Nông dân vùng U Minh Thượng làm giàu từ mô hình tôm – lúa

Nông dân vùng U Minh Thượng làm giàu từ mô hình tôm – lúa

Với nhiều cách làm sáng tạo trong chuyển dịch từ độc canh cây lúa sang nuôi tôm xen trên ruộng lúa, nông dân các huyện vùng U Minh Thượng đã từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên chính đồng đất quê nhà.

Nông dân xã Đông Yên, huyện An Biên (Kiên Giang) thu hoạch tôm càng xanh.

Mô hình 1 vụ tôm 1 vụ lúa được đánh giá là mô hình thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, biến điều kiện bất lợi từ hạn hán, mặn xâm nhập vào nội đồng thành tiềm năng lợi thế giúp nông dân các huyện vùng U Minh Thượng phát triển kinh tế.

Tại xã Đông Yên, huyện An Biên, sau đợt hạn mặn năm 2016, có 1.514ha lúa 2 vụ kém hiệu quả được nông dân chuyển sang mô hình 1 vụ tôm – 1 vụ lúa. Và khó khăn buổi đầu cũng không phải ít. Ông Phan Văn Giác, ngụ ấp Cái Nước Ngọn, xã Đông Yên nhớ lại: “Khi mới nuôi tôm, tôi chưa biết gì cả, cứ tưởng múc vuông lên bờ bao thả nước mặn vào là nuôi. Thả giống được hơn 1 tháng thì vuông bị xì phèn, nước vuông chuyển màu đỏ ngầu, tôm chết hết. Trời nắng chang chang, nhưng tôi cứ đi lòng vòng trên bờ vuông như người bị điên vì tiếc của”. Thất bại ban đầu thôi thúc ông Giác bắt đầu tìm hiểu kỹ thuật nuôi tôm, tham gia lớp nghề ngắn hạn do Hội Nông dân xã Đông Yên tổ chức. Nhờ đó, ông dần nắm được kỹ thuật nuôi. 5 năm trở lại đây, với hơn 2ha vuông canh tác 1 vụ tôm 1 vụ lúa, ông Giác thu về lợi nhuận từ 200-250 triệu/năm.

Nhắc lại ngày đầu mới chuyển dịch, nhiều câu chuyện khó khăn, vất vả của nông dân vùng Miệt Thứ được họ kể lại với giọng yêu đời, yêu mô hình. Như câu chuyện của ông Danh Mẫn, ấp Xẻo Đước 1, xã Đông Yên, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh là một điển hình như thế. “Hồi trước, thấy mấy năm liền khô hạn, tôi nghĩ Nhà nước sẽ cho thay đổi mô hình sang tôm – lúa thôi. Vì vậy mà từ năm 2010, tôi trồng lúa theo hướng hữu cơ, không xài các loại thuốc sâu có dư lượng tồn lưu trong đất. Rồi chủ động đào kênh xả phèn, giúp đất màu mỡ hơn. Nhờ cách nhìn đó mà khi chuyển qua nuôi tôm, tôi trúng liền ngay vụ đầu”. Vụ đầu chuyển dịch năm 2016, với 2ha vuông, ông Mẫn xổ tôm ngay đợt đầu tiên được 80 triệu đồng, một số tiền rất lớn so với thời điểm mới chuyển dịch lúc bấy giờ.

Khi những khó khăn về kỹ thuật cải tạo vuông nuôi dần qua đi, người dân các huyện vùng U Minh Thượng lại đối mặt với một khó khăn khác như chất lượng con giống, giá tôm sú liên tục giảm, dịch bệnh xuất hiện ngày càng nhiều, có năm tôm bị dịch bệnh vậy là lại mất trắng. Những khó khăn ấy cũng là vấn đề người dân băn khoăn, cấp ủy, chính quyền địa phương trăn trở. Nhiều hộ nuôi bắt đầu tìm hiểu về các loại thủy sản có thể nuôi ghép trong vuông nuôi tôm sú. Nông dân nhận thấy con cua xanh và con tôm càng xanh là 2 loài được chọn để nuôi ghép vì nhận thấy đây là 2 loại thủy sản trước đây vốn có mặt trong tự nhiên dưới sông rạch, kênh mương, lại là loại có giá trị cao.

Nông dân huyện Vĩnh Thuận là những người tiên phong trong đưa con tôm càng xanh về nuôi ghép với tôm sú và tôm thẻ chân trắng trong vuông, và dần được lan tỏa, nhân rộng đến nông dân các huyện như U Minh Thượng, An Biên. Ông Huỳnh Văn Thức, ngụ ấp Bời Lời A, xã Vĩnh Bình Nam, huyện Vĩnh Thuận, cho biết: “1,2ha tôm càng xanh của tôi vừa thu hoạch xong, sau khi trừ các khoản chi phí lời hơn 200 triệu đồng. So với trồng lúa lợi nhuận cao gấp nhiều lần. Hơn nữa, trồng lúa trong thời gian gần đây kém hiệu quả do xâm nhập mặn, mưa ít không đủ nước ngọt rửa mặn nên lúa sau khi gieo sạ hay bị ngộ độc phèn, mặn và chết”. Nhiều mô hình nuôi tôm sáng tạo “3 trong 1” hay “4 trong 1” tại Vĩnh Thuận và một số huyện lân cận ra đời, kết hợp nuôi nhiều đối tượng nuôi, tận dụng tối đa cùng diện tích vuông nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình nuôi ghép tôm càng xanh – tôm sú, tôm sú – tôm càng xanh – cua xanh, tôm sú – tôm càng xanh – cua xanh – tôm thẻ chân trắng là những mô hình như thế.

Theo nhiều hộ nông dân, vụ tôm năm 2024, được đánh giá là thành công hơn vụ tôm năm 2023, do năm nay nước có độ mặn ổn định, nông dân trúng đậm vụ cua xanh, nhiều hộ có thu nhập từ vài chục triệu đồng chỉ riêng con cua xanh. Khảo sát thị trường cho thấy, giá cua xanh năm nay ổn định mức cao, tùy thời điểm cua gạch loại 1 giá từ 500.000-700.000 đồng/kg, cua y loại 1 giá từ 230.000-250.000 đồng, cua xô giá từ 130.000-170.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm 2023 từ 40.000-50.000 đồng/kg, tùy loại. Ngoài con cua xanh trong các mô hình nuôi ghép, tôm càng xanh cũng là đối tượng nuôi ghép được nông dân lựa chọn. Theo Hội Thủy sản tỉnh Kiên Giang, năm 2024, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ của tỉnh ước đạt trên 136.000ha, chủ yếu là nuôi tôm – lúa hơn 106.000ha, quảng canh cải tiến 25.600ha, sản lượng thu hoạch khoảng 121.000 tấn. Là tỉnh có diện tích nuôi tôm nước lợ lớn, đứng thứ 2 trên toàn quốc.

Tôm càng xanh được nông dân vùng U Minh Thượng ví như là “thẻ bảo hiểm” trong nuôi tôm, vì tôm càng xanh dễ nuôi, ít dịch bệnh, ít tốn công chăm sóc, đã thả giống là có thu hoạch. Tùy vào diện tích vuông nuôi và mật độ thả giống mà khi đến cuối vụ có lãi hàng chục triệu đồng. Số tiền thu được từ bán tôm càng xanh, nông dân dùng làm chi phí của vụ nuôi tôm hoặc đầu tư để sản xuất vụ lúa mùa. Theo một số nông dân nuôi tôm càng xanh, năng suất tôm càng xanh năm nay đạt bình quân 350 kg/ha, cao hơn 20% so cùng kỳ năm 2023. Hiện giá tôm càng xanh dao động từ 80.000-120.000 đồng/kg. Với mức giá này, bình quân nông dân có lãi 20 triệu đồng/ha.

Bài, ảnh: GIA PHÚC

Nguồn: https://baocantho.com.vn/nong-dan-vung-u-minh-thuong-lam-giau-tu-mo-hinh-tom-lua-a178605.html