Câu chuyện cảnh giác, Thông tin
Lật tẩy chiêu trò lừa bịp mang tên ‘thẻ tiết kiệm điện’
Lật tẩy chiêu trò lừa bịp mang tên ‘thẻ tiết kiệm điện’
Thời gian gần đây, do thời tiết nắng nóng kéo dài nên nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao đột biến. Nắm bắt thực trạng này, hàng loạt trang website, mạng xã hội (đứng sau là các cá nhân, tổ chức có ý đồ xấu) đã quảng cáo về nhiều thiết bị có khả năng giúp giảm lượng điện năng tiêu thụ hàng tháng cho các hộ gia đình.
Ngoài các thiết bị tiết kiệm điện “dởm” đã từng bị cơ quan chức năng “vạch trần” như Power Factor Saver model SD001, Electricity Saving Box model SD -001 (sản phẩm của hãng Electriccity Saving Spike Buster) hay tụ bù tiết kiệm điện ICEVN, trên thị trường hiện còn xuất hiện một sản phẩm mới được gọi với cái tên “thẻ tiết kiệm điện”.
Thẻ tiết kiệm điện được quảng cáo có thể tiết kiệm từ 10-30% lượng điện năng tiêu thụ cho gia đình, doanh nghiệp, nhà xưởng.
Theo quảng cáo trên các trang website, mạng xã hội, những chiếc thẻ này được cấu tạo từ những vật liệu cao cấp và hiếm, áp dụng công nghệ nano lượng tử tiên tiến nhất hiện nay. Khi lắp đặt thẻ vào hệ thống điện, sóng điện sẽ tác động vào thẻ làm kích hoạt các ion nano. Các điện tích âm kết hợp với các thành phần cấu tạo khác của thẻ sẽ khử sóng hài và sóng bẩn, chỉ cho phép dòng hoạt động chính đi vào thiết bị. Nhờ vậy, những chiếc thẻ tiết kiệm điện kể trên sẽ có thể giúp người dùng tiết kiệm từ 10-30% chi phí tiền điện mỗi tháng.
Không dừng lại ở đó, những người bán thậm chí còn “tung hô” rằng, những chiếc thẻ này còn có các tính năng đặc biệt như giảm sự phát xạ có hại của dòng điện và từ trường đối với sức khỏe con người. Mặc dù được quảng cáo có vô vàn chức năng nhưng mức giá bán của một thẻ tiết kiệm điện chỉ khoảng 1,5 triệu đồng. Điều này khiến người tiêu dùng không khỏi băn khoăn, lo lắng về hiệu quả thật sự của những chiếc thẻ tiết kiệm điện này.
Liên quan đến vấn đề trên, trước đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã từng phải đưa ra thông tin cảnh báo, khuyến cáo người tiêu dùng không nên tin vào những thiết bị tiết kiệm điện đang được quảng cáo và bán trên thị trường. Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẳng định, các chuyên gia kỹ thuật đã nhiều lần cảnh báo về những thiết bị siêu tiết kiệm điện (trong đó có thẻ tiết kiệm điện) được quảng cáo trên mạng có khả năng giảm từ 30-40% lượng điện tiêu thụ.
Tuy nhiên, kiểm chứng thực tế cho thấy những thiết bị nói trên hoàn toàn không thể giảm điện năng tiêu thụ ở mức lớn như những thông tin quảng cáo. Các thiết bị trên cũng không được Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Công Thương hoặc đơn vị chuyên ngành về tiết kiệm năng lượng có uy tín trên thị trường chứng nhận về hiệu quả tiết kiệm điện như quảng cáo.
Cũng theo EVN, về mặt kỹ thuật, tất cả các thiết bị điện khi cắm vào nguồn điện và hoạt động đều tiêu thụ một lượng điện năng nhất định. Các thiết bị đấu vào mạch điện phía sau công tơ chỉ có thể cải thiện một phần hệ số công suất (Cos φ) của thiết bị điện, làm giảm tổn thất điện năng của dây dẫn và giảm một phần hao phí. Tuy nhiên, không thể có thiết bị nào đấu nối sau công tơ làm giảm tới 30-40% lượng điện năng tiêu thụ như quảng cáo.
Thẻ tiết kiệm điện thực chất chỉ là trò lừa bịp, không có tác dụng như quảng cáo.
Có thể nói đây chỉ là chiêu trò lừa đảo khách hàng, “lợi dụng” tâm lý muốn tiết kiệm chi tiêu của người tiêu dùng. Nếu có loại thiết bị có tác dụng can thiệp trực tiếp vào hoạt động công tơ điện làm cho công tơ điện chạy chậm lại, thì cũng có nghĩa là người sử dụng thiết bị này đang thực hiện hành vi ăn cắp điện, như vậy đã vi phạm quy định sử dụng điện và sẽ bị truy thu tiền điện, thậm chí có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đưa ra khuyến cáo, người tiêu dùng sử dụng điện không mua và không sử dụng các thiết bị trên do các thiết bị này không được các cơ quan quản lý nhà nước hoặc của đơn vị chuyên ngành về tiết kiệm năng lượng có uy tín chứng nhận.
Muốn tiết kiệm điện, người tiêu dùng cần luôn nâng cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm bằng các giải pháp mà các cơ quan quản lý nhà nước và ngành Điện đã khuyến cáo như tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, dùng các thiết bị tiêu thụ ít điện năng được gắn nhãn tiết kiệm năng lượng do Bộ Công Thương kiểm định, không nên sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn (như điều hòa, bếp đun điện, bình đun nước nóng…), khi bật điều hoà làm mát chỉ đặt ở mức 26-27 độ C trở lên và sử dụng quạt kết hợp.
Theo ông Trần Văn Thịnh, Trưởng bộ môn thiết bị điện – điện tử, Khoa Điện (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, thiết bị nào khi cắm vào nguồn điện cũng tiêu thụ một lượng điện nhất định. Về nguyên lý, các thiết bị đó chỉ giúp chế độ tải của các thiết bị hoạt động tốt hơn. Trong các nghiên cứu và thực tế hiện nay mới chỉ thực hiện tiết kiệm được từ 1 – 5% lượng điện tiêu thụ là rất nhiều. Với thiết bị tiết kiệm điện chỉ với bằng một ít vẩy nhựa đen bôi lên, với vài con tụ và cuộn dây… trong kết cấu mà lại có thể tiết kiệm tới 40 – 50% lượng điện tiêu thụ thì chỉ có thể là trò lừa bịp. Vì vậy, người tiêu dùng hiện tại nên cảnh giác với các sản phẩm tiết kiệm điện nhập khẩu trôi nổi ngoài thị trường vì phần lớn đây chỉ là thiết bị bù công suất phản kháng, giảm tổn thất trên hệ thống điện, chứ hoàn toàn không có chức năng tiết kiệm điện như quảng cáo. Kể cả trong trường hợp trên thị trường có những loại thiết bị thực sự có tác dụng làm công tơ điện chạy chậm lại thì ngành điện sẽ bị thiệt hại nặng nề. |
Phong Lâm/Theo Vietq.vn