Vào mùa nắng gắt, những ao, mương, đìa… trên đồng nước sát khô; hay ở sau vườn nhà cái mương nước cũng sắp cạn dần vì nước bốc hơi. Đó cũng là lúc những con cá, con tôm co cụm lại trong một phạm vi hẹp để sinh tồn. Đi tát mương vào mùa ao cạn, mương đìa sắp khô sẽ ít tốn công sức hơn và còn thu hoạch được nhiều.
Minh họa: Lê Duy
Bởi vậy, ở vùng thôn quê, vào mùa nắng hạn, những người rảnh rỗi công việc hay những chú nhóc tuổi khoảng mười bốn, mười lăm đã biết xách rổ, bưng thau đi tát mương bắt cá rồi.
Như thông lệ hằng năm, sau khi trải qua một mùa nắng gắt thì mặt đất khô cằn, nứt nẻ, những đìa, ao, mương dần cạn nước. Chỉ có những chỗ nào sâu thì mới không bị cạn khô. Khi mùa mưa đến thì cỏ cây, hoa lá bắt đầu xanh tươi và phát triển trở lại. Ở dưới ao, mương cũng chứa đầy nước. Đó là lúc các loài cá bắt đầu sinh sản và lớn lên.
Mương thì nhiều nước. Cộng thêm mấy đám rau muống thi nhau bò um tùm làm mát mẻ, là nơi lý tưởng cho lũ cá, tôm sinh sống dưới ao, mương. Đêm về, xách cây đèn ra sau mương, vườn nghe tiếng cóc, tiếng nhái kêu vang; còn dưới mương thì nghe tiếng đớp mồi lủm bủm của những con cá lóc, cá trê. Mỗi lần được nghe những thanh âm đó là muốn đi kiếm cái cần câu và đi bắt vài con dế nhũi làm mồi để cắm câu. Có lần, cắm xong cần câu, đi vô chưa tới nhà thì con cá đã đớp mồi. Nhìn cần câu quật mạnh xuống nước, chạy trở ra kéo cần câu lên, nếu không là cá lóc thì là cá trê đã cắn câu, rất là thích thú.
Khi mùa mưa đi qua thì lại bắt đầu vào mùa nắng. Tuy nhiên, những ngày nắng trong năm thì ao, mương nào cũng còn rất nhiều nước. Chỉ khi qua tết nắng nóng gay gắt kéo dài thì nước mới bắt đầu cạn dần; cộng thêm nước mặn xâm nhập làm những đám rau muống hay những đám rong dưới mương dần héo và chết sạch, chỉ còn lại một ít nước dưới mương trống trơ.
Có những buổi chiều, khi trời đã dịu mát, ở phía sau vườn nghe có tiếng tát mương, một lát sau ra xem đã thấy những con cá phơi lưng chạy cời cời trên cạn, nào là cá lóc, cá trê, cá sặc, bống dừa, bống các, lòng tong…; đôi khi có cả mấy chú tôm càng cứ chậm chạp bò và giương cặp càng về phía trước như để hù dọa mọi đối thủ, nhưng cũng nhanh chóng bị tóm gọn bỏ vào thùng như những con cá khác.
Tôi ít khi lội xuống mương bắt cá, bởi cái cảm giác đôi khi bị lún dưới bùn lầy tới ngang bụng thì chỉ biết đứng đó kêu cứu, càng nhúc nhích thì càng lún sâu thêm. Có lần, anh Hai vừa lôi tôi lên vừa mắng: “Con gái ở quê gì mà yếu ớt như cọng bún thiu vậy, xuống mương leo lên không nổi!”. Dẫu có hơi nhút nhát khi lội xuống bùn, nhưng mỗi khi nhìn thấy tát mương thì tôi lại thích đứng nhìn. Thích nhất là nhìn mấy đứa con nít, mỗi khi có con cá nào bự thì ngay tức khắc nó chỉ nhắm ngay con đó mà bắt. Khi bắt hụt thì nó rượt theo con cá, còn miệng thì la ỏm tỏi, vui nhộn.
Bây giờ lượng cá tôm dần ít đi, nhưng đến mùa khô hạn thì đâu đó ở mấy cái mương, vườn sau nhà lại nghe có tiếng tát mương.
Theo TRẦN KỲ DUYÊN (Báo Ấp Bắc)