 tỷ USD.
Ở tuổi 83, Herbert Wertheim chủ yếu dành thời gian để tận hưởng cuộc sống.
Vị tỷ phú này có một trang trại rộng 36 héc-ta ở Colorado (Mỹ), một ngôi nhà 4 tầng nguy nga nhìn ra bờ sông Thames ở London (Anh), cùng hai dinh thự khổng lồ ở California (Mỹ). Vào mùa đông, Wertheim thường cùng vợ con nghỉ dưỡng trên The World – siêu du thuyền nhà ở lớn nhất thế giới, nơi ông sở hữu 2 căn hộ cao cấp.
Giống Bill Gates và Warren Buffett, Wertheim cũng cam kết dùng ít nhất một nửa khối tài sản của mình để làm từ thiện. Ông dự định sẽ quyên góp cho lĩnh vực giáo dục công – nơi đã “tạo ra” ông.
“Tôi sẽ không thể nhận được cơ hội và giáo dục như ngày hôm nay nếu không có sự trợ giúp của hệ thống giáo dục đại học công lập”, ông viết trên bản cam kết.
Dạo bước quanh khuôn viên của ĐH Quốc tế Florida – nơi cách nhà Wertheim chỉ vài phút lái xe, mọi người sẽ bắt gặp hàng loạt những tòa nhà mang tên ông: Trường Y dược Herbert Wertheim, Trường Điều dưỡng và Khoa học sức khỏe Nicole Wertheim, Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Herbert & Nicole, Nhạc viện Wertheim.
Vị tỷ phú này đã đóng góp 50 triệu USD cho ĐH Quốc tế Florida và 50 triệu USD khác cho ĐH Florida. Năm 2018, ông cam kết quyên tặng 25 triệu USD cho ĐH California để thành lập trường sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh lĩnh vực giáo dục, Wertheim còn quyên góp cho hàng trăm tổ chức phi lợi nhuận trong và ngoài nước.
Từng có thời ghét cay ghét đắng trường học, Wertheim giờ đây lại vô cùng thích thú khi nhìn thấy tên mình trên các tòa nhà.
Vợ chồng Wertheim cùng Bill Gates
Thỉnh thoảng, vị doanh nhân 83 tuổi lại đội chiếc mũ phớt đỏ đặc trưng, chân đi đôi giày thể thao của Nike, nhờ người qua đường chụp giúp mình tấm ảnh lưu niệm trong khuôn viên trường. Ông hào hứng thử nghiệm những thiết bị mới trên giảng đường, góp ý một vài thay đổi để sinh viên học hiệu quả hơn.
“Ông ấy là một nhân vật truyền cảm hứng, thách thức mọi người nghĩ lớn và tưởng tượng những điều khả thi”, Cammy Abernathy – hiệu trưởng của Trường Kỹ thuật Herbert Wertheim, ĐH Florida – cho biết.
Ngoài ra, Wertheim còn là thành viên của nhiều tổ chức có mục đích nhân văn như Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, Hội Hướng đạo sinh. Ông cũng là người sáng lập ra giải thưởng Friends of Vail và Vail Valley Citizen nhằm tôn vinh những tấm gương người tốt việc tốt.
“Tôi nghĩ rằng cho đi là bản chất của con người. Bất kể bạn là ai, bạn đều có thể tìm ra cơ hội để làm điều đó. Tôi không quan tâm bạn có bao nhiêu, vấn đề quan trọng là bạn làm gì với những thứ bạn có.
Cha của tôi là một người thợ làm bánh và chúng tôi sống ngay phía trên cửa hàng bánh. Khi còn đi học, mỗi năm tôi chỉ được mua một đôi giày có giá không quá 5 USD. Sau này, khi đã thành công, tôi muốn cho đi nhiều hơn để giúp đỡ mọi người.
Tôi không sợ đưa ra quyết định và sợ kinh doanh. Mỗi ngày, bạn có 24 giờ để làm những việc giúp bạn đạt được điều mình mong muốn. Thật may mắn là việc kinh doanh của tôi thuận lợi. Chính vì vậy, tôi có thể sử dụng tài sản của mình để triển khai các ý tưởng.
Thời gian và tình người là những tài sản quý giá nhất đối với mỗi người và cách sử dụng hai điều này sẽ ‘định nghĩa’ con người của chúng ta“, vị tỷ phú này chia sẻ.
(Theo Forbes)