Câu chuyện cảnh giác, Thông tin
Cảnh giác với những chiêu lừa đảo trên chợ thanh lý đồ cũ
Cảnh giác với những chiêu lừa đảo trên chợ thanh lý đồ cũ
Lợi dụng tâm lý của nhiều người muốn xài hàng giá rẻ, một số đối tượng đăng tải lên mạng xã hội nhiều nội dung bán hàng thanh lý kèm hình ảnh như: tủ quần áo, bàn trang điểm, bàn ghế ăn uống, tủ lạnh, bếp gas… đã qua sử dụng với giá chỉ bằng 1/2, thậm chí 1/4 so với ngoài cửa hàng. Thực chất, đây là những chiêu trò kinh doanh ẩn sau chữ “thanh lý” để tăng doanh số. Nhiều đối tượng còn lợi dụng các chợ thanh lý đồ cũ để chiếm đoạt tài sản của người mua khiến nhiều người đã phải ôm trái đắng.
Nhiều người nhận trái đắng khi ham rẻ mua đồ thanh lý trên mạng
Chị Lê Thanh Hằng (Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) bị lừa vì mua phải chiếc tủ lạnh rởm. Chị Hằng cũng lên các chợ thanh lý hàng điện lạnh để tìm hiểu thông tin. Sau khi xem các comment tốt dưới các trạng thái bán hàng, chị Hòa không mảy may nghi ngờ gì. Rất nhanh, chị Hằng quyết định đã bỏ 2,5 triệu mua chiếc tủ lạnh Sanyo (180 lít) để sử dụng.
Trước khi mua chị đã xem hình ảnh, xem clip thậm chí gọi điện cho người đăng bán. Chủ nhân có nói chỉ dùng chưa quá 2 tháng nhưng do phải đi nước ngoài nên cần thanh lý gấp. Thế nhưng, sau một tháng dùng, chị Hằng khá bức xúc vì giá tiền điện tăng gấp ba lần tháng trước, gọi thợ sửa thì nhận được câu trả lời bộ phận xả đá có vấn đề, bộ chỉnh nhiệt bị lỗi. Sau khi nhờ thợ kiểm tra mới biết đây là tủ đã lạnh đã mua hơn ba năm, được “mông” lại bởi lớp sơn mới.
Nguyễn Hải Bằng, sinh viên Trường Đại học Văn hóa cho hay, do thời tiết nắng nóng nên em rất muốn mua một chiếc quạt phun sương, tuy nhiên giá của một chiếc quạt mới cũng hơn 2 triệu đồng. Vì tài chính eo hẹp, Bằng quyết định lên Facebook tìm kiếm mua quạt cũ thanh lý. Không may mắn khi mang quạt về sử dụng được đúng 10 ngày thì hỏng, không còn phun sương được nữa. Mang ra cửa hàng thì người ta bảo đây là hàng Tàu đã qua sử dụng, lắp ráp đủ loại linh kiện khác nhau. Nếu tính ra giá chỉ vài trăm nghìn đồng”.
Không nên ham rẻ mua đồ thanh lý cũ trên mạng nếu không tìm hiểu kỹ trước. Ảnh: CAND
Không chỉ mua phải hàng cũ được mông má, nhiều đối tượng còn sử dụng cách lừa đảo tinh vi hơn, đó là chuyển khoản mua hàng xong “chạy mất người”. Như trường hợp của anh Thân Văn N. (Bắc Giang) cũng phải “ngậm trái đắng” vì mua hàng thanh lý trên mạng xã hội bị mất trắng 8 triệu đồng do tin tưởng đối tượng lừa đảo nên đã chuyển tiền trước khi nhận hàng.
Hay một vụ việc xảy ra mới đây cũng khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ đối tượng Cao Thị Huyền Trang (sinh năm 2001, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo kết quả điều tra ban đầu, Cao Thị Huyền Trang đã sử dụng tài khoản Facebook Nguyễn Hoàng Thu Phương để đăng tin lên hội nhóm Facebook rao bán thanh lý đồ cũ như: Tủ lạnh, tivi, sofa và nhiều mặt hàng cũ khác với giá rẻ hơn giá thị trường nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người muốn mua hàng giá rẻ. Thấy các mặt hàng rao bán giá rẻ nên nhiều người đã nhắn tin liên hệ với Trang qua tài khoản Facebook để thỏa thuận giá cả và đặt hàng.
Trang yêu cầu người mua hàng phải đặt cọc từ 1-10 triệu đồng vào tài khoản Ngân hàng Au Duc Phuong số 0202014206101 hoặc tài khoản Nguyen Hoai Phuong số 0106972296101 mở tại Ngân hàng Bưu điện Liên Việt.
Sau khi người mua đã chuyển tiền, đối tượng gửi ảnh chuyển hàng lên xe và số điện thoại nhà xe cho khách gọi xác thực thì có đối tượng khác xác nhận hàng đã xếp lên xe nhằm tạo lòng tin để đối tượng yêu cầu khách đặt cọc thêm tiền. Nhận được tiền đặt cọc, đối tượng chuyển tiền qua nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau và mua tiền ảo USDT trên sàn giao dịch tiền ảo để che giấu nguồn gốc tiền, sau đó tiếp tục bán lại số tiền ảo này cho một đối tượng khác ở Hà Nội để lấy tiền VNĐ. Chỉ với thủ đoạn này, Cao Thị Huyền Trang đã lừa hơn 100 người trên khắp cả nước, tổng số tiền khoảng 1,3 tỷ đồng.
Cẩn trọng tìm hiểu thông tin trước khi mua hàng thanh lý qua mạng
Anh Nguyễn Công Hưng, kỹ sư điện máy, chủ một cửa hàng chuyên sửa chữa điện lạnh tại Hà Nội cho biết, việc mua bán hàng thanh lý, hàng đã qua sử dụng, hàng cũ được rất nhiều người tiêu dùng lựa chọn vì giúp tiết kiệm chi phí mà vẫn mua được sản phẩm ưng ý. Tuy nhiên, nhiều đối tượng đang lợi dụng việc giao dịch, mua bán các loại hàng hóa này trên các trang mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Hệ quả là có không ít người nhận phải những món đồ kém chất lượng, không đúng như lời quảng cáo hoặc thậm chí mất tiền vì trót tin lời của các đối tượng lừa đảo.
“Bây giờ cái gì họ cũng đưa lên mạng để bán, người dân lại không có chuyên môn nên rất tin. Để không bị dân bán hàng “bãi” sử dụng chiêu trò “lòe”, người tiêu dùng nên cẩn trọng tìm hiểu thông tin trước khi mua hàng. Nếu là những loại hàng như xe máy, các đồ điện tử, điện lạnh thì nên nhờ người quen có chuyên môn xem trực tiếp trước khi quyết định mua sản phẩm. Nếu có điều kiện, tốt nhất người dân nên đến các trung tâm có uy tín để mua hàng với giá cả đã được niêm yết, bảo hành dài hạn”.
Kinh doanh online hiện đang núp dưới nhiều hình thức khác nhau để lừa người tiêu dùng nên mọi người cần cẩn thận, cân nhắc trước khi mua hàng theo hình thức này. Những cái bẫy trên mạng vẫn cứ phát triển, biến đổi từng ngày với những hình thái khác nhau nhằm mục đích qua mắt người tiêu dùng. Đối tượng mà chúng nhắm tới chủ yếu là dân lao động nghèo, người có thu nhập thấp, sinh viên. Vậy nên, ở một thị trường mà cơ quan chức năng vẫn “bỏ lỏng” thì người dân nên tỉnh táo để không trở thành những “con mồi” béo bở.
Cơ quan công an khuyến cáo người dân khi mua hàng qua mạng nên thỏa thuận trước với bên bán hàng về hình thức thanh toán. Chỉ thanh toán sau khi đã được nhận và kiểm tra hàng để tránh rủi ro bị lừa đảo mất tiền đặt cọc. Khi mua hàng online nên thông qua các trang thương mại điện tử lớn, uy tín, được cấp phép để hạn chế rủi ro.
An Dương (T/h)
Nguồn: https://vietq.vn/canh-giac-voi-nhung-chieu-lua-dao-tren-cho-thanh-ly-do-cu-d213621.html |