3 thực phẩm ‘phá hỏng’ hàm răng: Bí quyết cần làm để giữ răng chắc khỏe đến già

3 thực phẩm ‘phá hỏng’ hàm răng: Bí quyết cần làm để giữ răng chắc khỏe đến già

(VTC News) – Việc đánh răng đều đặn mỗi ngày không chỉ giúp giảm các bệnh về răng miệng mà còn rất tốt cho sức khỏe tim mạch.

Đánh răng là một thói quen vệ sinh tốt, không chỉ giúp miệng của bạn luôn thơm tho mà còn ngăn ngừa được nhiều bệnh về răng miệng, rất có lợi cho sức khỏe thể chất và tinh thần.

Vào ngày 1/12, một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Tim mạch Dự phòng Châu Âu thuộc Hiệp hội Tim mạch Châu Âu cho thấy “tần suất đánh răng có liên quan đến việc giảm nguy cơ rung nhĩ và suy tim”. Việc đánh răng đều đặn mỗi ngày không chỉ giúp giảm các bệnh về răng miệng mà còn rất tốt cho sức khỏe tim mạch.

Đánh răng buổi tối quan trọng hơn đánh răng buổi sáng

Nhiều người chỉ có thói quen đánh răng khi thức dậy vào buổi sáng, ít khi đánh răng vào buổi trưa hoặc buổi tối. Trên thực tế, đánh răng buổi tối quan trọng hơn buổi sáng. Nguyên nhân chủ yếu bởi vì ban đêm là khoảng thời gian dành cho giấc ngủ, vì thế hoạt động răng miệng sẽ ít hơn ban ngày, khiến thức ăn bị sót lại trong miệng, đặc biệt là ở các kẽ răng.

Sau khi chìm vào giấc ngủ, các hoạt động trong khoang miệng giảm đi, hình thành một môi trường ổn định và khép kín, tạo điều kiện cho một lượng lớn vi khuẩn sinh sôi, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Hơn nữa, cặn thức ăn cũng bị phân hủy thành các chất có hại, làm ăn mòn răng và gây ra nhiều bệnh lý về răng miệng.

3 thực phẩm 'phá hỏng' hàm răng: Bí quyết cần làm để giữ răng chắc khỏe đến già - 1

Ngược lại vào ban ngày, miệng chúng ta cần hoạt động nhiều hơn để ăn, uống, nói chuyện,… Đặc biệt là khi uống nước, nước có tác dụng nhất định trong việc làm sạch khoang miệng, khiến vi khuẩn ít có điều kiện sinh sôi.

Ngoài ra, nếu đánh răng vào buổi tối thì khi thức dậy vào sáng hôm sau, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn do răng miệng vẫn tương đối sạch sẽ.

Do đó, để giữ gìn vệ sinh răng miệng, bạn không nên chỉ đánh răng khi có nhiều cặn thức ăn trong miệng, mà nên làm việc này thường xuyên, đặc biệt là vào buổi tối.

Hãy súc miệng ngay sau khi ăn 3 loại thực phẩm sau

Trong cuộc sống hành ngày, bạn nên hình thành thói quen súc miệng sau khi ăn, tránh để thức ăn bám lại trong khoang miệng và kẽ răng. Nếu không làm việc này, bạn dễ bị chua miệng, hôi miệng và có nguy cơ mắc các bệnh về răng miệng. 

Đặc biệt, có 3 loại thực phẩm rất dễ bám vào răng, gây ăn mòn răng, bạn cần chú ý súc miệng ngay sau khi ăn xong:

1. Đồ uống có ga

Các đồ uống có ga như Cocacola, Sprite,… không chỉ chứa nhiều đường, dễ bám vào răng mà còn gây nguy hại đến sức khỏe răng miệng do tác dụng của axit cacbonic. Vì vậy, bạn nên uống càng ít càng tốt, còn nếu uống thì nên sớm súc miệng.

2. Đồ ngọt

Các loại đồ ngọt như kẹo mút, kẹo dẻo, kẹo trái cây, siro… cũng chửa rất nhiều đường, dễ bám vào răng. Nếu không đánh răng, súc miệng sau khi ăn xong sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng.

3. Bánh quy và một số thức ăn khô

Khi ăn bánh quy, vụn bánh thường bám vào răng hàm, rất khó để làm sạch. Do đó, nếu súc miệng vẫn chưa thể loại bỏ, bạn tốt nhất nên đánh răng. 

Nên đánh răng bao nhiêu lần mỗi ngày?

Ở các độ tuổi khác nhau, con người phải đối mặt với những vấn đề về răng miệng khác nhau, do đó yêu cầu về việc đánh răng cũng khác nhau.

3 thực phẩm 'phá hỏng' hàm răng: Bí quyết cần làm để giữ răng chắc khỏe đến già - 2

1. 5 tuổi đánh răng 1 lần/ngày

Trẻ em sẽ thay răng khi lớn lên, nhưng chúng vẫn cần nuôi dưỡng thói quen đánh răng cho trẻ từ nhỏ. Trẻ có thể chỉ cần đánh răng 1 lần mỗi ngày. Khi đánh răng không nên cho trẻ sử dụng kem đánh răng, tránh để trẻ nuốt phải.

2. 12-20 tuổi đánh răng 2 lần/ ngày

Trước 20 tuổi, chức năng điều tiết và tiêu hóa vẫn tương đối tốt nên ít gặp các vấn đề về răng miệng và đường tiêu hóa. Vì vậy, chỉ cần duy trì đánh răng 2 lần/ngày là đủ. Tuy nhiên nên xây dựng thói quen súc miệng thường xuyên sau khi ăn.

3. 20-40 tuổi duy trì đánh răng 3 lần/ngày

Những người ở độ tuổi này dễ bị ảnh hưởng bởi nội tiết tố, có thể gây ra tình trạng nướu nhạy cảm và cao răng. Vì vậy, cần đánh răng 3 lần/ngày, đồng thời chú ý lấy sạch cao răng để tránh chảy máu nướu.

4. 40-60 tuổi duy trì đánh răng 2 lần/ngày

Đối với những người ở độ tuổi này, các vấn đề về răng miệng đã tích tụ trước đó bắt đầu lớn dần, cộng thêm sự hấp thụ canxi của cơ thể nên răng sẽ yếu đi, thậm chí có thể bị lung lay nhẹ, không thích hợp để bị tác động quá nhiều. Do đó chỉ nên đánh răng 2 lần/ ngày, súc miệng nhiều hơn và hạn chế dùng răng cắn các đồ ăn cứng.

5. Sau 60 tuổi chỉ cần đánh răng mỗi ngày 1 lần

Sau 60 tuổi, răng sẽ rất yếu, nướu từ từ co lại, chân răng lộ ra ngoài. Chân răng là bộ phận nhạy cảm nhất của răng, nên nếu không cẩn thận có thể bị rụng răng. 

Vì vậy ở độ tuổi này chỉ cần đánh răng mỗi ngày 1 lần, tốt nhất vào ban đêm. Động tác đánh cũng không nên quá mạnh, hãy chải nhẹ nhàng theo vòng tròn nhỏ để giảm tác động lên chân răng. 

Nếu sử dụng niềng răng, nên vệ sinh thường xuyên, đặc biệt là trước khi đi ngủ.

Lan Hương (Nguồn: Sohu)