Câu chuyện cảnh giác, Thông tin
Méo mặt’ vì mua vòng ngọc nhận được vòng nhựa kém chất lượng trên mạng xã hội
Méo mặt’ vì mua vòng ngọc nhận được vòng nhựa kém chất lượng trên mạng xã hội
Trong thời đại công nghệ số 4.0, nhờ mạng xã hội mà nhiều người kinh doanh có thể ngồi ở nhà vẫn có thể bán hàng và người mua không cần di chuyển cũng có để đặt mua hàng. Tuy nhiên, do không trực tiếp xem kiểm hàng nên nhiều người đã sập bẫy gian thương.
Tin tưởng mua vàng, trang sức online nhận ‘trái đắng’
Chia sẻ trên báo Dân trí, do đang dịch bệnh Covid – 19, chị N.T.C. (sinh năm 1980, quê Phú Thọ) lên Facebook mua hàng online của shop 2.H.F. (trụ sở đặt tại quận Tân Bình, TPHCM) để mua quần áo, mỹ phẩm, đồng hồ, kính mắt, đồ trang sức…
Tính đến ngày 23/3/2020, chị C. đặt mua nhiều loại trang sức và thực phẩm cùng mỹ phẩm từ shop này với số tiền 20 triệu đồng. Sau khi chuyển tiền, chị C. nhận được các sản phẩm có chất lượng hoàn toàn khác xa với những lời quảng cáo của shop này.
“Tôi mua vòng ngọc nhưng nhận được là vòng nhựa, khi tôi phản hồi thì chủ shop này nói đó là đá ruby Nam Phi nhưng thực chất thì không phải… Shop cũng chặn luôn tin nhắn của tôi”, chị C. bức xúc. Mang đi giám định, chị C. bàng hoàng khi biết đây chỉ là đá nhân tạo bình thường.
Mua trang sức, vàng bạc trên mạng nên cân nhắc kỹ để không nhận ‘trái đắng’. Ảnh: Dân trí
Tương tự, chị T.N.H. lướt Facebook thấy shop này livestream bán hàng và đặt mua sợi chỉ may mắn vàng 18K nhập từ Mỹ về bao sử dụng, bao kiểm tra tại tiệm vàng. Đeo 2 lần, sợi dây này chuyển thành màu đen. Gửi lên shop phản ánh nhưng chị C. không nhận được phản hồi.
Đồng cảnh ngộ là chị T.H.Y.T. cũng vì tin tưởng lời quảng cáo đường mật từ các shop bán online trong mùa dịch Covid-19 nên đặt mua đồ trang sức với số tiền 30 triệu đồng.
“Chị nghĩ là hàng Mỹ mới mua bằng này, cả mấy chục triệu, chứ hàng Trung Quốc thì đâu mua làm gì. Mua về thì nó đen thui, không xài được. Đá Ấn Độ, đá đấu giá gì toàn độ không à”, chị T. ngán ngẩm cho hay.
Nhận thấy việc bán hàng của shop không minh bạch, có dấu hiệu lừa dối khách hàng, lợi dụng lòng tin của khách để bán hàng không đảm bảo chất lượng, chị C. cùng nhiều người khác tìm hiểu sâu và biết có rất nhiều người khác cũng mua hàng và gặp tình huống tương tự.
Người tiêu dùng cần tỉnh táo trước chiêu bán hàng gian dối, hàng kém chất lượng trên mạng
Theo Bộ Công an, hiện nay tình trạng mua bán hàng hóa giả mạo, hàng kém chất lượng xuất hiện nhiều trên mạng xã hội ở nhiều mặt hàng từ những thứ nhỏ nhất cho tới vàng, bạc, trang sức…do đó, để tránh mắc bẫy các đối tượng lừa đảo, người dân không nên ham rẻ mà mua trang sức cũng như các mặt hàng đắt tiền qua mạng xã hội. Để mua sản phẩm bảo đảm chất lượng, mọi người nên mua tại các cơ sở uy tín, có địa chỉ rõ ràng, kinh doanh lâu năm. Nếu mua qua mạng nên lựa chọn những trang thương mại điện tử uy tín, có chủ sở hữu rõ ràng để có cơ sở giải quyết những vấn đề phát sinh.
Cũng theo Bộ Công an, việc điều tra làm rõ các vụ lừa đảo qua mạng gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp. Đối với những vụ việc mua bán có sản phẩm thật thì chỉ là giao dịch dân sự, khó xử lý hình sự các đối tượng. Vì vậy, người dân cẩn thận với các giao dịch mua bán, vay mượn, chuyển tiền liên quan mối quan hệ, cơ sở kinh doanh chỉ quen biết qua mạng xã hội. Ngay những tài khoản là người thân cũng phải đề phòng. Vì rất có thể những tài khoản này đã bị các đối tượng phạm tội chiếm quyền sử dụng, giả mạo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Còn theo luật sư Đỗ Trúc Lâm (Đoàn Luật sư TPHCM) chia sẻ trên VTV, việc bán hàng gian dối, hàng kém chất lượng trên mạng xuất hiện khá nhiều. Đây được coi là hành vi trục lợi, lợi dụng mạng xã hội để bán hàng không đảm bảo khiến người tiêu dùng bức xúc.
Do đó, nếu người tiêu dùng gặp phải trường hợp người mua phát hiện người bán gian dối, bán hàng giả hoặc có thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản thì tố giác lên cơ quan chức năng. Người bán có những hành vi trên sẽ bị phạt hành chính hoặc nặng hơn có thể bị khởi tố hình sự.
An Dương (T/h)/Theo Vietq.vn