Nếu như các năm trước nổi lên tình trạng một số phụ nữ nhẹ dạ chuyển tiền cho “người tình” ở nước ngoài để nhận quà tặng, thì hiện đang rộ lên “chiêu” chuyển khoản nhầm tài khoản, hoặc nhờ chuyển đổi tiền mệnh giá Việt Nam.
Từ lừa đảo qua tài khoản mạng xã hội
Ngày 21-8 vừa qua, anh Nguyễn Công Hoàng (35 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Trị) đã bị các đối tượng lừa đảo bằng cách nhờ chuyển khoản giùm.
Anh Hoàng cho biết, có đặt mua hàng hóa từ Thái Lan về Việt Nam để kinh doanh. Cách đây hơn một tuần, có một người đàn ông giới thiệu đang sinh sống, làm việc tại Thái Lan muốn kết bạn với anh Hoàng qua ứng dụng xã hội Zalo. Sau khi làm quen, người đàn ông này khẩn khoản nhờ anh Hoàng chuyển khoản số tiền 12,6 triệu đồng cho người nhà của anh ta ở Việt Nam với lý do người nhà ở vùng sâu, vùng xa nên không thể đi về thị trấn để đổi ngoại tệ. Đổi lại, người đàn ông đó sẽ ứng ra khoản tiền tương đương (khoảng 17.000 baht, tiền Thái Lan) để thanh toán cho bạn hàng của anh Hoàng ở Thái Lan.
“Cùng thời gian này, tôi cũng đang cần chuyển tiền cho bạn hàng ở Thái Lan nên đồng ý. Nhận được tiền, người đàn ông đó liền gửi mã bill cho tôi. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra thì mã bill đó là giả mạo”, anh Hoàng ngao ngán.
Đầu tháng 8 vừa qua, anh P.B (24 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) cũng bị bọn xấu đánh cắp tài khoản Facebook để lừa đảo. Với tài khoản đánh cắp được, bọn xấu đã nhắn tin cho người thân, bạn bè của anh P.B. để mượn tiền. “Sau khi lừa chuyển tiền xong, bọn chúng liền xóa và chặn tài khoản Facebook. Trong khi đó, những người bạn của tôi lại nghĩ rằng tôi thông đồng với các đối tượng xấu để chiếm đoạt tài sản”, anh P.B. buồn bã cho biết.
Qua tìm hiểu, các hình thức lừa đảo qua mạng xã hội thường sử dụng là mạo danh, chiếm đoạt tài khoản Facebook cá nhân để mượn tiền, giả vờ là Việt kiều đang sinh sống ở nước ngoài, muốn mua sản phẩm hoặc chuyển tiền cho người thân ở Việt Nam…
Đến chuyển “nhầm” tài khoản ngân hàng
Chị N.P.M. (ngụ đường Nguyễn Thị Huỳnh, phường 8, quận Phú Nhuận, TPHCM) là nạn nhân suýt bị lừa mất số tiền lớn. Chị M. cho biết hơn 1 tuần trước, khoảng 3 giờ sáng, điện thoại của chị bỗng nhiên báo có tin nhắn cho biết tài khoản trong ngân hàng của chị vừa được nhận 36 triệu đồng với dòng chữ “cho cô Nga mượn”. “Tôi nằm suy nghĩ rất lâu, vì trong đám bạn của tôi không có ai tên Nga. Đêm hôm khuya khoắt, nên cứ thao thức mong trời sáng để đến ngân hàng hỏi cho rõ”, chị M. kể.
Khi đến ngân hàng, chị M. được cho biết là đã có tài khoản gửi tiền cho chị đúng như chị nhận được. Tuy nhiên, suy nghĩ cẩn thận rằng thông tin người gửi không rõ, nội dung gửi không phù hợp nên chị M. yêu cầu ngân hàng lập thủ tục giải quyết số tiền này.
Tương tự, cuối tuần qua, ông T.V.T. (ngụ hẻm 204 quốc lộ 13, phường 26, quận Bình Thạnh, TPHCM) nhận được tin nhắn qua điện thoại là tài khoản ngân hàng của ông nhận được số tiền 50 triệu đồng với nội dung “cho ông Vinh vay”.
Ông T. đang ngỡ ngàng vì bỗng dưng có tiền, chưa kịp rõ ngọn ngành thì nhận được điện thoại của một phụ nữ tự xưng là người đã chuyển nhầm tài khoản và xin nhận lại số tiền đó. Nhờ có thời gian làm việc ở ngân hàng, ông T. cho biết sẽ sẵn sàng trả lại, nhưng yêu cầu người đó phải có giấy xác nhận mình là chủ tài khoản đã chuyển nhầm. Người đó ấp úng, tắt máy rồi không gọi lại.
Qua đầu tuần, ông T. đến ngân hàng và yêu cầu in thông tin tài khoản mới biết số tiền 50 triệu đồng được một người đàn ông tên Nguyễn Tấn chuyển đến từ tài khoản ngân hàng khác với nội dung “cho ông Vinh vay 45 ngày”. Ông T. đã nhờ ngân hàng can thiệp việc chuyển nhầm tài khoản này vì nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo.
Theo đại diện một số ngân hàng, thời gian gần đây có khá nhiều người nhận được tiền qua tài khoản với hiện tượng “chuyển nhầm”. Bọn xấu thường tổ chức chuyển tiền vào lúc đêm khuya, thời điểm mà ngân hàng đóng cửa và mọi người đang lơ mơ ngủ.
Theo phân tích của luật gia Trịnh Phi Long (Hội Luật gia TPHCM), việc chuyển tiền nhầm qua tài khoản là một kịch bản lừa đảo khá tinh vi. Bởi lẽ, trong trường hợp ông T.V.T. vội vàng trả tiền lại cho người phụ nữ gọi đến mà không xác minh rõ số tài khoản ngân hàng, chứng từ chuyển khoản thì sẽ rất rắc rối về sau. Nếu đúng hạn trả nợ, ông Nguyễn Tấn – chủ tài khoản chuyển nhầm – xuất hiện và yêu cầu ông T. thanh toán thì ông T. khó lòng tranh cãi vì thông tin chuyển khoản rành rành trên điện thoại và có chứng từ ở ngân hàng. Không chỉ phải trả lại tiền mà bọn lừa đảo còn có thể bắt ông T. phải trả thêm lãi vay 45 ngày.
Theo các chuyên gia ngân hàng, thực chất đây là những trò lừa đảo không mới nhưng ngày càng phổ biến và vẫn có không ít người dân vì nhẹ dạ cả tin nên… dính bẫy. Vì vậy, khi phát hiện có trường hợp chuyển nhầm tài khoản thì mọi người cần nhanh chóng liên hệ với ngân hàng để nhờ can thiệp.
Theo Điều 228, 230, 579 Bộ luật Dân sự 2015, khi tình cờ nhận được khoản tiền lạ từ người chưa từng có mối quan hệ với mình và cũng không có bất cứ giao dịch nào với họ liên quan đến số tiền này, người nhận được xem là người đang chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật. Trong trường hợp này, theo quy định của pháp luật, người nhận phải hoàn trả cho chủ sở hữu hoặc giao nộp số tiền đó cho UBND hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết để nhận lại. |
Theo sggp.org.vn