Câu chuyện cảnh giác, Gia đình, Phụ nữ, Thông tin
Rơi vào bẫy lừa tình, tiền vì hẹn hò qua ứng dụng trên mạng
Rơi vào bẫy lừa tình, tiền vì hẹn hò qua ứng dụng trên mạng
(KGO) – Ứng dụng hẹn hò (dating app) đang phổ biến và thu hút nhiều người tham gia. Đây là cơ hội để những đối tượng xấu lợi dụng tình cảm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác.
Thời đại kỷ nguyên số, mọi việc trở nên dễ dàng thông qua các thiết bị điện tử và chuyện hẹn hò cũng không ngoại lệ. Thay vì trực tiếp gặp gỡ, tìm hiểu khá mất thời gian thì mỗi người chỉ cần tạo cho mình một profile (tiểu sử) thật ấn tượng kèm theo các bức ảnh lung linh đã có thể bắt đầu hẹn hò qua mạng.
Các ứng dụng hẹn hò phổ biến hiện nay là Tinder, Litmatch, Telegram, Facebook Dating… Khi tham gia các ứng dụng này, người dùng tự tạo phần giới thiệu, phần mô tả bản thân không qua bất cứ kiểm duyệt nào. Do đó, nhiều người sống ảo, khoe về trình độ học vấn, nhan sắc, giàu sang nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại.
Nhiều ứng dụng còn cung cấp những gói ưu đãi, người sử dụng chỉ cần đóng phí sẽ tìm được các đối tượng tiềm năng hơn để kết nối.
Giao diện của ứng dụng Tinder trên laptop, có thể truy cập và tìm đối tượng hẹn hò ở mọi nơi.
Bà N.T.M.K (52 tuổi), ngụ thị trấn Sóc Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) bị lừa đảo khi yêu qua ứng dụng Tinder. Bà K tham gia Tinder năm 2020 và quen một người tên Thế Hưng. Người này giới thiệu là giám đốc một công ty phân bón lớn tại Thái Nguyên với thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng. Bà K với người này match (tương thích) trên Tinder và bắt đầu trò chuyện. Sau 3 tháng, người này ngỏ lời yêu bà và bắt đầu hẹn hò qua mạng.
“Vì ở xa nên chúng tôi chỉ gọi video call chứ không gặp mặt trực tiếp. Hẹn hò hơn 1 năm, người này nói công việc làm ăn gặp khó khăn phải bán công ty và nhà ở để trả nợ. Thương người yêu, mỗi tháng tôi gửi 2 triệu đồng để người yêu trang trải chi phí sinh hoạt cùng nhiều đồ dùng khác. Tuy nhiên, người này liên tục đổi địa chỉ nhận hàng. Tôi hỏi thì anh ta giải thích là đổi nhà trọ. Sau đó, anh ta ngỏ ý mượn tôi 400 triệu đồng để kinh doanh nhưng tôi nói không có, vậy là anh ta có lời lẽ thô tục và chặn mọi liên hệ với tôi”, bà K kể. Sau khi không liên hệ được với người yêu, bà K mới biết mình bị lừa gạt tình cảm.
V.Y.N (19 tuổi), ngụ huyện Châu Thành (Kiên Giang) tìm người yêu trên Facebook Dating. N quen một người tên Thái Công, được giới thiệu là du học sinh Hàn Quốc. Nhìn qua hồ sơ hẹn hò, người này có trình độ học vấn cao, vẻ ngoài ưa nhìn, gia đình có điều kiện nên N đồng ý hẹn hò.
Hai người bắt bắt đầu hẹn hò vào đầu năm 2022, Công rất chiều chuộng N, thường xuyên tặng quà vào các dịp lễ. N dần mất cảnh giác và tin tưởng tuyệt đối Công.
“Thời điểm đó, đang chuẩn bị thi tốt nghiệp và chọn trường đại học, tôi nhờ người này tư vấn và nhận được lời khuyên đi du học Hàn Quốc để cả hai có điều kiện gặp gỡ, có cơ hội phát triển bản thân. Tôi đồng ý và thuyết phục gia đình để đến Hàn Quốc. Người này hướng dẫn tôi chọn ngành, chọn trường và làm các thủ tục để du học. Tôi có chuyển khoản cho người này 3 lần với số tiền gần 30 triệu đồng để giúp làm hồ sơ. Sau khi chuyển khoản lần cuối cùng, người này xóa tài khoản, chặn số điện thoại và mọi liên lạc khác khiến tôi nhận ra mình bị lừa tình, lừa tiền”, N cho biết.
Chị L.T.N (25 tuổi), ngụ TP. Rạch Giá (Kiên Giang) từng bị kẻ xấu quấy rối qua ứng dụng Litmatch. Chị N cho biết: “Litmatch có một phần giao lưu ẩn danh, đây là nơi người dùng có thể trò chuyện trong khoảng thời gian quy định, nếu hợp có thể thả tim để tìm hiểu nhau tiếp. Tôi trò chuyện với một người nam trên ứng dụng này được 6 tháng, ban đầu người này khá lịch sự nhưng sau đó liên tiếp dùng những lời lẽ không hay để gạ gẫm và quấy rối tôi. Người này tìm được thông tin Facebook, Zalo của tôi và tiếp tục nhắn tin làm phiền. Tôi phải dừng sử dụng mạng xã hội 2 tháng để tránh rắc rối”.
Bài và ảnh: TƯỜNG VI
Nguồn: https://baokiengiang.vn/doi-song/roi-vao-bay-lua-tinh-tien-vi-hen-ho-qua-ung-dung-tren-mang-13102.html |