Trường Quốc tế Việt Úc không nhận học sinh do bất đồng học phí
TP HCM – Hơn 40 phụ huynh bất ngờ nhận được thông báo trường Quốc tế Việt Úc (VAS) không tiếp nhận con em họ học tiếp trong năm mới.
Ba hôm nay, bà Hương (50 tuổi, quận 7) tất tả chạy đến 4 trường quốc tế ở TP HCM để tìm chỗ học mới cho hai con trai học lớp 9 và 11 nhưng chưa tìm được. Đầu tuần, bà nhận được hai lá thư từ giám đốc điều hành hoạt động VAS, thông báo không thể tiếp nhận hai em tiếp tục học tại cơ sở Sunrise (quận 7) năm học 2020-2021.
Nguyên nhân là hai bên không tìm được sự đồng thuận sau nhiều lần đối thoại về chính sách thu học phí trong ngày nghỉ chống Covid-19. Lãnh đạo VAS cho rằng, sự bất đồng quan điểm trong thời gian qua dẫn đến những sự cố gây bất ổn tới môi trường dạy và học.
Trường cam kết sẽ dạy học sinh cho đến hết năm học cũ, hoàn thành hồ sơ học thuật, giao học bạ và các giấy tờ liên quan trước ngày 31/7. Hai bên cũng sẽ quyết toán học phí trong tháng 7.
Bà Hương là một trong số hơn 200 phụ huynh phản đối chính sách học phí của VAS trong thời gian nghỉ chống Covid-19. Trường ra thông báo giảm 70% học phí online do nghỉ chống dịch, nhưng phụ huynh cho rằng thời gian học không nhiều như học trên lớp, do đó thực chất là không giảm.
Hai con trai bà Hương theo học VAS từ cấp mẫu giáo nên rất gắn bó với trường, bạn bè và thầy cô. Khi biết được chuyện này, chúng hụt hẫng, có em khóc, đòi nghỉ học. “Chuyện bất đồng trong học phí là bình thường, đó là chuyện giữa phụ huynh và trường, sao lại để liên luỵ đến trẻ”, bà Hương nói.
Một phụ huynh có con học lớp 10 tại VAS cho biết cũng nhận được thông báo tương tự từ trường. Người mẹ này cho rằng, học sinh tiểu học hoặc THCS bị dừng học tại trường còn có cơ hội tìm trường khác nhưng điều này rất khó với học sinh THPT.
“Với những em đang học chương trình phổ thông Cambridge, lên lớp 11 phải học chương trình A level hoặc AS level, không dễ để tìm một trường quốc tế khác phù hợp. Chưa kể nếu có thì phải di chuyển địa bàn xa”, phụ huynh này cho biết.
Chị Nhung (quận 2) có hai con học lớp 3 và 6 ở cơ sở Sala không khỏi bức xúc vì cách hành xử của trường. Bởi phụ huynh phản đối trường do không cảm thấy thoả đáng chính học phí trong ngày nghỉ chống Covid-19 cần phải tách bạch với việc học của con em họ. “Hành xử như trường không khác nào bắt học sinh làm con tin”, chị Nhung nói.
Bà Đinh Trung Hà, đại diện nhóm phụ huynh phản đối VAS cho biết, hầu hết những người nhận được thông báo từng gay gắt phản đối học phí, viết email khiếu nại hoặc ký đơn kiện trường, đăng các bài viết phản đối trên mạng xã hội. Hiện hơn 40 phụ huynh VAS nhận được thông báo với cùng nội dung.
Trả lời báo chí, đại diện VAS xác nhận sự việc trên. VAS cho rằng chính sách học phí và kế hoạch điều chỉnh chương trình học tập đã được trường xây dựng theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, góp ý của phụ huynh. Trong giai đoạn chống Covid-19, dù trường đối thoại trực tiếp, trao đổi cầu thị nhưng không đạt được đồng thuận với một số ít phụ huynh.
“Do đó trường không thể tiếp tục đăng ký năm học mới cho những phụ huynh này. Chúng tôi đảm bảo việc học tập của học sinh không bị ảnh hưởng, kết thúc năm 2019-2020 một cách tốt đẹp”, đại diện VAS cho hay.
Ở góc độ pháp lý, thạc sĩ Lưu Minh Sang (giảng viên khoa Luật, trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP HCM) cho rằng, trong khi chờ đợi văn bản hướng dẫn Luật giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 1/7/2020), quy chế hoạt động của các trường tư thục vẫn theo quy định của Luật giáo dục 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và các văn bản hướng dẫn như Thông tư 13/2011, Thông tư 12/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo đó, pháp luật hiện hành dường như không có quy định nào điều chỉnh trực tiếp vấn đề đang xảy ra ở trường Quốc tế Việt Úc.
Ông Sang phân tích, bản chất của trường tư thục là một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giáo dục. Quan hệ giữa trường và phụ huynh trong trường hợp này là quan hệ cung ứng và sử dụng dịch vụ.
Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ hay chấm dứt quan hệ sẽ dựa vào điều lệ trường học và thỏa thuận, hợp đồng đã ký kết giữa trường và phụ huynh. “Kết luận hành vi của các bên đúng hay sai phải dựa vào hành vi thực tế của các bên so với điều lệ trường học, thoả thuận trước đó”, ông Sang cho hay.
Nhưng trong sự việc diễn ra trong trường học, việc giải quyết vấn đề không nên chỉ soi xét dưới góc độ pháp lý mà cần đặt trong tinh thần nhân bản của giáo dục. “Hai bên cần thương lượng để tìm tiếng nói chung, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và việc học của học sinh”, ông Sang nói.
Tại buổi họp báo về hoạt động các trường có yếu tố nước ngoài hồi cuối tháng 5, ông Lê Hoài Nam (Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM) cho biết, nếu phụ huynh các trường quốc tế muốn chuyển trường có thể sang các trường có chương trình tương ứng, phù hợp.
“Học sinh chương trình quốc tế không thể chuyển sang trường công lập. Những em học chương trình song ngữ từ bậc THCS trở xuống có thể chuyển sang trường tư hoặc trường công lập cùng chương trình”, ông Nam cho hay.
VAS là hệ thống trường ngoài công lập với 7 cơ sở dạy từ mầm non, tiểu học đến THPT. Học phí các cấp ở trường này khoảng 200-500 triệu đồng mỗi năm.