Giá hàng hoá leo thang

Giá hàng hoá leo thang

Giá thực phẩm tươi sống, sữa, gạo, dầu ăn tăng 10-30%, dự báo tăng tiếp trước sức ép của nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển lên cao.

Chị Loan, công nhân một công ty may mặc ở quận Bình Tân (TP HCM) cho biết, tháng 10, gia đình chị chi tiêu tăng 20% so với khi chưa có dịch và tăng 10% so với thời điểm bùng dịch.

“Nếu trước dịch, một bình gas 12 kg chỉ 340.000 đồng, nay tăng lên 500.000 đồng. Tiền xăng xe tăng thêm 100.000 đồng một tháng. Giá các mặt hàng như sữa, gạo, thực phẩm cũng tăng cao khiến chi phí đi chợ mỗi tuần tăng gần 500.000 đồng….”, chị Loan tính toán và cho rằng với tình hình này, gia đình chị năm nay làm không có dư.

Chị Hằng ở quận Gò Vấp cũng khá lo lắng khi sữa bột cho em bé đang tăng cao so với trước đây. Hầu hết các loại sữa nhập đều tăng 10.000-15.000 đồng một hộp. Mỗi tháng con chị uống 3 hộp, chi phí tăng thêm 45.000 đồng. “Thịt cá, rau củ cũng tăng rất mạnh 10-20% so với trước đây”, chị nói.

Người dân mua hàng tại siêu thị Coopmart quận 9 (TP HCM). Ảnh: Quỳnh Trần

Chị Huyền, chuyên bán thực phẩm ở quận Gò Vấp thừa nhận, giá thực phẩm tươi sống, rau xanh đang tăng 5-20%. Dầu ăn cũng liên tục điều chỉnh. “So với hồi tháng 5, nhiều mặt hàng dầu ăn đã tăng 3.000-5.000 đồng một lít. Một số đầu mối cung cấp đang báo 2 tuần nữa giá dầu sẽ tăng thêm 1.000-2.000 đồng mỗi lít”, chị Huyền chia sẻ.

Một hệ thống siêu thị lớn tại TP HCM cho hay, từ đầu tháng 10 đến nay, nhiều nhà sản xuất, cung ứng đề nghị tăng giá bán, trong đó chủ yếu là nhóm hàng nhập khẩu, thực phẩm tươi sống. Hệ thống này đang cân nhắc và có thể chấp thuận điều chỉnh tăng trong khoảng 2-5%.

Ông Võ Thanh Lộc, Giám đốc Marketing, Chuỗi cửa hàng thực phẩm Farmers Market thông tin, các nhà sản xuất, nhập khẩu đã báo tăng giá hàng hoá từ giữa cuối tháng 10, đầu tháng 11. Cụ thể, giá tăng 5-15%, có một số sản phẩm tăng đột biến đến 30%. Do đó, đại diện Farmers Market dự báo giá hàng hoá có thể tăng cao trong thời gian tới, đặc biệt là vào dịp Tết năm nay khi nhu cầu thị trường tăng cao.

Thừa nhận giá dầu ăn đang có xu hướng đi lên, ông Bùi Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kido cho hay, so với giai đoạn thấp điểm, giá dầu thực vật đã tăng mạnh trong 9 tháng qua do nguồn cung trên toàn cầu khan hiếm kết hợp với nhu cầu sử dụng cao. Trung bình mỗi thùng dầu trước đây khoảng 14.000 một kg nay tăng lên 32.000 đồng, tức tăng hơn 100%.

Ngoài ra, theo ông Tùng chi phí doanh nghiệp tăng cao do dịch bệnh cũng tác động đến giá thành sản phẩm. Cụ thể, khi doanh nghiệp triển khai 3 tại chỗ, chi phí trên đã tăng 12-15% so với bình thường. Nay doanh nghiệp tiếp tục gánh thêm chi phí vận chuyển và logistics tăng đáng kể do giá xăng dầu tăng mạnh. Điều này đang tạo áp lực tăng giá hàng hoá lên doanh nghiệp.

Cũng chịu cảnh giá nguyên liệu tăng cao và có nhiều bất ổn, đại diện Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (Vissan) cho biết, ngoài giá nguyên liệu tăng, doanh nghiệp cũng đang phải gánh thêm chi phí vận chuyển.

Hiện công ty có 300 đầu xe, khi giá xăng dầu tăng, chi phí vận chuyển của doanh nghiệp cũng tăng theo, chưa kể giá bao bì, in ấn cũng leo thang. “Sức mua quá yếu, doanh nghiệp lại tham gia bình ổn thị trường nên chúng tôi đang phải gồng mình gánh chi phí”, đại diện Vissan nói.

Để hạn chế việc tăng giá sốc, đại diện Saigon Co.op cho biết, mới đây doanh nghiệp họp với các nhãn hàng để kìm giá và thực hiện các chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu người tiêu dùng.

Trong khi đó, Farmers Market thay vì chỉ chú trọng nhập khẩu đã chọn cách tăng cường tìm kiếm các sản phẩm nội địa có giá bình ổn, chất lượng tương đương để giảm chi phí vận chuyển.

Còn Tập đoàn Kido dịch chuyển kênh bán hàng bằng cách đẩy mạnh việc đưa sản phẩm vào kênh hiện đại và ứng dụng công nghệ số, bán hàng trực tuyến và mở rộng bán hàng qua thương mại điện tử để giảm chi phí, hạ giá thành.

Ngoài ra, các doanh nghiệp đề nghị nhà chức trách cần có các giải pháp hỗ trợ để giá nguyên liệu đầu vào, xăng, dầu, gas… không tăng “sốc” và đột ngột. Chính phủ cũng nên có các giải pháp hỗ trợ về tài chính, thuế, phí để doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất, ổn định giá cả hàng hoá.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái mới đây đã giao các bộ ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu của thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để chuẩn bị nguồn dự trữ, bình ổn giá, nhất là trong những tháng cuối năm, Tết Nguyên đán và đầu năm 2022.

Với giá xăng, dầu, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính điều hành linh hoạt theo diễn biến giá thế giới. Việc tính toán mức trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn cũng cần linh hoạt, hợp lý.

Thi Hà

Nguồn: https://vnexpress.net/gia-hang-hoa-leo-thang-4381207.html