Câu chuyện cảnh giác, Thông tin
Cà Mau: Tỉnh táo nhận diện đối tượng lừa đảo
Cà Mau: Tỉnh táo nhận diện đối tượng lừa đảo
Mạo danh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của tổ chức, cá nhân là chuyện đã không còn xa lạ. Thế nhưng, điều đáng quan tâm là loại tội phạm này ngày càng phổ biến, len lỏi vào các mặt của cuộc sống; lợi dụng sự chủ quan, nhẹ dạ của một bộ phận tổ chức, cá nhân để trục lợi bất chính, chiếm đoạt tài sản.
Thủ đoạn tinh vi, khó lường
Ông Nguyễn Chí Vững, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, cho biết, mới đây đơn vị phải phát cảnh báo về việc một đối tượng giả mạo nhân viên QLTT để có những hành vi bất chính.
Cụ thể, qua nắm tình hình, Cục QLTT tỉnh phát hiện có đối tượng tên là Trúc, số điện thoại 0774157997, xưng danh là kiểm soát viên Ðội QLTT số 2, gọi điện thoại đến các cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Người này đặt vấn đề là Cục QLTT tỉnh Cà Mau phối hợp với Tổng Cục QLTT thanh tra về chất lượng xăng dầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Cà Mau; nếu có muốn giúp đỡ thì gọi vào số điện thoại 0825402374 gặp người tên Hằng.
Theo Cục QLTT Cà Mau, đơn vị không có công chức tên Trúc và Hằng, các số điện thoại nêu trên cũng không phải là số điện thoại của công chức QLTT tỉnh Cà Mau. Ðây là trường hợp giả danh lực lượng QLTT để lừa đảo.
Một trường hợp bị kẻ xấu giả mạo cán bộ điều tra để chiếm đoạt tài sản phải đệ đơn nhờ sự can thiệp của ngành chức năng tại TP Cà Mau.
Trước đó, hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) cũng phát đi thông báo cảnh báo về việc mạo danh cơ quan BHXH thực hiện các dịch vụ hỗ trợ nhận trợ cấp BHXH, bảo hiểm thất nghiệp. Theo BHXH Việt Nam, trước đó đơn vị có tiếp nhận được thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, về việc có một số đối tượng giả danh Fanpage Facebook của BHXH Việt Nam để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. BHXH Việt Nam đã thông tin tới người dân và người lao động về các kênh thông tin chính thức của cơ quan này, đồng thời khuyến cáo người dân, người lao động, các đơn vị, tổ chức không nên tìm hiểu thông tin tại các Fanpage, các diễn đàn… không chính thống, tránh bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo.
Trên đây chỉ là hai trong nhiều trường hợp người quản lý ngành phải phát đi thông báo về việc đối tượng giả mạo nhân viên của ngành mình quản lý để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Nâng cao cảnh giác
Theo cơ quan công an, thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản ngày càng nhiều và có nhiều diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi; có xu hướng đan xen, kết hợp với nhiều hình thức lừa đảo khác nhau.
Ðã qua, ngành công an đã tập trung, huy động lực lượng trong xử lý tin báo, đấu tranh trấn áp loại tội phạm này. Thế nhưng, công tác triệt xoá còn gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, từ sự chủ quan, lơ là và hạn chế về kiến thức pháp luật của một bộ phận người dân dẫn đến hoạt động tội phạm này ngày càng gia tăng, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến tâm lý cũng như thiệt hại về tài sản của tổ chức, cá nhân.
Trước vấn đề trên, Bộ Công an khuyến cáo các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước và các cơ quan tư pháp, tiến hành tố tụng hình sự để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại; hoặc giả danh nhân viên ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm, thanh tra, hải quan… yêu cầu nhận tiền, quà bưu phẩm có giá trị lớn hoặc đóng các khoản phí, trả các khoản nợ không xác định. Ðồng thời, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân… cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch. Khi gặp những tin nhắn thông qua các trang mạng xã hội để vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại, yêu cầu chuyển tiền để xác minh tài khoản; nhờ tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ nước ngoài… thì cần đặc biệt cảnh giác, tuyệt đối không làm theo; nhanh chóng liên hệ hoặc gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp với người đó để kiểm tra thông tin.
Thường xuyên thay đổi mật khẩu hoặc tăng tính năng bảo mật quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội. Không chia sẻ số tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội; nếu cần có tài khoản ngân hàng công khai để giao dịch mua bán trên không gian mạng, thì tiền trong số tài khoản công khai cần giữ ở mức thấp nhất để tránh bị kẻ gian chiếm đoạt.
Theo VĂN ĐUM (Báo Cà Mau)
Nguồn: https://tintucmientay.baoangiang.com.vn/ca-mau-tinh-tao-nhan-dien-doi-tuong-lua-dao-a358080.html |