Chuyện bốn phương, Du lịch, Thông tin
Hủ tục rùng rợn của bộ tộc Dani: Cắt một đốt ngón tay khi người thân qua đời
Hủ tục rùng rợn của bộ tộc Dani: Cắt một đốt ngón tay khi người thân qua đời
Với người Dani ở Indonesia, khóc thương không đủ để bày tỏ sự đau buồn khi gười thân qua đời, và họ thể hiện sự thương tiếc bằng cách cắt đốt ngón tay.
Tập tục cắt ngón tay kỳ quái còn được gọi là “Ikipalin”, là cách để tang tồn tại nhiều năm trong bộ tộc Dani ở một vùng hẻo lánh của Indonesia.
Quan niệm
Dân số của Dani khoảng 25.000 người, tập trung tại một khu vực hẻo lánh, chỉ có thể đến bằng máy bay. Trong niềm tin của họ, ngón tay đóng một vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày.
Các ngón tay kết hợp với nhau để tạo ra sức mạnh và để bàn tay có thể hoạt động hoàn hảo, là biểu tượng của sự hòa hợp, thống nhất và sức mạnh trong con người cũng như một gia đình. Đối với người Dani, khóc thương những người thân trong gia đình qua đời sẽ không bao giờ là đủ và một cách để bày tỏ sự đau buồn và tiếc thương là cắt ngón tay.
Như một cách thể hiện nỗi đau, người Dani cắt bỏ một phần ngón tay khi ai đó gần gũi với họ qua đời. Người ta tin rằng, đây là cách để xoa dịu và xua đuổi hồn ma tổ tiên vẫn còn quanh quẩn trong làng. Vì vậy, để các linh hồn tránh xa, các ngón tay bị loại bỏ như một hình thức hiến tế.
Việc cắt ngón tay thường do một thành viên khác trong gia đình, có thể là cha mẹ hoặc anh chị em, thực hiện. Vết thương được làm sạch để tránh nhiễm trùng. Người ta đốt thành tro các đốt ngón tay bị cắt và lưu trong một chiếc nồi riêng. Chúng cũng có thể được cất giữ trong nhà hoặc một nơi đặc biệt nào đó.
Đôi khi, nhiều ngón tay cùng bị chặt đứt để thể hiện sự đau buồn, thương tiếc. Một số người làm hỏng ngón tay mà không thực sự cắt chúng. Đầu tiên, họ làm yếu các khớp ngón tay, sau đó thắt một sợi dây xung quanh để ngăn lưu thông máu, mục đích cuối cùng là làm chết cơ do thiếu oxy.
Người “để tang” hầu hết là phụ nữ
Hiện vẫn chưa rõ lý do tại sao phong tục trên chủ yếu áp dụng cho phụ nữ của bộ tộc Dani. Đáng buồn, một số trẻ sơ sinh gái cũng là nạn nhân của truyền thống này khi bị mẹ chặt đứt ngón tay trong một nghi lễ tương tự. Lý do được đưa ra là phải đảm bảo tuổi thọ cho những đứa trẻ sơ sinh. Có thể các bà mẹ cố gắng làm cho con mới sinh trông khác với những đứa trẻ đã chết trước đó, nên đã thực hiện phương pháp này với hy vọng con sẽ sống sót.
Mặc dù tập tục kỳ lạ và nguy hiểm này đã bị tuyên bố là bất hợp pháp và bị cấm, vẫn có thể thấy bằng chứng về sự tồn tại của nó ở những phụ nữ lớn tuổi trong cộng đồng: Các đầu ngón tay của họ bị cắt ngắn. Thậm chí có những người chỉ còn 3 ngón tay hoàn chỉnh.
Tượng trưng cho trái tim và tâm hồn đang bị giằng xé vì mất mát, ngón tay bị chặt của các bà mẹ bộ tộc Dani cho biết có bao nhiêu người trong gia đình họ đã chết.
Các tập tục khác
Ngoài cách thức trên, thân nhân của người quá cố cũng sẽ bôi tro và đất sét lên khuôn mặt khi thể hiện sự bí ẩn và nỗi buồn sâu sắc của mình.
Một tập tục khác là tắm bùn trong lễ tang. Tắm bùn là nghi lễ tượng trưng, mang ý nghĩa rằng tất cả những người chết đã được trở về với thiên nhiên. Con người đều xuất phát từ cát bụi và cuối cùng sẽ quay trở lại với cát bụi…
Không chỉ phụ nữ phải tuân theo truyền thống cực đoan để thể hiện sự mất mát, đàn ông của bộ tộc Dani cũng làm điều đó nhưng theo một cách khác, không phải là cắt ngón tay, mà là cắt da tai. Quá trình xử lý không khác nhiều: Khi có một người anh trai qua đời, họ sẽ cắt da mang tai.
Lê Ngọc(Vov.vn)
Nguồn: https://vtc.vn/hu-tuc-rung-ron-cua-bo-toc-dani-cat-mot-dot-ngon-tay-khi-nguoi-than-qua-doi-ar664403.html |