Nhiều chiêu thức giăng bẫy
Tháng 12-2021, ông Q. (ngụ TPHCM) nhận điện thoại của một người, nói rằng có đơn kiện từ Bảo hiểm B.V. vì ông gây tai nạn và yêu cầu ông phải nộp phạt 200 triệu đồng. Ông Q. trả lời không liên quan và không đủ tiền nộp, nhưng người này đe dọa sẽ bắt ông ra Đà Nẵng để điều tra.
Hôm sau, người này tiếp tục điện thoại, yêu cầu ông Q. chuyển 200 triệu đồng, nếu không thì ông sẽ bị công an bắt. Để tạo niềm tin, người này gửi qua Viber quyết định tạm giữ ông Q. do Viện KSND tối cao tại TP Đà Nẵng ký; sau đó yêu cầu ông Q. mở tài khoản tại ngân hàng theo hướng dẫn và chuyển tiền vào tài khoản này. Hoảng sợ, ông Q. chuyển 665 triệu đồng vào tài khoản ông mới lập ở một ngân hàng. Trong lúc này, đối phương yêu cầu ông Q. cung cấp mật khẩu tài khoản ngân hàng, mã OTP cũng như phải chuyển thêm gần 1 tỷ đồng vào tài khoản mà ông đã lập. Nghi ngờ, ông Q. kiểm tra tài khoản thì số tiền gần 700 triệu đồng đã biến mất. Biết bị lừa, ông đến cơ quan công an trình báo.
Giữa tháng 3-2022, anh L. (SN 1993, ngụ quận Bình Thạnh) nhận một cuộc điện thoại. Đầu dây bên kia tự xưng nhân viên bưu điện, nói anh đến nhận bưu phẩm. Khi anh L. hỏi bưu phẩm gì, người này nói là trong bưu phẩm có lệnh bắt anh do liên quan đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền, rồi nối máy để anh nói chuyện với một người là “cán bộ đang công tác ở Bộ Công an, đang điều tra vụ án liên quan đến anh L.”. Đối tượng này yêu cầu anh L. chuyển tiền để xác minh, nếu không liên quan đến tội phạm thì sẽ trả lại. Biết gặp kẻ mạo danh công an để lừa đảo, anh L. tắt máy.
Về lời mời tham gia làm việc ở sàn thương mại điện tử, người dân cần thận trọng, tìm hiểu kỹ chương trình trước khi nhấn vào đường link tham gia. Các hình thức đóng tiền trước khi làm việc hay đóng tiền đồng phục… là hành vi lừa đảo, đa cấp, người dân cần cảnh giác. |
Nâng cao cảnh giác
Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Trần Văn Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự (PC02), Công an TPHCM, nhìn nhận, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Các đối tượng dựng nhiều kịch bản như: Giả làm nhân viên bưu điện gọi nhận bưu phẩm; nhân viên viễn thông gọi báo nợ cước; nhân viên điện lực gọi báo nợ tiền, dọa cắt điện; CSGT gọi báo “phạt nguội”, gây tai nạn bỏ trốn… Các đối tượng làm giả lệnh bắt, quyết định khởi tố của cơ quan công an để đe dọa nạn nhân, sau đó yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp để chiếm đoạt. Hoặc để nạn nhân không nghi ngờ, các đối tượng đề nghị nạn nhân tự đăng ký tài khoản ngân hàng, chuyển tiền vào tài khoản đó; rồi mới yêu cầu nạn nhân cung cấp tài khoản, mật khẩu, mã OTP để chiếm đoạt.
Thượng tá Trần Văn Hiếu khuyến cáo, người dân nên cảnh giác khi nhận cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, đối phương xưng là công an, tòa án, viện kiểm sát… để thông báo điều tra vụ án ma túy, rửa tiền… qua điện thoại. Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ người nào, đặc biệt là không nghe lời các đối tượng, chuyển tiền vào tài khoản được chỉ định. “Cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án nếu làm việc với người dân thì sẽ gửi giấy mời, giấy triệu tập đến người đó. Phương thức làm việc là trực tiếp chứ không qua mạng. Người dân cần kiểm tra, cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội; không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân, không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết”, Thượng tá Trần Văn Hiếu nhấn mạnh.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/tai-dien-nan-mao-danh-de-lua-dao-802435.html |