Được thằng bạn đánh tiếng mời về vườn chơi, tranh thủ dịp cuối tuần ngay lúc tờ mờ sáng, tôi “cưỡi con ngựa sắt” từ TP Vĩnh Long vượt sông Cổ Chiên bằng chiếc phà An Bình về thăm nhà bạn ở xứ cù lao, thuộc xã Đồng Phú (Long Hồ) để tận hưởng thú vui dỡ chà trên sông.
Dỡ chà bắt cá.
Hàng năm, cứ mỗi mùa nước nổi qua đi, thì mực nước trên các sông cũng thấp dần. Đây là thời gian người ta dỡ chà bắt cá sau thời gian dẫn dụ cá đến đống chà trú ngụ, sinh sản.
Sẵn dịp tôi về, thằng bạn tôi kêu thêm vài người anh em nữa để dỡ chà bắt cá. Ở phố thị nhiều năm, hàng ngày quây quần với công việc mưu sinh, giờ về quê được đi bắt cá, thật là lý thú.
Tranh thủ thời gian nước đang ròng, thằng bạn dẫn tôi ra sông Cái giáp Tiền Giang, phía bờ Vĩnh Long, đây là nhánh của sông Tiền.
Ở đây, nhiều đống chà lớn nhỏ được các chủ chà chất ngay ngắn, lô nhô trên mặt nước. Chỉ tay về phía đống chà có vài người đang hì hục dưới nước, bạn tôi bảo: “Đó là đống chà của nhà tao, mấy anh em đang bao lưới chuẩn bị dỡ chà đó”.
Bạn tôi lấy xuồng đưa chúng tôi ra đống chà. Vừa tới nơi, nó nhảy ùm xuống nước để phụ các anh em bao lưới, người khác thì lặn hụp phì phò dưới nước để gài dàn chì lưới xuống đất tránh cho cá theo lỗ hổng thoát ra ngoài. Tôi là người “ngoại đạo”, nên được “đặc cách” cho ngồi trên xuồng xem các công đoạn dỡ chà kiêm chụp ảnh.
Việc bao lưới hoàn tất, mấy anh em kéo từng nhánh chà bỏ ra phía sau để tạo thành đống chà mới. Chà được chất bằng nhánh cây bần, loại cây mọc nhiều ở mé sông, mé rạch. Sau khi chặt nhánh, người ta để một tuần sau cho bần rụng hết lá mới đem đi chất chà, mỗi đống chà có bề tròn từ 5- 6m.
Dọn dẹp xong nhánh chà, cũng là lúc anh em cùng ngụp lặn dưới nước để bắt cá, tôm. Không lâu sau, bạn tôi ngoi đầu lên khỏi mặt nước, “ẵm” con tôm càng xanh cười toe toét khoe: “Tao bắt được con càng xanh nè, to quá mày ơi”.
Lát sau, chú Hai- chú của bạn tôi- đưa hai tay lên hồ hởi: “Thêm một con trắm cỏ nữa nè, thích chưa?” Nước bị động, trở nên đục ngầu, những con cá linh rìa thay nhau phóng từ dưới đáy lên khỏi mặt nước cao gần cả thước. Tốc độ bay như “tên bắn” lộ lớp vảy bạc lấp lánh theo ánh nắng vàng buổi sáng sớm làm tôi thấy sướng rơn cả người!
Khoảng gần một giờ đồng hồ “vật lộn” với đám cá, mấy anh em bạn tôi dần thu lưới lại, kéo lên. Hàng trăm con cá thi nhau nhảy soi sói làm nước văng tung tóe. Tôi thích thú phụ kéo lưới, cũng bị nước văng làm ướt hết quần áo. 4 người giữ chặt 4 góc lưới, giơ cao để cá không nhảy ra ngoài.
Tôi và những người còn lại nhanh tay lấy thau, rổ tre mang theo xúc cá, lựa cá lớn: cá lóc, cá tra, cá chép, cá trắm cỏ, cá mè vinh,… cho vào một thùng. Còn những loại nhỏ hơn: cá linh rìa, cá mè dảnh, tôm lóng,… cho vào một thùng riêng.
Bắt cá xong, chúng tôi thu lưới, ràng buộc lại đống chà cho chắc chắn. Rồi bơi xuồng vào bờ, buộc dây xuồng cẩn thận và cùng nhau rinh những thùng cá đầy ắp về nhà.
Tôi với thằng bạn xung phong đi gom lá chuối khô thay rơm chất thành đống cao phủ lên mấy con cá lóc đã được xỏ nhánh tre từ đầu cho tới đuôi để nướng trui. Lá chuối khô bén lửa tanh tách, cháy nhanh… tỏa ra mùi thơm ngào ngạt của da cá cháy xém.
Những người khác thì lui cui nấu cháo cá, làm món cá kho lạt ăn kèm với rau vườn. Sau đó, mọi người cùng xúm xít bên chiếc bàn tròn nhâm nhi vài ly đế và thưởng thức thành quả lao động cả bọn vừa thu được. Chỉ nhiêu thôi đã thấy cuộc sống miệt sông nước này thú vị biết dường nào!
Dỡ chà trên sông từ lâu là nghề mưu sinh của bao người nơi miệt vườn cù lao, cũng là một niềm vui dân dã nơi miền sông nước.
Mặc dù ngày nay cá không phong phú như trước kia, nhưng nhiều gia đình vẫn giữ nghề chất chà bắt cá, như gìn giữ một nét đẹp văn hóa truyền thống của ông cha để lại.
Còn đối với những người xa quê như chúng tôi, lâu lâu được về quê dỡ chà bắt cá như là một thú vui, một trải nghiệm đầy thú vị, giúp tôi thêm yêu quê hương, xứ sở.
Theo Báo Vĩnh Long