10 tác hại với trẻ khi cha mẹ cố sống chung ‘vì con’
Giải quyết vấn về hời hợt, sợ tương lai, luôn bất an, là những thứ trẻ phải gánh chịu nếu cha mẹ cố sống chung ‘vì con’.
Trẻ em học cách giải quyết vấn đề một cách hời hợt
Trẻ nhìn thấy một tấm gương về những bậc cha mẹ không thể giúp bản thân thoát khỏi tình huống căng thẳng, bị mắc kẹt trong mối quan hệ và hành vi ứng xử không lành mạnh. Vì vậy, chúng sẽ học được rằng rất khó để có một cuộc sống hạnh phúc. Chiến đấu cho những thứ giúp bạn hạnh phúc dường như là một nhiệm vụ vô ích và nguy hiểm, chỉ có thể mang lại sự thất vọng.
Cha mẹ nên dạy con rằng chúng ta chỉ sống một lần và nên trân trọng từng giây phút đang có, bất chấp mọi khó khăn để có thể sống tốt. Cuộc sống không phải là một chuyến xe dễ dàng, nhưng không có nghĩa là chúng ta nên chấp nhận giải quyết vấn đề và sống một cách hời hợt.
Trẻ có thể sợ hãi về tương lai
Ngay cả khi cha mẹ tranh cãi về bản thân họ, trẻ vẫn sẽ nhận thấy có thứ gì đó mơ hồ, sắp sửa vụt tắt và trở nên sợ hãi về tương lai. Chúng e sợ điều này có thể trở thành ngòi nổ, khiến cha mẹ ly hôn bất cứ lúc nào. Trẻ cũng có thể lo lắng sẽ phải đưa ra quyết định về việc ở với ai. Vì vậy, trẻ có thể bị thiếu chủ động và sợ làm bất cứ điều gì vì nó có thể gây ra đổ vỡ gia đình.
Giao tiếp là chìa khóa giúp cảm xúc của trẻ luôn ổn định. Cha mẹ nên giải thích cho trẻ những gì đang xảy ra và chứng minh rằng họ sẽ làm bất cứ điều gì để trẻ được hạnh phúc.
Trẻ có thể bị kiểm soát quá mức
Khi hôn nhân chỉ là vì con cái, cha mẹ có thể dễ dàng quên đi cuộc sống của chính mình. Họ có thể bắt đầu thao túng con hoặc kiểm soát quá mức vì họ đã từ bỏ hạnh phúc của mình và trong tiềm thức muốn nhận lại một cái gì đó.
Đừng bao giờ kiểm soát trẻ, hãy để chúng luôn có cảm giác thoải mái, được yêu thương và có thể đến bên bạn bất cứ lúc nào chúng cần.
Trẻ em không cảm thấy an toàn hoặc được chăm sóc
Trẻ có thể cảm thấy phẫn nộ và không chắc chắn về cha mẹ, vì vậy chúng như đang ngồi trên một quả bom hẹn giờ và có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Chúng không cảm thấy cha mẹ có thể bảo vệ mình khỏi mọi nguy hiểm, hay chắc chắn rằng cha mẹ sẽ luôn ở bên mình.
Trách nhiệm của bất kỳ bậc cha mẹ nào là che chở con mình khỏi mọi vấn đề mà chúng còn quá nhỏ để giải quyết và đảm bảo rằng chúng sẽ đối mặt với tất cả những thay đổi trong cuộc sống cùng với mình.
Trẻ gặp nhiều vấn đề khi cha mẹ cố giữ hôn nhân “vì con”, hơn là chia tay mà cùng đồng thuận trong nuôi dạy trẻ. Ảnh: Shutterstock.
Trẻ sẽ căng thẳng và gặp các vấn đề sức khỏe
Những đứa trẻ sống trong môi trường thù địch, ngay cả khi mâu thuẫn giữa cha mẹ không rõ ràng, có khả năng gặp các vấn đề sức khỏe và rắc rối với những vấn đề xã hội. Các nhà tâm lý học cho rằng sự căng thẳng này có thể gây mất cân bằng hoóc môn, tăng nhịp tim, rối loạn giấc ngủ và một số vấn đề tâm lý như trầm cảm.
Ngay cả khi cha mẹ không lôi trẻ vào những cuộc xung đột của mình, điều đó cũng không thể cải thiện tình hình: dù sao trẻ cũng sẽ cảm thấy căng thẳng và phải chịu hậu quả.
Trẻ không tìm thấy hình mẫu mối quan hệ lý tưởng
Nhiều gia đình “di truyền” hành vi, thái độ của họ trong các mối quan hệ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Khi trẻ lớn lên, chúng có thể khó xây dựng các mối quan hệ bền vững và lành mạnh nếu chúng nhận được thông điệp từ thuở nhỏ rằng gia đình luôn bấp bênh. Chúng cảm thấy ý kiến và cảm xúc của mình không đủ quan trọng và chúng phải hy sinh để đạt được mục đích cao hơn. Vì vậy, chúng tuân theo các tiêu chuẩn áp đặt và cho rằng hạnh phúc của bản thân không có giá trị.
Hãy nhớ rằng, trẻ em nhìn vào cha mẹ của chúng và học những điều cơ bản về tình yêu và kết nối cảm xúc để điều hướng khi trưởng thành.
Trẻ cảm thấy có lỗi
Khi cha mẹ quyết định ở cùng nhau nhưng không còn tình yêu, con cái có thể cảm thấy đó là lỗi của chúng khiến cha mẹ không hạnh phúc. Trẻ cực kỳ nhạy cảm với các cuộc tranh luận và có khả năng nhận lỗi. Điều này có thể khiến trẻ giảm lòng tự trọng, gặp các vấn đề với giấc ngủ và thậm chí tự làm hại bản thân.
Cha mẹ nên giải thích rằng tình cảm của họ đối với nhau không bị ảnh hưởng đến tình yêu mà dành cho con và các vấn đề cá nhân không liên quan gì đến trẻ.
Trẻ không biết cách giải quyết mâu thuẫn
Con cái phản ánh hành vi của cha mẹ. Nếu cha mẹ ở trong một cuộc xung đột, mâu thuẫn quá lâu, thay vì giải quyết bằng cách nào đó, trẻ có thể sử dụng hành vi này trong cuộc sống tương lai của chúng. Trẻ học cách giữ im lặng hoặc chỉ thể hiện cảm xúc giống như bạn, nhưng không giải quyết vấn đề, và điều đó có thể dẫn tới những rắc rối trong giao tiếp.
Cha mẹ nên làm gương tốt để giúp trẻ hiểu rằng tất cả các mối quan hệ đều có những thăng trầm, nhưng điều cần thiết là phải tìm một sự thỏa hiệp và đảm bảo các bên đều hài lòng với quyết định này.
Trẻ có cảm giác như không thể kiểm soát cuộc sống của mình
Các bậc cha mẹ thường không yêu cầu con cái bộc lộ quan điểm hoặc để chúng tự đưa ra quyết định. Vì vậy, trong sâu thẳm trẻ có thể cảm thấy sự oán giận và căng thẳng, nhưng không biết có thể làm gì để cải thiện tình hình. Nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tự trọng và khả năng đưa ra quyết định trong tương lai của trẻ.
Tất nhiên, bạn không cần phải cho trẻ biết tất cả về các vấn đề cá nhân của hai người, nhưng tốt hơn hết là hãy để chúng cảm thấy như ý kiến của chúng được coi trọng khi nói đến vấn đề gia đình.
Trẻ em bị ảnh hưởng từ phương pháp nuôi dạy con cái không tốt
Làm cha mẹ đã đủ khó, nhưng cha mẹ gần như không thể chú ý đến con khi phải chịu áp lực cứu vãn cuộc hôn nhân của họ hoặc sống với người bạn đời không còn yêu. Cùng nhau nuôi dạy con có thể dễ dàng hơn dù vợ chồng không còn ở bên nhau, trong khi họ vẫn có thời gian để làm việc riêng của mình.
Sống một cuộc sống hạnh phúc mang lại cho cha mẹ nội lực để tham gia vào việc nuôi dạy con cái và khiến họ không cảm thấy như đang hy sinh hạnh phúc của mình vì lợi ích của con.
Lam Lê (Theo Aboluowang)
Theo Vnexpress.net