Trong khi nền kinh tế khu vực châu Á Thái Bình Dương cho thấy dấu hiệu phục hồi, lạm phát dai dẳng vẫn là một mối lo ngại lớn khiến người tiêu dùng trở nên quan tâm hơn đến cách chi tiêu của mình. Tại Việt Nam, trong 12 tháng tới, 63% người tiêu dùng dự kiến sẽ gia tăng chi tiêu cho mặt hàng nhu yếu phẩm, tiếp theo là quần áo (52%) và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe (48%). Đây là những thông tin đáng chú ý tại báo cáo Khảo sát Người tiêu dùng tại châu Á Thái Bình Dương năm 2024 của PwC – những kết quả chính tại Việt Nam vừa được công bố.

Pwc cho biết cuộc khảo sát thăm dò ý kiến ​​​​của hơn 7.000 người tiêu dùng trong khu vực, trong đó có 515 người đến từ Việt Nam cũng cho thấy rằng lạm phát là rủi ro hàng đầu đối với đại đa số (63%) người tiêu dùng Việt trong 12 tháng tới. Người tiêu dùng chỉ sẵn sàng gắn bó với những thương hiệu mà họ thực sự tin tưởng. Do đó, các doanh nghiệp cần biết cách xây dựng niềm tin trên mọi phương diện và hình thành các mối liên kết bền vững với người tiêu dùng.

Người tiêu dùng Việt Nam quan tâm hơn đến cách chi tiêu trong thời kỳ kinh tế biến động
Nguồn: PwC Việt Nam

Ông Rakesh Mani, lãnh đạo mảng Thị trường Tiêu dùng, PwC châu Á Thái Bình Dương nhận xét: “Người tiêu dùng ngày nay phải đối mặt với nhiều áp lực, bao gồm sự bất ổn kinh tế, mối lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu cũng như nhận thức ngày càng cao về các vấn đề môi trường và xã hội. Các công ty tạo ra sự khác biệt sẽ tập trung vào việc xây dựng mối liên kết tin cậy với người tiêu dùng. Sự cộng hưởng cảm xúc đó – cho dù thông qua đổi mới sản phẩm, sự linh hoạt đa kênh hay các nỗ lực cho sự bền vững – đều nâng cao sự kết nối, vượt ra ngoài phạm vi giao dịch đơn thuần và khuyến khích lòng trung thành với thương hiệu sâu sắc hơn.”

Trải nghiệm mua sắm tại cửa hàng và mua sắm trực tuyến

Theo PwC, với những kỳ vọng đang ngày càng gia tăng của người tiêu dùng khi mua sắm tại cửa hàng và mua sắm trực tuyến, các thương hiệu và nhà bán lẻ cần áp dụng chiến lược đa kênh một cách linh hoạt. Cùng với sự phổ biến của các nền tảng thương mại điện tử, Việt Nam đang có tỷ lệ mua sắm trực tuyến cao nhất trong khu vực (67% qua điện thoại di động và 44% qua máy tính cá nhân), mặc dù việc mua sắm trực tiếp tại cửa hàng vẫn đang ở mức cao (63%).

Người tiêu dùng Việt Nam quan tâm hơn đến cách chi tiêu trong thời kỳ kinh tế biến động
Nguồn: PwC Việt Nam

Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam cũng tích cực đón nhận và sử dụng các nền tảng mạng xã hội, với mục đích tiếp cận các thương hiệu mới và tham khảo đánh giá trước khi mua hàng. 71% cho biết đã từng mua sắm thông qua nền tảng này, cao hơn đáng kể so với mức trung bình của khu vực là 56%. Tuy nhiên, trước những phản hồi tiêu cực khi mua sắm trực tuyến, dường như niềm tin của người tiêu dùng đã bị suy giảm phần nào khi cân nhắc về sự an toàn và độ tin cậy của mạng xã hội. 77% lo ngại về quyền riêng tư và chia sẻ dữ liệu, tương tự như các nước Châu Á Thái Bình Dương (74%).

Mối quan tâm ngày càng tăng đối với tính bền vững và trí tuệ nhân tạo (AI)

Khảo sát của PwC cũng chỉ ra rằng, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng ưu tiên tính bền vững trong thói quen tiêu dùng, khi có 94% cho biết đã trải qua những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu trong cuộc sống hàng ngày (tỷ lệ này ở khu vực là 88%). Đáng chú ý, 74% người tiêu dùng Việt Nam bày tỏ sẵn sàng chi trả cao hơn 20% so với mức giá trung bình cho một sản phẩm được làm từ vật liệu tái chế/bền vững và có đến 85% sẽ cân nhắc việc mua xe hybrid (xe lai) hoặc xe điện trong 3 năm tới.

Cũng theo khảo sát, người tiêu dùng Việt Nam khá cởi mở với việc sử dụng AI trong các hoạt động ít rủi ro, tuy vậy vẫn muốn có sự tương tác trực tiếp với con người trong các giao dịch phức tạp. Cụ thể, 69% AI có thể trợ giúp thu thập thông tin sản phẩm, theo sau là đưa ra gợi ý về sản phẩm (63%) và hỗ trợ dịch vụ khách hàng (59%).

Như vậy, dù có vẻ trừu tượng, các xu hướng toàn cầu như công nghệ và tính bền vững lại mang đến những cơ hội thực tế để doanh nghiệp kết nối sâu sắc hơn với người tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Ông Nguyễn Lương Hiền, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Tiêu dùng & Bán lẻ, PwC Việt Nam cũng đưa ra một số khuyến nghị cho các doanh nghiệp: “Trong bối cảnh thị trường tiêu dùng Việt Nam ngày càng cạnh tranh và đa dạng, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần đưa ra những quyết định chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng. Khảo sát Người tiêu dùng 2024 cho thấy việc xây dựng lòng tin và đáp ứng nhu cầu tức thời của người tiêu dùng là yếu tố then chốt.

Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mang tới những giá trị vượt trội bên ngoài cạnh tranh về giá, xây dựng chiến lược bán lẻ phù hợp với mục đích cá nhân của khách hàng và đồng thời khuyến khích các lựa chọn tiêu dùng có trách nhiệm. Sự minh bạch, nhất quán và một chiến lược ứng dụng GenAI cùng quản trị rủi ro sẽ là những yếu tố quan trọng để xây dựng lòng tin và thu hút khách hàng. Bên cạnh đó, thực hành phát triển bền vững một cách thực chất bằng việc minh bạch hóa các thông tin về quá trình sản xuất và có chứng nhận của bên thứ ba sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng hoạt động kinh doanh bền vững cho doanh nghiệp.

Với những hành động này, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp không chỉ sẵn sàng đối mặt với những thách thức hiện tại mà còn nắm bắt cơ hội để phát triển mạnh mẽ trong thị trường tiêu dùng Việt Nam, một trong những thị trường được dự đoán là sẽ sôi động nhất thế giới vào năm 2030.”

Khảo sát Người tiêu dùng năm 2024 của PwC được xây dựng dựa trên những hiểu biết tích lũy qua hơn 15 năm nghiên cứu người tiêu dùng bằng cách thu thập quan điểm của hơn 20.000 người tiêu dùng, trong đó có hơn 7.000 người tiêu dùng ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, với 515 người đến từ Việt Nam. Khảo sát khám phá một loạt các vấn đề từ việc tiếp nhận công nghệ, tìm kiếm giá trị đồng tiền, quay lại cửa hàng, cởi mở về dữ liệu, quan tâm đến môi trường, và nhiều vấn đề khác./.

Nguồn: https://kinhtevadubao.vn/nguoi-tieu-dung-viet-nam-quan-tam-hon-den-cach-chi-tieu-trong-thoi-ky-kinh-te-bien-dong-30325.html