Bí quyết thành công, Gia đình, Mẹo hay & kiến thức, Quảng bá thương hiệu
Bài học cho F&B của “thần quán nhậu” Nhật Bản: Đừng bao giờ hỏi “Nếu khách không đến thì sao?”, khi bực bội hãy đi dọn nhà vệ sinh!
Bài học cho F&B của “thần quán nhậu” Nhật Bản: Đừng bao giờ hỏi “Nếu khách không đến thì sao?”, khi bực bội hãy đi dọn nhà vệ sinh!
T.D | 16-02-2020 – 03:10 AM
Với hơn 40 năm làm nghề, vị doanh nhân đã bật mí nhiều bài học mà bất kỳ ai trước khi dấn thân vào ngành kinh doanh ẩm thực, nhà hàng hay F&B đều cần biết.
Uno Takashi sinh ra tại Tokyo vào năm 1944. Ông bỏ dở sự nghiệp học hành tại Đại học Waseda để theo đuổi đam mê kinh doanh ẩm thực. Quan niệm rằng “Con người sẽ trở nên vô dụng nếu cả đời chỉ là kẻ làm thuê, ngày nào cũng mang bộ mặt chán nản”, ở tuổi 34, Takashi lập công ty Raku Corporation, mở một loạt các quán nhậu ở thủ đô xứ hoa anh đào như “Kuimono ya Shiruberu”, “Gokurakuya”,…
Ông được mệnh danh là “vị thần của quán nhậu” với hơn 20 địa điểm trải khắp Tokyo, được yêu thích bậc nhất Nhật Bản. Takashi cũng tự hào bởi việc đã đào tạo và giúp hơn 200 nhân viên tự ra ngoài mở quán riêng.
Trong cuốn sách “Bổ được cà chua, mở được tiệm cơm; bật được nắp chai, mở được quán nhậu” của mình, vị doanh nhân với hơn 40 năm làm nghề đã bật mí nhiều bài học mà bất kỳ ai trước khi dấn thân vào ngành kinh doanh ẩm thực, nhà hàng hay F&B đều nên biết.
Đừng bao giờ hỏi “Nếu khách không đến thì sao?”
Theo Takashi, trước khi bắt đầu sở hữu quán ăn, nhà hàng riêng của mình, tuyệt đối không được nghĩ tới chuyện: “Nếu khách không đến thì sao?”. Nếu vẫn còn lo lắng và không tự tin như vậy thì nên bỏ ý định làm chủ đi.
Nhưng khi cùng một bán một sản phẩm mà quán bên cạnh có khách, quán của mình thì không, đương nhiên bạn sẽ thắc mắc và ngó nghiêng xem họ có cái gì mà mình chưa có?
“Nếu cứ nghĩ ngợi điều đó thì bạn không phải nhà kinh doanh ẩm thực thực thụ. Bạn nên tới xem là bởi vì bạn thực sự quan tâm. Chỉ cần một chút thay đổi trong suy nghĩ, cách nhìn nhận của bạn cũng khác và những kiến thức thu nạp được cũng tăng lên. Công việc kinh doanh cũng sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Đắt khách hay không phụ thuộc vào cách tư duy. Thật phí phạm nếu nghĩ tiêu cực về mọi thứ trong ngành kinh doanh mà bạn chọn. Cứ tư duy theo quan niệm này thì quán của bạn sẽ là “quán đắt khách” đấy.”
Không đi theo phong trào
Triết lý kinh doanh tưởng quen mà chưa bao giờ cũ, nhưng vẫn có rất nhiều người bỏ qua.
Ông chủ Raku Corporation cho rằng: “Đừng chỉ nghĩ cái này đang là trào lưu hay không, mà bản thân phải biết mình muốn kinh doanh quán như thế nào, và loại hình nào mình có thể làm việc lâu dài được rồi hãy quyết định.
Nếu kinh doanh lâu dài, tôi muốn kinh doanh theo cách nỗ lực làm khách hài lòng bằng việc phục vụ tiếp đón chu đáo chứ không phải là nỗ lực ép giá xuống.”
Tại Việt Nam, lời khuyên này vẫn còn nguyên giá trị. Chúng ta đều nhìn thấy những chuỗi trà sữa với đủ các thương hiệu nội, ngoại hay mỳ cay Hàn Quốc đã nổi lên như một xu hướng và cũng lụi tàn nhanh thế nào.
Hay sau thất bại với “hiện tượng” kem dừa, Nguyễn Hà Linh – chủ chuỗi nhà hàng Thái Koh Yam, chuỗi makeup, quán cà phê từng chia sẻ: “Không phải chạy theo trào lưu, một mô hình chuẩn chỉnh, tử tế thì sẽ kinh doanh bền vững. Đây là điều sẽ quyết định khách hàng có quay lại hay không, khác hoàn toàn với việc thu hút họ lần đầu.”
Không nên cùng bạn mở quán
Theo Takashi, một việc không nên làm khác là hai người bạn cùng nhau mở quán. Ông kể: “Cũng có nhân viên cũ giải thích chuyện cậu ta định làm cùng người bạn vì thiếu vốn. Nói thật một khi đã mở quán, mình phải là chủ của nó, nếu không thì khó lòng làm ăn thuận lợi được.”
Rồi lúc đồng đội bất mãn với nhau, có khi đơn giản chỉ vì: “Tại sao lúc nào tôi cũng là người dọn vệ sinh.”
Nếu bản thân không thể tự tay lo được từ A đến Z thì khó lòng trau dồi được thực lực để kinh doanh. Cũng đừng ôm đồm làm thêm việc khác mong tích lũy vốn nhanh. Thay vì dành thời gian làm thêm công việc khác kiếm tiền, bạn nên trau dồi năng lực ở chỗ làm có liên quan đến ẩm thực cho dù lương có thể thấp hơn một chút.
“Không có đường tắt dẫn đến thành công. Trước hết hãy đi làm thực tế, liên tục tập trung trí não vào việc bán hàng. Đó là điều quan trọng hơn hết thảy”, Takashi viết.
Kinh tế khó khăn cũng là một cơ hội
Quan điểm của doanh nhân với hơn 40 năm làm nghề là: Quán mạnh thì dù là thời điểm nào cũng vẫn có thể duy trì được. Giống như khi bạn tốt nghiệp đại học rồi đi làm văn phòng. Bạn không thể quyết định được thời điểm tốt hay xấu, kinh tế thuận lợi hay khó khăn để xin việc, nhưng những gã mạnh sẽ luôn đi lên được. Việc mở nhà hàng cũng tương tự.
Mục tiêu đầu tiên nên là làm mình hài lòng chứ không phải là kiếm tiền. Nếu không, bạn sẽ rất dễ sa vào việc đuổi theo trào lưu và bị chi phối bởi các yếu tố xung quanh. Mà như đã nói ở trên, trào lưu rất đáng sợ vì nó chỉ bùng nổ trong một thời gian ngắn, cũng sẽ tắt ngấm như khi nó đến.
Nếu ai đã làm kinh doanh trong thời gian dài chắc hẳn đều đã trải qua thời kỳ kinh tế khó khăn. Đó là chu kỳ khó tránh khỏi. Nhưng chính những thời điểm ấy là cơ hội lớn nhất để nâng cao năng lực.
Khi bực bội, hãy đi dọn nhà về sinh
Làm chủ một quán ăn, cửa hàng cũng như việc làm sếp, nhất thiết phải làm gương, làm hình mẫu cho nhân viên. Dù là chủ quán rồi thì vẫn phải luôn tích cực hoàn thiện mọi việc thật tốt, từ dọn vệ sinh đến đi chợ hay tiếp khách.
Takashi bật mí: “Đặc biệt là việc dọn vệ sinh. Nếu chủ quán cũng làm những việc đó, nhất định những nhân viên khác cũng sẽ nghe theo. Khi bực bội có điều gì muốn nói, trước tiên hãy dọn nhà vệ sinh. Như thế tự nhiên mọi người sẽ phục tùng theo mình. Những kinh nghiệm đơn giản ấy đã luôn đi cùng tôi kể từ lúc bắt đầu sở hữu quán riêng của mình.“
THEO TTVN.VN