Những tình huống bi hài khi học từ xa
“Cô giáo trông trẻ đẹp thế nhỉ?”, câu nói của một phụ huynh vang vào mic trong buổi học online, cô Minh Hòa phải vờ như không nghe thấy.
Trong buổi học online, cô Minh Hòa, 28 tuổi, giáo viên tiếng Anh tại một trường THCS tại Hà Nam, thường yêu cầu học sinh tắt mic để không cắt ngang lời cô và tránh nghe chuyện riêng tư của các gia đình, lời khen chê của phụ huynh. Khi em nào muốn nói hoặc gọi ai phát biểu, cô sẽ gọi tên để các em mở mic.
Tuy nhiên, học trò hay quên thao tác này và cô Minh Hòa thường nghe được những lời nhận xét vô tư của phụ huynh nam về ngoại hình, cách ăn mặc, đôi khi hỏi con về quê quán, gia đình của cô. Do mới về trường công tác, lại không phải giáo viên chủ nhiệm nên ít phụ huynh biết mặt cô.
Có lần khi bố của một học sinh nhận xét “Cô giáo trông trẻ đẹp thế nhỉ? Không biết có chồng chưa?”, cô Hòa vờ như không nghe thấy để tiếp tục bài giảng. Nhưng ngay sau đó, mẹ em này tỏ thái độ ghen tuông, cự lại chồng: “Anh khen xinh là có ý gì? Anh muốn bỏ mẹ con tôi rồi đúng không?”.
“Lúc đó tôi rất ngại nhưng vẫn phải giả vờ không biết, chỉ tiếp tục nhắc học sinh tắt mic đi”, cô Hòa kể. Sau lần đó, cô phải nhờ giáo viên chủ nhiệm từng lớp nhắn trong nhóm chat chung là giờ học online, phụ huynh hạn chế đi vào, nói chuyện để yên tĩnh cho các con học bài.
Một lớp học online qua ứng dụng Zoom.
Cùng hệ thống trường với cô Minh Hòa, cô Thu Lan, 49 tuổi, giáo viên chủ nhiệm lớp 5, cũng gặp phải tình huống khó xử trong quá trình ôn luyện từ xa cho học sinh. Do học sinh tiểu học chưa áp dụng hình thức học trực tuyến nên cô lập một nhóm chat Zalo gồm 20 phụ huynh, gửi bài tập vào nhóm và nhờ bố mẹ chuyển cho con làm.
Việc sử dụng nhóm chat chung gây ra một số rắc rối khi phụ huynh bàn luận và nói chuyện ngoài lề quá nhiều, làm trôi những tin nhắn chứa nội dung thông báo, giao bài. Nhiều người khó chịu, chỉ nhắn “Xin lỗi cô giáo, em cho con ra khỏi nhóm” rồi đột ngột thoát. Cô Lan phải đi thuyết phục, thêm phụ huynh đó trở lại nhóm hoặc gửi bài tập riêng cho họ.
Mỗi ngày, cô Lan thường gửi bài tập vào khoảng 3-4h chiều, phụ huynh sẽ chụp bài con đã làm và gửi lại vào ngày hôm sau. Cô Lan chia sẻ, do trường học ở vùng nông thôn, phụ huynh hầu hết là người làm nông nên thật thà, đôi khi tạo ra những tình huống khiến cô giáo ngượng ngùng.
“Một phụ huynh nam gửi ảnh đang mặc quần áo đùi áo ba lỗ vào trong nhóm, thanh minh rằng đang không có nhà nên chưa giao bài cho con được. Tôi chỉ biết nhắc nhở nhẹ và bảo lần sau không cần gửi ảnh như vậy”, cô giáo nói.
Nhiều phụ huynh cũng gặp tình huống “dở khóc dở cười” khi kèm con học từ xa. Chị Dương Liên, 46 tuổi, ở Phú Thọ, thường xé lịch hàng ngày, chép từng câu trắc nghiệm trong phần bài tập cô giáo gửi qua nhóm Zalo để cho con gái đang học lớp 1 làm. Bài tập được cô gửi dưới định dạng Word. Bình thường, phụ huynh chỉ cần tải về máy tính rồi in ra, nhưng do không sử dụng thành thạo máy tính cũng không có máy in, chị đành làm theo cách thủ công.
Tuần hai lần, chị Liên chép bài tập, gồm 20 câu Toán và Tiếng Việt, bảo con đọc theo và chép lại vào vở, sau đó mới làm. Đứa bé nhìn theo nét chữ của mẹ, thỉnh thoảng lại thắc mắc “Tại sao mẹ lại viết chữ s khác con”, “Tại sao mẹ viết sai mà lại không gạch chân (chị Liên gạch giữa)”? Chị Liên vừa cười vừa giải thích rồi lại viết lại sang tờ khác.
Một lần khác, mở file bài tập cô gửi qua ứng dụng Zalo trên điện thoại, chị Liên không hiểu đề bài, chạy sang hàng xóm nhờ mấy đứa cháu học lớp 6 xem hộ nhưng cũng không ai hiểu gì cả. Hóa ra, file cô gửi không tương thích trên điện thoại, khi mở bị lỗi. Sáu phép tính đơn giản kiểu “17 + 3 = ….” được đặt theo chiều dọc nhưng các con số nhảy vị trí nên không nhìn ra bài yêu cầu gì. Gửi cho con gái cả ở Hà Nội để mở ra xem thử trên máy tính, chị mới thở phào.
“Tôi lớn tuổi mà con còn nhỏ quá, cách học đã khác rất nhiều. Những lỗi kỹ thuật đôi lúc lại tưởng là kiến thức mới mà ngày xưa mình chưa được học. Vả lại tôi cũng không biết nhiều về công nghệ thông tin nên khó khăn hơn các phụ huynh khác trong lớp. Lúc kể chuyện này ra, nhiều người ôm bụng cười”, chị Liên nói.
Bài tập 1 bị hiển thị lỗi do không tương thích trên điện thoại. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Chị Liên còn phải đăng nhập vào ứng dụng Zoom cho con học tiếng Anh cùng các bạn. Chị bảo “Zalo còn chưa thạo huống hồ một cái ứng dụng bắt tải về, đăng ký rồi lại mã đăng nhập”. Cứ đến giờ con chuẩn bị học, chị lại chạy qua nhờ đứa cháu đại học năm cuối, đang nghỉ ở nhà chống dịch, đăng nhập giúp.
Dù gặp nhiều trở ngại, con chị Liên vẫn chưa bỏ bài tập nào. Cảm thấy học kiểu này không hiệu quả nhưng chị vẫn cố gắng theo để con không quên kiến thức. Bà mẹ hy vọng dịch sớm lắng xuống để con được quay trở lại trường học cùng thầy cô và các bạn.
Do ảnh hưởng của Covid-19, khoảng 22 triệu học sinh cả nước nghỉ học từ tháng 2. Đầu tháng 3, học sinh THPT của khoảng 30 tỉnh thành đi học, nhưng được khoảng 3 tuần lại nghỉ, do số ca nhiễm tăng nhanh, đến sáng 31/3 đã là 204. Trong thời gian ở nhà, học sinh học online, học qua truyền hình.
Thanh Hằng – Dương Tâm
Theo Vnexpress.net