Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV/2024 tăng 9,3%
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV/2024 tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam tăng 9,0% so với năm trước, đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.
Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 12/2024 ước đạt 570,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Quý IV/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.686,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% so với quý trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước (Bảng).
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1.290,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,7% so với quý trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 191,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% và tăng 11,3%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 16,4 nghìn tỷ đồng, giảm 0,4% và tăng 11,3%; doanh thu dịch vụ khác đạt 188,1 nghìn tỷ đồng, tăng 11,1% và tăng 8,2% (Bảng).
Bảng: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành
Đơn vị: Nghìn tỷ đồng
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành cả nước ước đạt 6.391,0 nghìn tỷ đồng, tăng 9,0% so với năm trước (năm 2023 tăng 9,4%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,9% (năm 2023 tăng 6,8%). So với năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 tăng 29,4%, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 31,5% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 39,8% (Hình).
Hình: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành các năm 2020-2024
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.921,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,0% tổng mức và tăng 8,3% so với năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,8%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 3,6%; may mặc tăng 8,4%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 8,2%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 6,0%. Doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2024 so với năm trước của một số địa phương như sau: Quảng Ninh tăng 9,7%; Hải Phòng tăng 9,6%; Cần Thơ tăng 7,8%; Đà Nẵng tăng 7,2%; Hà Nội tăng 6,6%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 5,2%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 733,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,5% tổng mức và tăng 12,9% so với năm trước. Doanh thu năm 2024 so với năm trước của một số địa phương như sau: Khánh Hòa tăng 16,7%; Cần Thơ tăng 13,7%; Hà Nội tăng 11,7%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 10,5%; Bình Dương tăng 9,8%.
Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 62,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,0% tổng mức và tăng 16,0% so với năm trước do các địa phương ngay từ đầu năm đã tích cực đẩy mạnh xúc tiến du lịch, tăng cường thu hút khách trong nước và quốc tế. Doanh thu năm 2024 của một số địa phương so với năm trước như sau: Cần Thơ tăng 33,7%; Quảng Ninh tăng 21,4%; TP. Hồ Chí Minh tăng 18,7%; Khánh Hòa tăng 16,5%; Bình Dương tăng 15,7%; Hà Nội tăng 12,4%.
Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 672,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,5% tổng mức và tăng 9,0% so với năm trước. Cụ thể mức tăng, giảm năm 2024 so với năm trước của một số địa phương như sau: Điện Biên tăng 17,8%; Đồng Nai tăng 15,4%; Nam Định tăng 13,5%; Cần Thơ tăng 12,0%; Hải Dương tăng 9,2%; Hà Nội tăng 8,5%; TP. Hồ Chí Minh tăng 7,9%; Hưng Yên giảm 9,4%.
4 điểm sáng đóng góp cho tăng trưởng ngành bán lẻ hàng hóa và dịch vụ
Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, các yếu tố để tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt được mục tiêu tăng 9,0% so với năm 2023 đó là:
(1) Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính Phủ đối với các bộ, ngành và địa phương, trong việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất; kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước, theo đó đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với các ngành sản xuất. Trong đó, có các ngành: Bán lẻ hàng hóa; dịch vụ lưu trú, ăn uống; dịch vụ du lịch lữ hành; dịch vụ vận tải, kho bãi…
(2) Chính sách thuế VAT (giảm VAT từ 10% xuống 8%) đối với một số mặt hàng thiết yếu, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu tiêu dùng; cùng với thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ ngày 1/7/2024, đã góp phần tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024.
(3) Nhu cầu tiêu dùng trong nước phục hồi tích cực. Trong đó, nhập khẩu vật phẩm tiêu dùng năm 2024 tăng 20,6% so với năm 2023, phản ánh cầu tiêu dùng trong nước hồi phục.
(4) Khách du lịch năm 2024 tăng, trong đó khách quốc tế đến Việt Nam năm 2024 ước đạt hơn 17,5 triệu lượt khách, tăng 39,5% so với năm 2024, đã góp phần tác động lan tỏa đến kết quả hoạt động san xuất kinh doanh của một số ngành kinh tế dịch vụ thị trường trong nước, trong đó ngành: Dịch vụ lưu trú, ăn uống; vận tải; bán lẻ hàn hóa và dịch vụ du lịch lữ hành.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa
Năm 2025, Bộ Công Thương đặt mục tiêu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phấn đấu tăng khoảng 10%. Để đạt được mục tiêu này, ngành Công Thương tập trung triển khai công tác xây dựng thể chế, chính sách, đây là một trong ba đột phá chiến lược, cụ thể.
Đặc biệt là quán triệt sâu sắc các thể chế hóa và triển khai đồng bộ, có tính khả thi, tạo động lực phát triển kinh tế. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, hiệu quả.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa để khai thác hiệu quả thị trường trong nước; mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất.
Triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng về quốc gia; tăng cường hợp tác quốc tế và nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy sản xuất công nghiệp và thúc đẩy thương mại. Tăng cường khai thác thị trường lân cận còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững…/.