Đam Rông từng bước phát triển bền vững ngành dâu tằm

Đam Rông từng bước phát triển bền vững ngành dâu tằm

CHÍNH THÀNH

Để phát triển bền vững ngành dâu tằm trong 5 năm tới, huyện Đam Rông đang triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp, đặc biệt là chú trọng phát triển làng nghề truyền thống, cơ giới hóa trồng dâu, nuôi tằm trong thời gian tới.

Gia đình chị XaMi, xã Đạ M’rông thu nhập ổn định từ nghề trồng dâu, nuôi tằm

• VÙNG NGUYÊN LIỆU NGÀY MỘT MỞ RỘNG

Ông Nguyễn Văn Chính – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đam Rông cho hay, nếu như năm 2015 địa phương mới chỉ có 130 ha dâu thì cuối năm nay có thể đạt trên 1.000 ha với năng suất lá dâu 25 tấn/ha, có trên 1.800 hộ chăn nuôi thường xuyên và lượng kén tằm đạt trên 1.600 tấn/năm.

Trong vòng 5 năm qua, huyện Đam Rông đã triển khai có hiệu quả Đề án “Phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ”, bên cạnh các vùng trồng dâu với quy mô lớn, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và chế biến kén tằm. Trong đó, diện tích trồng dâu, nuôi tằm hiện nay tập trung chủ yếu tại 3 xã Đạ Tông, Đạ Long và Đạ M’rông với 310 ha. Tại xã Đạ M’rông những ngày đầu tháng 4, chúng tôi ghi nhận tình hình trồng dâu, nuôi tằm, sản xuất của bà con tương đối ổn định. Trong khi một số địa phương trên địa bàn tỉnh, trên con tằm phát sinh bệnh không kéo kén thì tại địa phương mới ghi nhận các bệnh thông thường, sản lượng lá dâu khoảng 20 tấn ha, còn sản lượng kén tằm đạt trung bình 35 tới 45 kg trên mỗi hộp tằm giống. Gia đình anh Lơ Mu Ha Sim – chị Liêng Rang XaMi đã có kinh nghiệm 7 năm nuôi tằm trên địa bàn xã phấn khởi cho biết, gia đình có 3.000 m2 dâu, mỗi lứa khoảng 15 ngày nuôi tối đa khoảng 1,5 hộp tằm giống thì mỗi tháng thu nhập trung bình khoảng 13 triệu đồng. “Lúc đầu cũng khó khăn lắm, phải mất vài lứa nuôi làm quen. Rồi nhờ học hỏi các hộ làm trước đó, được cán bộ khuyến nông tập huấn nhiệt tình nên dần mình biết chăm sóc cây dâu, trị các bệnh thông thường trên con tằm. Hiện với ba sào dâu, mỗi năm gia đình nuôi được khoảng 15 hộp, làm đều đều cuộc sống đỡ vất vả hơn nhiều so với trước đây”, anh Lơ Mu Ha Sim thổ lộ.

Bà Ma Rương, cán bộ khuyến nông Trung tâm Nông nghiệp huyện Đam Rông, đồng thời là Giám đốc Hợp tác xã Dâu tằm Đạ M’rông cho hay, hiện nay, bà con trong xã đang trồng trên 118 ha dâu, tăng mạnh so với những năm trước đó. “Nhờ cây dâu phát triển tốt, giá kén tằm ổn định ở mức cao 180.000 tới trên 200.000 đồng/kg trong nhiều năm qua nên nhiều bà con nông dân đã thoát nghèo, làm giàu và coi cây dâu, con tằm là nguồn sinh kế ổn định để phát triển kinh tế gia đình bên cạnh cây cà phê và lúa cao sản”, bà Ma Rương nói. Để hỗ trợ người dân về con giống, Hợp tác xã Dâu tằm Đạ M’rông gồm 9 thành viên hơn 3 năm nay đã làm cầu nối với các nhà máy ươm tơ ngoài địa bàn để cung cấp giống tằm con khoảng 30 hộp/tháng, đồng thời thu mua kén với giá cả ổn định cho bà con nông dân. Việc có hợp tác xã nuôi tằm giống cung ứng trực tiếp cho các hộ đã giảm bớt thời gian nuôi tằm, tăng thêm thu nhập, ngày một khuyến khích thúc đẩy nghề trồng dâu, nuôi tằm của địa phương phát triển.

Tương tự, trên địa bàn xã Đạ Tông và Đạ Long, vùng trồng dâu ven các con suối lớn cũng đang được bà con nông dân chuyển đổi dần, đặc biệt là đối với thửa đất trồng cây kém hiệu quả, đất bãi bồi ven suối cũng như diện tích đất trồng lúa một vụ. Dự kiến trong 5 năm tới, riêng 3 xã Đầm Ròn phấn đấu mở rộng diện tích thêm khoảng gần 300 ha.

• PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP TỪ CÂY DÂU

Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện, hiện nay, địa phương đang triển khai có hiệu quả kế hoạch phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ trên địa bàn huyện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Với việc con tằm có đầu ra và giá cả ổn định, nông dân rất tin tưởng mở rộng diện tích. Do đó, huyện phấn đấu năm 2030 phát triển trên 1.350 ha, năng suất lá dâu đạt trên 27 tấn/ha và sản lượng kén tằm đạt trên 2.200 tấn/năm; có trên 2.500 hộ nuôi tằm thường xuyên, trong đó trên 1.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số; có 5 – 7 liên kết sản xuất dâu, nuôi tằm gắn với tiêu thụ kén tằm, ươm tơ,…

Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, các đơn vị chức năng được giao đã và đang tích cực tổ chức đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền. Đặc biệt là khuyến nghị bà con nâng cao nhận thức, thay đổi mạnh mẽ tư duy sản xuất của nông hộ, người dân từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Đó là tư duy sản xuất, bán những gì thị trường cần, không sản xuất, bán cái gì người dân có nhằm tăng tính cạnh tranh, làm chủ.

Các giống dâu được đơn vị chức năng khuyến nghị ưu tiên chuyển đổi năng suất, chất lượng cao như VA-201,S7-CB,… trên diện tích trên 500 ha từ nay tới năm 2030 theo hướng dâu trồng tập trung, liền thửa thuận lợi cho việc chăm sóc. Ngành Nông nghiệp huyện sẽ hỗ trợ nguồn lực, phân bổ kinh phí hỗ trợ sau đầu tư phát triển vùng nguyên liệu dâu tằm trên địa bàn huyện, song song đó, sẽ mở thêm nhiều lớp dạy nghề trồng dâu, nuôi tằm cho nông dân nơi đây tiếp cận khoa học, kỹ thuật, cải tạo vườn rẫy.

Với nguồn vốn lồng ghép từ chương trình mục tiêu quốc gia, vốn sự nghiệp nông nghiệp hàng năm, Chương trình xây dựng Nông thôn mới…, trong thời gian tới, địa phương dự kiến xây dựng 2 cơ sở nuôi tằm con tập trung công nghệ cao, quy mô 2.000 hộp/cơ sở/năm nhằm cơ giới hóa nghề trồng dâu, nuôi tằm. Bên cạnh đó, xây dựng thêm một làng nghề trồng dâu, nuôi tằm gắn với ươm tơ tại khu vực 3 xã Đầm Ròn nhằm phát huy, bảo tồn bản sắc địa phương. Trước đó, cuối năm 2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định công nhận Làng nghề dâu tằm tơ thôn Đăk Măng, xã Đạ Rsal đạt tiêu chí Làng nghề và đang hoạt động, phát triển đạt hiệu quả tích cực.