Không vay mượn, cầm đồ, cô gái vẫn bị gọi điện đòi nợ, dọa tạt a-xít cả nhà

Không vay mượn, cầm đồ, cô gái vẫn bị gọi điện đòi nợ, dọa tạt a-xít cả nhà

(Kiến Thức) – Thời gian gần đây, nhiều độc giả phản ánh về tình trạng bị các đối tượng gọi điện đòi tiền hoặc thông báo người thân nợ tiền chúng và yêu cầu phải thanh toán nếu không sẽ nhận hậu quả. Chưa dừng ở đó, các đối tượng còn cắt ghép ảnh đăng lên mạng xã hội, vu khống bị hại để “khủng bố”. 

Không vay mượn vẫn bị “khủng bố” điện thoại, mạng xã hội để “đòi nợ”

Cùng với sự phát triển của internet và mạng xã hội, nhiều năm qua, tình trạng lừa đảo qua internet đang diễn biến phức tạp. Sau nhiều đợt truy quét loại tội phạm này của cơ quan công an, tình hình có vẻ lắng dịu một thời gian. Tuy nhiên gần đây, hiện tượng này lại có nhiều dấu hiệu nở rộ trở lại. 

Các đối tượng nặc danh thường khủng bố bị hại bằng cách ghép ảnh, vu khống rồi tung lên mạng xã hội khiến nạn nhân không chịu được áp lực phải trả tiền cho chúng dù không vay mượn tiền.

Theo phản ánh của chị Ngô Thị Quế (Hà Nội), suốt nhiều tháng qua chị nhận được điện thoại, tin nhắn của một số đối tượng với nội dung đòi nợ. Số tiền nợ chỉ khoảng hơn 5 triệu đồng. Do đã biết đến loại hình lừa đảo này nên chị cúp máy. 

Quá nhiều lần bị các đối tượng nặc danh gọi điện, nhắn tin “khủng bố”, chị Quế có “mạt sát” các đối tượng gọi điện và dọa sẽ báo công an nếu còn làm phiền. 

Chị Quế cho biết: “Vợ chồng em có vay ngân hàng để mua nhà, tiền gốc và lãi hàng tháng vẫn trả đều. Ngoài khoản vay đó cả 2 vợ chồng không có vay ở nơi nào khác, đặc biệt là vay với số tiền hơn 5 triệu đồng lại càng không có.” 

Khi PV hỏi chị có vay theo hình thức “bốc họ” vay cầm đồ, vay qua ứng dụng vay tiền trên điện thoại hay vay “dân xã hội” không?

Chị Quế khẳng định chưa bao giờ vay những loại hình đó. Tuy nhiên, trước đây 2 vợ chồng có vay qua các công ty tài chính như “…Credit; …Saison…” nhưng các khoản vay đã thanh toán hết từ lâu. 

Chị Quế băn khoăn không hiểu tại sao số điện thoại, ảnh cá nhân, ảnh chứng minh thư… lại bị các đối tượng lừa đảo có được. 

“Khi tôi vay các công ty …Credit; …Saison… thì có phải chụp chứng minh nhân dân để làm hồ sơ, ngoài ra tôi không cung cấp cho bên nào cả” – chị Quế nói. 

Chị Quế nói thêm: “Sau khi tôi chặn số các đối tượng thì chúng tiếp tục khủng bố bạn bè, người thân… Đỉnh điểm, chúng ghép ảnh tôi cùng với những người thân bị gọi điện, nhắn tin rồi vu khống lừa đảo, lừa tiền… thậm chí chúng còn đe dọa sẽ tạt a-xít cả nhà hoặc giết người thân nếu không gửi tiền cho chúng.”

Chị Trần Kim Dung (Hà Nội) bạn chị Quế cho biết, vài tháng qua chị cũng nhận được điện thoại của 1 số đối tượng nói giọng miền Nam, chúng thông báo rằng chị Quế có nợ chúng số tiền hơn 5 triệu. Sau đó, chúng yêu cầu chị Dung thông báo cho chị Quế phải trả tiền cho chúng, nếu không trả, chị Dung phải trả nợ thay cho bạn. 

Quá hoang mang, chị Dung điện hỏi chị Quế thì được chị cho biết chúng là những đối tượng lừa đảo. Mặc dù vậy, các đối tượng này vẫn nhiều lần gọi điện, nhắn tin đe dọa. Không chỉ chị Dung là nạn nhân mà rất nhiều bạn bè của chị Quế cũng bị tình trạng tương tự. 

Sau khi không “khủng bố” lừa được tiền, các đối tượng lập tài khoản ảo rồi lên mạng xã hội “spam hình ảnh cắt ghép với nội dung truy tìm các nạn nhân mà chúng vu khống là nợ tiền để khủng bố.” 

 Những tin nhắn khủng bố với nội dung vu khống được các đối tượng lừa đảo “spam” khắp nơi trên mạng xã hội.

Chị Quế cho biết, sau một thời gian các đối tượng khủng bố, vu khống để lừa tiền không đạt được mục đích, hoặc người bị hại không để tâm đến chúng như không nghe điện thoại, không trả lời tin nhắn thì chúng cũng buông tha nạn nhân. 

Cũng tương tự như chị Quế, anh Sang, một người tật nguyền ở Hà Nội cũng bỗng dưng bị các đối tượng nhắn tin đòi nợ khoản tiền mà anh cũng không biết từ đâu ra. 

Anh Sang kể lại: “Nửa đêm có số điện thoại lạ gọi đến liên tục, tưởng ai có việc gấp nên cố dậy lấy máy bấm nghe. Mình bấm nghe, do số lạ nên hỏi là ai đấy, thì người kia buông luôn câu: Mày có phải là Sang bạn con Nhung không? Nghe vậy mình rất bất ngờ vì họ hỏi đúng tên nhưng mình chẳng nhớ người nào tên Nhung cả, nên anh Sang chỉ kịp nói: Mình đúng là Sang nhưng không rõ anh hỏi Nhung nào?

Khi còn chưa kịp định hình suy nghĩ, thì anh Sang tiếp tục choáng váng và hoảng hồn khi người phía đầu dây bên kia tiếp tục nói: “Bọn tao là bên công ty thu hồi nợ xấu của ngân hàng…, mày bảo con Nhung bạn mày lập tức trả tiền bọn tao đi nêu không thì cả mày và nó đều không yên được đâu…

 Anh Sang – một người khuyết tật ở Hà Nội cũng trở thành nạn nhân của những đối tượng lừa đảo. (Ảnh NVCC)

Cho đến khi nghe những câu nói này, anh Sang cũng không biết là người bên kia đang nói với mình chuyện gì. Quá choáng váng trước những lời đe doạ, anh Sang chỉ nhẹ nhàng trả lời: “Tôi không biết chị Nhung nào cả, tôi cũng không vay tiền các anh nên các anh tìm người nào vay các anh mà đòi…” Nói xong vậy, anh Sang dập máy và nghĩ người kia sẽ không gọi lại nữa.

Nhưng sau đó lại số điện thoại lạ khác gọi đến và tiếp tục với bài đòi nợ, đối tượng lừa đảo còn xúc phạm thậm tệ đến anh Sang… Khi anh Sang cúp máy thì những đối tượng này tiếp tục nhắn tin đến đe dạo với hàm ý sẽ cho người đàn ông này lên… bàn thờ nếu không thu hồi được khoản nợ từ người con gái tên Nhung…

Sau đó, anh Sang phải trình báo công an để cơ quan chức năng điều tra, làm rõ đối tượng lừa đảo.

Tỉnh táo với nạn lừa đảo 

Trước diễn biến phức tạp của thực trạng lừa đảo trên không gian mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại.

Nếu có hiện tượng trên, đề nghị trình báo ngay cho cơ quan Công an để xử lý hoặc thông báo đến số điện thoại trực ban hình sự 0692348560 của Cục Cảnh sát hình sự để được hướng dẫn kịp thời.

Bộ TT&TT ra khuyến cáo với người dân để đối phó với bọn lừa đảo qua mạng.

Theo TS Nguyễn Hữu Thế Trạch – Giám đốc Công ty luật TNHH một thành viên An Pha Na (TP.HCM), để đối phó với những cuộc gọi “dội bom” như trên, trước hết phải biết cách tự bảo vệ mình bằng cách đăng ký hiển thị số máy gọi đến, kiểm tra thông tin người gọi đến, không thực hiện những yêu cầu của họ. Báo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (cơ quan công an quận, huyện, xã, phường…).

Với các cuộc điện thoại gọi lừa đảo, ngay cả đầu số cố định thường không đúng chủ thuê bao. Trong các giao dịch dân sự hiện nay, người dân dễ bị đánh cắp thông tin cá nhân, dễ dẫn đến những phiền phức kiểu này. Do đó người dân luôn phải cảnh giác với số lạ.”

Nguồn: THVL

Xuân Diệp/Theo Kienthuc.net.vn

Trả lời