Viện Khổng Tử của Trung Quốc bị tẩy chay nhiều nơi trên thế giới

Viện Khổng Tử của Trung Quốc bị tẩy chay nhiều nơi trên thế giới

(VTC News) – Trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc với nhiều nước leo thang căng thẳng, Viện Khổng Tử của nước này đang bị tẩy chay, đối mặt nguy cơ sớm bị “khai tử”.

Viện Khổng Tử đã được thành lập trên khắp thế giới trong hơn một thập niên qua để quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, thông qua các lớp học và sách giáo khoa do viện này cấp. Cơ sở đầu tiên được thành lập tại Seoul, Hàn Quốc, năm 2004. Tính đến 2018, Trung Quốc đã thành lập 548 viện và gần 2.000 phòng học Khổng Tử ở 154 quốc gia, phần lớn các cơ sở nằm trong khuôn viên các trường đại học hoặc các tổ chức ở nước ngoài. Tuy nhiên, viện này đang phải đối mặt với làn sóng tẩy chay từ rất nhiều các quốc gia trên thế giới. 

Mỹ sẽ coi Viện Khổng Tử là cơ quan phái bộ nước ngoài

Truyền thông Mỹ hôm 13/8 đưa tin, Bộ Ngoại giao Mỹ dự định đưa ra thông báo yêu cầu các trung tâm văn hóa do chính phủ Trung Quốc tài trợ ở trường đại học Mỹ, trong đó có Viện Khổng Tử, sẽ phải đăng ký là cơ quan phái bộ nước ngoài.

Động thái được cho là sẽ khiến mối quan hệ của Washington với Bắc Kinh leo thang căng thẳng. Với yêu cầu đăng ký, các cơ quan này sẽ được coi như “thuộc sở hữu và kiểm soát đáng kể” bởi một chính phủ nước ngoài. Do đó, các cơ quan này sẽ phải chịu các yêu cầu quản lý tương tự như Đại sứ quán và Lãnh sự quán.

Viện Khổng Tử tại Đại học Troy, bang Alabama, Mỹ. (ẢNh: CARNEGIECOUNCIL.ORG)

Trước đó, Bộ Ngoại giao và Giáo dục Mỹ năm 2019 cam kết sẽ giám sát chặt chẽ hơn các cơ quan này. Viện Khổng Tử thường bị Quốc hội Mỹ chỉ trích là cánh tay tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc nhằm tăng cường sức ảnh hưởng chính trị và gieo thông tin lệch lạc “tẩy não” giới trẻ để can dự vào chính trường nước sở tại.

Theo Hiệp hội các Học giả quốc gia Mỹ (NAS) – một tổ chức phi lợi nhuận, tính đến tháng 6 năm nay có 75 Viện Khổng Tử ở Mỹ, trong đó 66 viện nằm trong các trường đại học và cao đẳng. NAS cáo buộc các Viện Khổng Tử này xâm phạm tự do học thuật, coi thường các quy tắc minh bạch của phương Tây và không phù hợp ở khuôn viên cơ sở giáo dục ở đây.

Ấn Độ “chĩa mũi dùi” vào Viện Khổng Tử?

Bộ Giáo dục Ấn Độ đã bỏ các lớp học tiếng Hoa tại các trường trung học của Ấn Độ, xuất phát từ chính sách quốc gia của nước này trong lĩnh vực giáo dục. Bộ này cũng sẽ đánh giá các thỏa thuận giữa các trường đại học của nước này với các Viện Khổng Tử của Trung Quốc.

Năm 2019, tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc từng đăng một bài báo khuyến khích đẩy mạnh trao đổi giáo dục giữa Trung Quốc và Ấn Độ, nói tới ích lợi của việc học tiếng Trung Quốc. Bài viết cũng được đăng trên website của Hanban – cơ quan thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc chuyên giám sát hoạt động của các Viện Khổng Tử (có nhiệm vụ quảng bá tiếng Hoa và văn hóa Trung Quốc ra toàn cầu).

Tuy nhiên, vào thời điểm này, khi quan hệ song phương leo thang căng thẳng, thái độ của người Ấn Độ với Trung Quốc cũng trở nên xấu đi, bài báo đó đã được gỡ khỏi website Hanban.

Không riêng gì Mỹ, Ấn Độ, nhiều nước khác cũng quan ngại về các Viện Khổng Tử. (Ảnh minh họa)

Sau xung đột biên giới, Ấn Độ cấm hàng chục ứng dụng công nghệ thông tin của Trung Quốc. Căng thẳng Ấn Độ -Trung Quốc giờ đây lan sang cả lĩnh vực học thuật, hàn lâm. Giới phân tích cho hay, Ấn Độ quan ngại sâu sắc về việc bảo vệ an ninh của mình trước sự đối đầu ngày càng căng thẳng với Trung Quốc.

Trung Quốc phản ứng

Không riêng gì Mỹ, Ấn Độ, nhiều nước khác cũng quan ngại về các Viện Khổng Tử. Các nước cho rằng mạng lưới Viện Khổng Tử là “công cụ quan trọng để Trung Quốc quảng bá hình ảnh và sức mạnh mềm của mình”. Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Pháp, Thụy Điển cũng đã đóng cửa Viện Khổng Tử tại các nước này.

Tháng 8/2019, bang New South Wales của Australia đóng cửa chương trình của Viện Khổng Tử trong các trường công lập do lo ngại về khả năng ảnh hưởng của nước ngoài. Đáng chú ý, theo ABC News, New South Wales là nơi đầu tiên trên thế giới tổ chức một viện như vậy trong bộ phận giáo dục của mình vào năm 2011.

Còn tại Thụy Điển, quốc gia châu Âu đầu tiên cho phép mở cửa Viện Khổng Tử, chính phủ nước này đã ra lệnh đóng cửa Viện Khổng Tử cuối cùng hồi tháng 1 và lớp học Khổng Tử cuối cùng vào tháng 5. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và quốc gia này ngày càng xấu đi. Động thái của Thụy Điển được xem là xuất phát từ các lo ngại an ninh và vấn đề nhân quyền.

Học viên tham gia lớp học viết thư pháp tại một Viện Khổng Tử. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Trước động thái quyết liệt của một loạt nước trong ý định “khai tử” Viện Khổng Tử của Trung Quốc, bằng nhiều hình thức khác nhau, Bắc Kinh một mặt kêu gọi các nước xem xét lại quyết định của mình. Mặt khác, quốc gia này cũng lên tiếng chỉ trích cáo buộc của các nước đối với Viện Khổng Tử, cho rằng những đánh giá như vậy là vô căn cứ và bị chính trị hóa.

Ji Rong, một phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc ở Ấn Độ, mới đây ra thông cáo hối thúc Ấn Độ xem xét các Viện Khổng Tử và chương trình hợp tác giáo dục đại học Trung – Ấn một cách “khách quan, công bằng”“tránh chính trị hóa hoạt động hợp tác bình thường”. 

Trong khi đó, Yang Chaoming – Viện trưởng Viện nghiên cứu Khổng Tử của Trung Quốc, đồng thời là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, cho rằng việc Ấn Độ “xét lại” phản ánh sự thiếu hiểu biết về các Viện Khổng Tử trên thế giới.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đăng tải nhiều bài viết chỉ trích các động thái mới của Ấn Độ liên quan đến Viện Khổng Tử. Tờ “Thời báo Hoàn cầu” của Trung Quốc mới đây cũng đăng một bài viết với dòng tít nói rằng Ấn Độ đang lấy cớ về sự xâm nhập của Trung Quốc để xét lại các Viện Khổng Tử và hợp tác cấp cao giữa 2 nước.

Trước đó, Bắc Kinh vào tháng 7 đã từ bỏ “thương hiệu” Viện Khổng Tử sau khi vấp phải làn sóng phản đối, đổi tên thành Trung tâm Hợp tác và Đào tạo Ngôn ngữ. Theo Chỉ thị của Bộ Giáo dục Trung Quốc, trụ sở của Viện Khổng Tử – còn gọi là Hán Biện, đã đổi tên thành Trung tâm Hợp tác và Đào tạo Ngôn ngữ của Bộ này.

Kông Anh (Nguồn: Channel Asia, Firstpost)
THEO VTC.VN

Trả lời