Gia đình, Mẹo hay & kiến thức, Thông tin
Nguy cơ ‘dính độc’ khi chiên đồ ăn trên giấy nướng theo video trên TikTok
Nguy cơ ‘dính độc’ khi chiên đồ ăn trên giấy nướng theo video trên TikTok
TikTok, nền tảng video ngắn với hơn một tỷ người dùng, giúp giới trẻ sáng tạo nội dung, nhưng cũng là nơi phát tán không ít trào lưu gây hại. Một trong số đó phải kể tới trào lưu nấu ăn không theo khoa học khiến người làm theo có thể nhận lấy trái đắng.
Nở rộ trào lưu dùng giấy nướng chiên đồ ăn theo TikTok
Gần đây, một số tài khoản TikTok ở nước ngoài và Việt Nam có trào lưu thêm dầu ăn vào giấy nướng và chiên trực tiếp với dầu bên trong giấy rồi đặt lên chảo. Mẹo này được các TikToker đánh giá là vui và sáng tạo trong khi bác sĩ dinh dưỡng cảnh báo không phải mẹo nào trên mạng cũng nên thử.
Theo như hướng dẫn trong video, các TikToker gấp giấy nướng thành chiếc hộp hình vuông, đổ dầu ăn vào để chiên bánh phồng, thịt gà hoặc tôm tẩm bột. Họ chia sẻ việc chiên đồ ăn trên giấy nướng vẫn đảm bảo được độ giòn của món ăn, giúp đồ ăn không bị khô cũng như đỡ tốn công lau dọn.
Có người cho hay hiện tại, vẫn chưa rõ khi chịu nhiệt độ cao, giấy nướng có sinh ra chất nào khác hay không. Nhưng trước mắt, đây là mẹo rất sáng tạo và có ích trong một vài trường hợp.
Chiên đồ ăn trên giấy có thể sản sinh ra chất độc hại khi tiếp xúc với dầu nóng cần tránh làm theo. Ảnh: Zing
Ngoài ra, một video phân tích sự khác biệt giữa giấy nến và giấy nướng để mọi người cân nhắc lựa chọn. Mặc dù 2 loại giấy này thường có màu trắng (đã tẩy với fluoride) hoặc màu nâu (chưa được tẩy), khả năng chịu nhiệt của chúng khác nhau. Giấy nướng dai, dẻo, kháng nước và dầu mỡ tốt hơn cũng như được phủ một lớp silicon bên ngoài, nội dung video cho biết.
Đồng thời, theo video đăng tải, khi dùng ở nhiệt độ cao, giấy nến bốc ra mùi khó chịu. Trong khi đó, giấy nướng chịu nhiệt tốt, nếu chiên từ 200 độ C trở lên, nó có thể biến tính nhưng không gây ra mùi khó chịu. Vì vậy, dùng giấy nướng trên các chảo đồ ăn là lựa chọn tốt hơn.
Bên cạnh những bình luận khen cách này tiết kiệm dầu ăn và đỡ phải rửa chảo, một số người nhận xét các video chủ yếu “vẽ rắn thêm chân”, tốn thời gian và lãng phí giấy.
Chuyên gia cảnh báo gì?
Trao đổi với Zing, đại tá, thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Chủ nhiệm khoa Dinh dưỡng – Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), cho biết việc dùng giấy nướng để chiên thực phẩm không phải là mẹo nấu nướng hữu ích. Trên thực tế, đây được xem là hành động rất nguy hiểm đối với sức khỏe ăn uống.
Trước hết, giấy nướng thường được phủ một lớp dầu mỏng để tránh thức ăn bị dính vào giấy cũng như giúp thức ăn dễ chiên và có vị ngon hơn. Tuy nhiên, khi giấy nướng tiếp xúc trực tiếp với dầu nóng, nó có thể cháy và phát ra khói, từ đó gây nguy hiểm đến an toàn thực phẩm cũng như sức khỏe người ăn.
Ngoài ra, giấy nướng thường chứa các hóa chất và chất bảo quản để giữ nó không bị ẩm. Khi tiếp xúc trực tiếp với dầu nóng, giấy nướng có thể phát ra các hóa chất độc hại.
Hơn hết, chế biến thực phẩm trực tiếp với giấy nướng có thể dẫn đến mất chất dinh dưỡng, do giấy này không truyền nhiệt đều, làm thức ăn bên trong không chín đều, dẫn đến thiếu dinh dưỡng.
Vì vậy, theo bác sĩ Hà, việc sử dụng giấy nướng để chiên thực phẩm là hành động không an toàn và có thể gây hại đến sức khỏe ăn uống. Thay vì vậy, chúng ta nên sử dụng chảo và dầu ăn để chiên thực phẩm, đảm bảo an toàn, đầy đủ dinh dưỡng cho món ăn.
Ngoài ra, bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết thêm các loại giấy nướng thường làm từ vật liệu tổng hợp và được sử dụng rất phổ biến. Mặc dù chưa có nghiên cứu chỉ ra mẹo chiên đồ ăn trên giấy nướng gây hại, cách này gây lãng phí, ô nhiễm môi trường và không cần thiết.
Bác sĩ Diệp khuyến cáo thêm, ngày nay có rất nhiều mẹo nấu nướng trên mạng xã hội nhưng không phải cái nào cũng đúng và hữu ích. Vì thế, mọi người cần chọn lọc trước khi làm thử để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trước đó, nhiều người dùng TikTok lan truyền các đoạn video hướng dẫn nấu ăn mà không cần dùng đến dụng cụ chuyên dụng như nồi hay chảo. Họ gói thức ăn (có thể kèm theo một lượng dầu ăn hoặc sốt ướp) lại trong giấy bạc (hay còn gọi là giấy nhôm) và đun trực tiếp trên bếp gas hoặc bếp điện. Tạp chí Reader’s Digest nhận định đây là việc làm có thể gây nguy hiểm.
Cụ thể, theo thông tin từ Thư viện y khoa quốc gia Mỹ, Trung tâm thông tin công nghệ sinh học quốc gia Mỹ và một số nghiên cứu đã được công bố trước đây, giấy bạc sẽ có nguy cơ ngấm vào thức ăn khi bị tác động nhiệt quá cao.
Các nghiên cứu cũng phát hiện ra nếu con người hấp thụ lượng nhôm cao trong thời gian dài có thể gây ra các vấn đề sức khỏe. Nghiên cứu công bố hồi năm 2011 do các chuyên gia thuộc Đại học Tokyo và Đại học Y tế Phúc lợi Kyushu (đều ở Nhật Bản) phối hợp thực hiện đã tìm thấy nồng độ nhôm cao trong mô não của bệnh nhân mắc hội chứng suy giảm trí nhớ Alzheimer.
Các nghiên cứu khác cũng phát hiện ra rằng hấp thụ lượng nhôm cao trong lâu dài có thể dẫn đến nguy cơ ức chế tốc độ tăng trưởng của tế bào và gây hại cho bệnh nhân mắc bệnh về xương hoặc thận.
Theo chuyên trang Science Direct, nhiệt độ trung bình khi tiếp xúc trực tiếp một ngọn lửa là trên 800 độ C. Do đó, việc bọc thức ăn bằng giấy bạc và nấu ngay trên bếp lửa hay bếp điện ở nhiệt độ cao có thể mang đến nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe.
Ngoài ra, trả lời Reader’s Digest, bà Amber Adams – chuyên gia tư vấn đồ dùng gia đình tại Mỹ, cho biết độ axit trong thực phẩm cũng là một nguy cơ khác.
“Nếu bạn nấu các loại thực phẩm có tính axit cao như cà chua hoặc nước xốt làm từ giấm ở nhiệt độ quá cao, điều này có thể khiến giấy bạc dễ hỏng, thậm chí còn khiến nhiều nhôm hơn ngấm vào thức ăn”, bà Adams nói.
Chuyên gia người Mỹ cũng lưu ý dù lượng nhôm giải phóng vào thức ăn trong một lần nấu là không quá nhiều, tuy nhiên với những người nhạy cảm hoặc có nguy cơ mắc Alzheimer cao thì nên cẩn thận.
Bà Adams cũng cho biết có nhiều lựa chọn an toàn hơn để nấu ăn, đơn giản như cách mọi người vẫn thường làm là nấu chín thực phẩm trong các dụng cụ bằng thủy tinh hoặc thép không gỉ.
An Dương (T/h)
Nguồn: https://vietq.vn/nguy-co-dinh-doc-khi-chien-do-an-tren-giay-nuong-theo-video-tren-tiktok-d209427.html |