Cảnh giác với thủ đoạn lưu hành tiền giả và cách nhận biết tiền thật, tiền giả

Cảnh giác với thủ đoạn lưu hành tiền giả và cách nhận biết tiền thật, tiền giả

Rao bán tiền giả trên mạng xã hội hay dùng tiền giả mệnh giá lớn mua hàng có giá trị nhỏ để lấy nhận tiền thật thối lại. Đó là thủ đoạn của các đối tượng trong các vụ án tàng trữ, lưu hành tiền giả bị Công an tỉnh Hậu Giang điều tra, khám phá trong thời gian gần đây.

Công an thu giữ tang vật trong một vụ án tàng trữ, lưu hành tiền giả.

Sau thời gian điều tra, mới đây, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã hoàn tất hồ sơ chuyển Viện kiểm sát nhân dân truy tố 3 bị can gồm Phan Nguyễn Tuấn Kiệt, Phạm Thị Thái Chân, cùng trú tỉnh Đồng Tháp và Lê Văn Toàn, trú tỉnh Hậu Giang về tội tàng trữ, lưu hành tiền giả.

Theo nội dung kết luận điều tra, đêm 8-10-2022, Lê Văn Toàn trong lúc nhậu tại một quán ở thị xã Long Mỹ, đã dùng tiền giả mệnh giá 500.000 đồng mua trái cây thì bị người dân phát hiện.

Tại cơ quan công an, Toàn khai, 59 tờ tiền giả mệnh giá 500.000 đồng mà đối tượng mang theo là mua của một đối tượng trên mạng xã hội.

Điều tra mở rộng, Cơ quan An ninh điều tra bắt thêm 2 đối tượng là Phan Nguyễn Tuấn Kiệt, Phạm Thị Thái Chân. Kiệt và Chân khai, do muốn có tiền tiêu xài và trả nợ nên dùng 10 triệu đồng tiền thật mua 80 triệu đồng tiền giả mệnh giá 500.000 đồng trên mạng xã hội rồi rao bán lại cũng qua mạng xã hội.

Khi có người hỏi mua thì Kiệt trực tiếp thỏa thuận với giá là 1 triệu đồng tiền thật đổi 3 triệu đồng tiền giả. Bằng cách này, tới ngày bị bắt, 2 đối tượng đã bán được tổng cộng 48 triệu đồng tiền giả cho nhiều người, trong đó có Lê Văn Toàn; đối với số tiền giả còn lại thì đốt bỏ do sợ bị cơ quan chức năng phát hiện.

Cũng trong năm 2022, Công an tỉnh còn phá thêm một vụ án tàng trữ, lưu hành tiền giả, bắt 3 đối tượng Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Văn Dũ và Nguyễn Hoàng Cẩm Nguyên, cùng trú Thành phố Hồ Chí Minh.

Cụ thể, các đối tượng đã mua 50 triệu đồng tiền giả mệnh giá 500.000 đồng với giá 10 triệu đồng rồi xuống Hậu Giang tiêu thụ và bị bắt tại một nhà trọ ở huyện Vị Thủy cùng tang vật là 83 tờ tiền giả loại 500.000 đồng.

Qua điều tra, cơ quan công an còn thu giữ thêm 2 tờ tiền giả mệnh giá 500.000 đồng mà các đối tượng đã tiêu thụ tại thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A.

Thông tin về thủ đoạn của các đối tượng, thiếu tá Lê Phước Trung, Phó Đội trưởng Đội điều tra, Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh, cho biết, trước khi đi tiêu thụ, đối tượng tàng trữ tiền giả đưa cho đối tượng trực tiếp đi tiêu thụ từ 1-2 triệu đồng tiền giả loại mệnh giá 500.000 đồng. Sau đó, chúng cùng nhau đi xe mô tô xuống các chợ nông thôn vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối rồi dùng tiền giả mua hàng có giá trị thấp để nhận lại tiền thật, các tên còn lại đi sau cảnh giới, dùng tiền thật cùng vào mua hàng để người bán không có thời gian kiểm tra cũng như gây mất sự chú ý của những người xung quanh. Khi bị phát hiện thì các đối tượng tẩu tán tang vật, giải cứu đồng bọn và tẩu thoát.

Ông Ngô Trần Thanh Liêm, Trưởng phòng Tiền tệ – Kho quỹ và Hành chính, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hậu Giang, cho biết thêm, thủ đoạn của các đối tượng lưu hành tiền giả tuy tinh vi nhưng các loại tiền giả hiện nay là không có được các đặc điểm bảo an như tiền thật hoặc có thì chỉ mang tính mô phỏng, màu sắc có thể nhạt, hoặc đậm hơn tiền thật nhưng thiếu màu, hình ảnh, họa tiết không sắc nét, tinh tế như tiền thật, từ đó có thể dùng tay hoặc mắt để phân biệt tiền thật và tiền giả.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hậu Giang khuyến cáo, người dân cần hết sức thận trọng, kiểm tra tiền mỗi khi giao dịch để tránh rủi ro, khi phát hiện đối tượng nghi vấn làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì người dân nên báo cơ quan công an để phối hợp xử lý.

Cách nhận biết tiền thật, tiền giả

Ông Trần Thanh Liêm hướng dẫn: Có nhiều cách để phân biệt tiền thật, tiền giả, và một trong những cách thủ công đơn giản nhất là dùng tay bóp chặt tờ tiền rồi thả ra. Đối với tiền thật, khi thả ra thì tờ tiền không bị nhăn, bằng phẳng trở lại như ban đầu; đối với tiền giả, khi bóp rồi thả ra thì giống như một tờ giấy bị bóp nát, không có sự đàn hồi.

Cách thứ hai là người dân có thể dùng tay kiểm tra các chi tiết in nổi trên tờ tiền như dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”, Quốc huy, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và số mệnh giá. Ở tiền thật thì khi vuốt lên các chi tiết này có cảm giác nhám, ráp, còn đối với tiền giả thì khi vuốt có cảm giác trơn lì, không nhám ráp.

T.THỨC – T.PHONG

Nguồn: https://www.baohaugiang.com.vn/phap-luat/canh-giac-voi-thu-doan-luu-hanh-tien-gia-va-cach-nhan-biet-tien-that-tien-gia-120272.html