TikTok: Tràn lan nội dung hướng dẫn làm đẹp phản khoa học
Những nội hướng dẫn làm đẹp không có cơ sở, phản khoa học
Hiện nay, trên TikTok đang xuất hiện tràn lan các video dạy làm đẹp phản khoa học như: thoa ớt lên môi để môi căng mọng; chườm đá lạnh lên mặt để se khít lỗ chân lông; bôi rượu thuốc để tẩy da chết; bôi kem trộn để trắng lên trong một hai ngày… Nguy hiểm hơn còn có người hướng dẫn sử dụng các loại thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc, xuất xứ, với lời quảng cáo hấp dẫn: “Không cần tập thể dục, không cần ăn kiêng vẫn có được thân hình thon gọn”…
Những video với nội dung phản khoa học lại nhận về vô số lượt tương tác.
Là người từng tin vào việc khi chà ớt lên môi sẽ khiến môi căng mọng như trong video hướng dẫn trên TikTok, chị A (Hà Nội) chia sẻ: “Sau khi mình làm thì đúng là môi căng, sưng lên nhưng kèm với đó là đau và rát. Môi mình đã bị tổn thương. Mình thậm chí còn không khép được miệng, phải mất khoảng thời gian khá lâu để môi trở lại bình thường. Sau lần đó, hễ ăn gì nóng hay cay là môi bị sưng luôn”.
Bạn H (Hà Nội) cho hay: “Sau khi xem cách chườm đá lên mặt vừa không tốn kém lại giúp da đẹp, không suy nghĩ nhiều, mình đã thử. Sau vài lần da mình bị bỏng lạnh, mọc nhiều mụn sưng tấy. Từ lần đó mình không dám thử nữa. Mình khuyên mọi người nên cân nhắc chọn lọc những nội dung để học theo trên TikTok, vì không phải cái gì cũng tốt và phù hợp. Nếu không tìm hiểu kỹ sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc”.
Những sản phẩm làm đẹp không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ bày bán công khai trên TikTok.
Ngoài hướng dẫn làm đẹp, trên nền tảng TikTok cũng có nhiều TikToker quảng cáo, giới thiệu sản phẩm làm đẹp một cách vô tội vạ như: rượu thuốc, kem trộn, thực phẩm chức năng. Họ rao bán với những những lời “có cánh” như: “Sản phẩm này chất lượng”, hay “an toàn, “trắng sáng”, không gây kích ứng da”.
Chuyên gia cảnh báo
Mới đây, bác sĩ Lê Vi Anh, Khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân bị viêm da kích ứng, nhiễm trùng, sưng tấy nặng nề do thoa kem đánh răng lên tổn thương hở vì tin theo video hướng dẫn trên TikTok. Kem đánh răng có hoạt chất tiêu viêm, song hàm lượng rất cao dẫn đến bong tróc, dị ứng, phá vỡ kết cấu làn da. Bệnh nhân bị mụn lâu năm, nền da không khỏe nay chịu kích ứng nặng, có nguy cơ sẹo rỗ cao.
Theo bác sĩ, thông tin thoa kem đánh răng lên nốt mụn tràn lan trên mạng xã hội, đặc biệt là TikTok. Ngoài chữa mụn, nhiều người mách nhau dùng kem đánh răng chữa xuất tinh sớm, thoa axit để xóa xăm gây tổn thương nghiêm trọng, bệnh nhân mất thời gian dài để xử lý hậu quả.
Bác sĩ Vy Anh khám cho bệnh nhân bị viêm da kích ứng do dùng kem đánh răng chữa mụn theo TikTok.
Chị N, 28 tuổi (Hà Nội) đã chi khoảng 4 triệu đồng mua mỹ phẩm qua mạng. Chị kể, trên TikTok có nhiều hướng dẫn chăm sóc da bằng sản phẩm đặc trị chứa BHA, AHA, retinol, arbutin, hay tranexamic axit để loại bỏ tế bào chết, khôi phục làn da. Chị đặt mua 4 sản phẩm thông qua livestream, mục đích mua nhiều để có mã giảm. Người bán tư vấn dùng sản phẩm cách ngày mới hiệu quả, ví dụ thoa retinol vào thứ 2 – 4 – 6, ngày còn lại thoa kem phục hồi. Sau một tháng sử dụng, làn da chị bị đầy mụn, nhất là vùng khóe mũi, hai bên má. “Đây là chiêu trò để bán được nhiều sản phẩm, kinh doanh lấy lời rất phổ biến trên mạng”, bác sĩ Vi Anh nói.
Trường hợp khác, một bệnh nhân nữ 40 tuổi, mắc ung thư vú nhưng không tuân thủ điều trị mà nghe hướng dẫn của “bác sĩ” TikTok, cuối cùng nhập viện trong tình trạng trầm trọng. Tiếp nhận ca bệnh, bác sĩ Ngô Văn Tỵ, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, bệnh nhân nhịn ăn, uống lá đu đủ và nước măng tây để “tiêu khối u”. Hai tháng sau, khối u vỡ, loét, chảy dịch, người bệnh mới đi viện. Lúc này, bác sĩ chỉ chăm sóc, vệ sinh khối u, không thể can thiệp điều trị chuyên sâu.
Nhiều chuyên gia, bác sĩ không phủ nhận lợi ích nhất định khi tham khảo thông tin trên TikTok, tuy nhiên phải biết chọn lọc và tỉnh táo, không nên tin những người tự xưng là bác sĩ trên mạng. “Nhiệm vụ chính của bác sĩ là chữa bệnh, việc chia sẻ thông tin trên mạng thường vào lúc rảnh, không hù dọa hay kinh doanh trên sức khỏe người bệnh”, một bác sĩ chia sẻ. Đây cũng là điểm khác biệt giữa bác sĩ thật với “bác sĩ” mạng.
Bác sĩ đưa ra lời khuyên nên biết cách tìm thông tin về sức khỏe trên mạng. Một cách chọn lọc trang tin cậy là căn cứ vào tên miền. Trên Google, bạn có thể tham khảo tên miền của website có đuôi là .gov hoặc .org hoặc .state. Trên TikTok, bạn tìm kiếm tài khoản có tích xanh. Ngoài ra, bạn có thể tìm kiếm thông tin từ những nguồn khác như người thân, bác sĩ thật, trước khi làm theo. Không nên dành quá nhiều thời gian tìm đọc những thông tin trên mạng thiếu cơ sở, căn cứ khoa học mà nên đến viện điều trị đúng bệnh trong thời gian vàng.
Nội dung trên TikTok cần tuân thủ pháp luật Việt Nam
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, trước đây nền tảng TikTok có nội dung thuần túy về giải trí. Thế nhưng, bắt đầu từ năm 2022 trở lại đây, nhiều nội dung độc hại đã phát triển mạnh mẽ trên TikTok, gây ảnh hưởng đến trẻ em Việt Nam. Bên cạnh đó, TikTok cũng không có biện pháp kiểm soát hiệu quả các nội dung vi phạm bản quyền; dung túng cho nhiều hoạt động kinh doanh bất hợp pháp… gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội.
Từ thực trạng trên, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải có trách nhiệm ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung, thông tin vi phạm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. “Trong trường hợp các tổ chức, cá nhân này không thực hiện, cơ quan có thẩm quyền sẽ triển khai biện pháp kỹ thuật ngăn chặn toàn bộ nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng vi phạm pháp luật” – ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, ngoại giao, truyền thông… để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. “Bộ sẽ có đoàn kiểm tra liên ngành vào tháng 5/2023 để kiểm tra toàn bộ hoạt động của TikTok tại Việt Nam” – ông Lê Quang Tự Do thông tin.
Ông Lê Quang Tự Do khẳng định, tất cả những nền tảng xuyên biên giới vào Việt Nam bắt buộc phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Những nền tảng nào không tuân thủ pháp luật Việt Nam, chắc chắn không được tạo điều kiện hoạt động tại Việt Nam.
Nhìn nhận về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Văn Dững, Giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho hay, nếu nhìn vào lợi ích quốc gia, nhất là vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống, đến tư tưởng – chính trị cho giới trẻ thì những sai phạm của TikTok là vấn đề không hề nhỏ. “TikTok dùng chính không gian mạng của chúng ta, tức là “đất” của chúng ta để thao túng nhận thức của giới trẻ, làm lệch lạc nhận thức giá trị, đặc biệt nhận thức sai lệch về lịch sử, giáo dục, văn hoá, từ đó, làm thay đổi nhận thức về chủ quyền quốc gia và trách nhiệm công dân…” – PGS Nguyễn Văn Dững nhấn mạnh.
Khánh Mai (t/h)
Nguồn: https://vietq.vn/dung-tu-ruoc-hoa-vao-than-vi-lam-theo-nhung-video-huong-dan-tren-tiktok-d210334.html |