Không lộ diện, những kẻ “bắt cóc ảo” buộc sinh viên Trung Quốc tự trói chân tay, gửi ảnh về tống tiền gia đình nơi quê nhà

Không lộ diện, những kẻ “bắt cóc ảo” buộc sinh viên Trung Quốc tự trói chân tay, gửi ảnh về tống tiền gia đình nơi quê nhà

Linh Anh |

(Tổ Quốc) – Các băng đảng tội phạm ở Australia tìm cách cưỡng chế các sinh viên Trung Quốc và thực hiện các vụ tống tiền nhằm vào gia đình của họ ở quê nhà để trục lợi mà không cần phải xuất hiện.

8 sinh viên tại bang New South Wales, Australia đã trở thành nạn nhân của các “vụ bắt cóc ảo” trong năm 2020, khiến người thân họ phải trả 2,3 triệu USD tiền chuộc để đảm bảo an toàn cho con cái. Một trường hợp, cha của một sinh viên 22 tuổi người Trung Quốc đang học ở Sydney đã phải trả 1,4 triệu USD sau khi nhận được đoạn video ghi hình con gái họ bị trói ở một địa điểm không xác định.

Một gia đình khác ở Trung Quốc đã phải trả hơn 14.000 USD sau khi nhận được video ghi hình người thân 22 tuổi của họ bị trói, bịt mắt. Tin nhắn được gửi qua ứng dụng WeChat phổ biến ở Trung Quốc. Cô gái này sau đó được cảnh sát New South Wales tìm thấy an toàn trong một căn phòng khách sạn.

Peter Thurtell, trợ lý Ủy biên tiểu bang New South Wales, cho biết, các nạn nhân thường không bị tổn hại về thể xác nhưng họ chịu cú sốc vì tinh thần, nhất là khi nghĩ rằng họ tự đặt bản thân mình và người thân của họ vào tình trạng nguy hiểm thực sự.

Theo cảnh sát New South Wales, những kẻ bắt cóc nhằm vào các thành viên dễ bị tổn thương trong cộng đồng người Australia gốc Hoa, chẳng hạn những sinh viên nước ngoài sống xa bạn bè và gia đình tại một môi trường xa lạ. Có khoảng 165.000 sinh viên Trung Quốc học tại Australia trong năm nay dù thực tế, số người đang có mặt có thể thấp hơn do đại dịch Covid-19. Trung bình, con số này là khoảng 200.000 đến 210.000 người.

Bắt cóc ảo là gì?

Đầu tiên, những kẻ lừa đảo thực hiện các cuộc gọi tới số điện thoại ngẫu nhiên bằng tiếng Trung Quốc. Nếu đó là người Australia, họ sẽ cúp máy. Trong khi đó, những sinh viên Trung Quốc đang ở Australia sẽ trả lời lại bằng tiếng Trung.

Sau đó, những kẻ lừa đảo sẽ tự xưng là người của cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc, chẳng hạn như thành viên Đại sứ quán hoặc cảnh sát Trung Quốc. Chúng sẽ thuyết phục nạn nhân rằng họ có liên quan đến hoạt động tội phạm ở Trung Quốc và cảnh báo về việc dẫn độ về nước và phải chịu cáo buộc hình sự. Thậm chí, chúng còn đe dọa gia đình họ sẽ chịu hình phạt nếu họ không hợp tác.

Những kẻ lừa đảo sử dụng công nghệ để che giấu vị trí thực của chúng cũng như lập trình số máy chủ để chúng trông có vẻ giống như các cuộc gọi đến từ các cơ quan công quyền của Trung Quốc. Nếu nạn nhân tra cứu số điện thoại gọi đến, nó sẽ khớp với số điện thoại của cảnh sát Trung Quốc hoặc Đại sứ quán nước này.

Theo cảnh sát New South Wales, các vụ lừa đảo thường đi theo 2 cách. Trong kịch bản đầu, nạn nhân bị ép buộc hoặc đe dọa phải chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng nước ngoài. Trong kịch bản khác, các nạn nhân bị những kẻ bắt cóc yêu cầu tự trói chính mình như đang trong một vụ bắt cóc và gửi về cho gia đình để buộc họ phải chuyển tiền chuộc.

Trong trường hợp thứ 2, những kẻ lừa đảo ra lệnh cho nạn nhân ngừng liên lạc với gia đình và bạn bè, thuê một phòng khách sạn để “bảo vệ sự an toàn của chính họ”. Nạn nhân chụp hình mình bị trói và bịt mắt, sau đó gửi cho thân nhân ở quê nhà. Khi không thể liên lạc với con, gia đình họ sẽ chuyển tiền vào tài khoản mà những kẻ bắt cóc yêu cầu.

Những kẻ bắt cóc thường đòi tiền liên tục cho tới khi họ không trả nữa. Thường vào thời điểm này, gia đình họ cũng đồng thời báo cảnh sát. Nhà chức trách thường tìm thấy nạn nhân đã an toàn ở nhà hoặc trong khác sạn.

Vì sao sinh viên Trung Quốc dễ trở thành mục tiêu?

Các vụ lừa đảo xảy ra ở nhiều bang của Australia như Victoria và Queensland. Chúng thường săn lùng những sinh viên nước ngoài “nhạy cảm”, thường trẻ và chưa bao giờ rời xa sự che chở của gia đình.

“Sinh viên quốc tế là nhóm dễ bị tổn thương bởi họ không có sự hỗ trợ thực sự ở đất nước này. Đối với loại hình lừa đảo này, nạn nhân, vốn là những người không có nhiều kinh nghiệm xã hội, sẽ ngay lập tức cái mà họ tin rằng đó là người từ Đại sứ quán”, các chuyên gia về tội phạm cho biết.

Sinh viên quốc tế cũng là mục tiêu tốt vì họ sống xa gia đình. Đối với những kẻ lừa đảo, một nạn nhân tốt là người có mối liên hệ với gia đình ở quê nhà và đã rời Trung Quốc trong thời gian dài.

“Nếu bạn là một người gốc Trung sinh ra ở Australia và ai đó nói với bạn rằng bạn có liên quan đến đường dây tội phạm ở Trung Quốc, bạn sẽ bảo họ biến đi. Tuy nhiên, nếu bạn là một sinh viên Trung Quốc, bạn sẽ lo lắng về gia đình mình, về tình hình của bạn ở quê nhà”, Tiến sĩ Lennon Chang, chuyên gia nghiên cứu tội phạm của Đại học Monash, Australia, cho biết.

Ngoài ra, sinh viên Trung Quốc còn phải chịu những áp lực từ hệ thống luật pháp của quốc gia này, ngay cả khi họ sống ở trời Tây. Các việc làm trên mạng xã hội có thể bị xử lý và điều này khiến nhiều người không chắc chắn rằng họ có làm gì sai hay không. Việc tin rằng Chính phủ luôn đúng là điều ăn sâu vào tiềm thức các sinh viên Trung Quốc.

Chính điều này khiến họ tin gần như một cách mù quáng vào những kẻ lừa đảo khi chúng xưng là người của nhà chức trách Trung Quốc. Việc tra cứu số điện thoại lại càng làm cho niềm tin này được củng cố. Đó là điều khiến họ tiếp tục trở thành nạn nhân của các vụ bắt cóc ảo qua mạng.

Tham khảo: CNN

Theo ttvn.toquoc.vn

Trả lời