Nhớ nghề dệt chiếu quê tôi

Nhớ nghề dệt chiếu quê tôi

Khoảng 30 năm trước, người dân quê tôi (xã Long Định, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) chủ yếu sống bằng nghề dệt chiếu. Thời “vàng son” đó, mỗi gia đình đều có một khung dệt hoặc nhiều hơn. Gia đình tôi cũng như tuổi thơ của tôi đã gắn bó với nghề. Trải qua bao thăng trầm, nghề dệt chiếu truyền thống dần mai một…

Trong ký ức, ở tuổi lên 5, tôi được má dẫn theo đi dệt chiếu ở hợp tác xã. Má thường ẵm tôi một bên nách, tay còn lại ôm đôi chiếu mà tối qua cha má dệt để mang theo bán.

Khoảng 30 năm trước, người dân xã Long Định, huyện Cần Đước chủ yếu sống bằng nghề dệt chiếu (Ảnh: Dương Hoàng Hạnh)

Nhớ như khắc như khảm, vào mỗi buổi sáng khi mặt trời rót xuống những tia nắng đầu tiên, hai má con đã rời khỏi nhà. Có hôm, má ẵm hoặc nắm tay tôi đi trên đoạn đường quê dẫn lối vào hợp tác xã, trải dài trên đó là những tấm chiếu hoa được phơi nối đuôi nhau. Lần giở đến đây, tôi chợt nhận ra có những vẻ đẹp chân phương, rất lạ và rất đỗi bình dị nhưng giờ chỉ có thể tìm lại ở miền nhớ mà thôi.

Ngày ấy, khi nông nhàn, những phụ nữ trạc tuổi má trở lên thường đến nhà bà Mười (chủ điểm dệt) để làm kiếm thêm thu nhập. Tùy vào sở trường và kinh nghiệm mà mỗi người sẽ phụ trách phần công việc phù hợp. Những người trẻ như má đảm nhận phần dệt chiếu. Ở khu dệt, có 7 khung chiếu thường và 1 khung đòi hỏi kỹ thuật cao hơn dành cho những người thợ lâu năm để dệt chiếu trải phòng loan.

Thông thường, mỗi khung dệt sẽ có 2 người phụ trách. Trước khi dệt, má và dì Xíu giũ lác, đảo lác và mắc trân tạo thành mặt sợi dọc trên khung dệt. Khi dệt, má là người chuồi thì sẽ quấn từng sợi lác vào đầu cây chuồi và đưa một cách khéo léo, nhanh nhẹn từ ngoài vào khung. Sau đó, má dùng kỹ thuật của mình kéo cây chuồi ra nhưng sợi lác vẫn còn giữ trên những đường trân. Dì Xíu thì giữ khung dạo (lược go) với một lần sấp, một lần ngửa luân phiên nhau để sau mỗi lần dập sẽ tạo ra sự đan xen của những sợi lác.

Những dì tóc đã điểm hoa râm ngồi chắp trân. Họ dùng chân đạp lên xuống để cái khung quay sợi xoay theo chiều kim đồng hồ, tay thoăn thoắt xe những sợi đay được chuốt nhuyễn nối lại với nhau thành sợi trân. Sợi trân và lác được xem là 2 nguyên liệu chính tạo nên “linh hồn” cho đôi chiếu.

Điều này cũng được soạn giả Việt Sơn đưa vào câu hát vọng cổ “Gom nhớ nhung đem vào từng cọng lác, gởi tâm hồn theo những sợi dây trân…” như thể nói lên tình cảm của những con người quê tôi đặt cái tâm, cái tình của mình vào đôi chiếu.

Lác đem phơi phô khi nhuộm sẽ dễ bắt màu hơn (Ảnh tư liệu)

Nhớ những ngày nắng đẹp trời trong, bà Mười thường soạn lác đem ra phơi cho khô nóng để khi nhuộm sẽ dễ bắt màu hơn. Số lác được soạn xong, con trai của bà hất một ôm to tướng lên đôi vai vạm vỡ, đem ra trước sân phơi. Tôi đầu trần chân đất rón rén theo sau. Dưới gốc me, bà Mười nhóm một xoong nước nóng khá to, khi sôi, bà rắc từng túi bột vào để tạo màu. Bà cho từng bó lác nhỏ vào nằm gọn tròn theo chiếc xoong, khi màu đã thấm thì vớt ra treo trên cây sào.

Vì tò mò, tôi đứng gần đó nên cảm nhận rất rõ mùi hăng nồng của lác khi vừa được vớt ra, mùi khói bếp cay cay bãng lãng bay theo gió. Khi lác ráo ráo, con trai của bà lại mang ra sân phơi. Cái sân gạch vẫn điềm nhiên nằm đó nhưng được khoác lên mình dáng vẻ mới. Những bó lác nhỏ xòe ra trên sân như hình cánh quạt rực rỡ sắc màu với xanh, đỏ, tím, vàng, trông rất nên thơ, đẹp mắt.

Những ngày mưa rả rích, gió lùa từng cơn nghe lạnh khắp da thịt nhưng tôi và mọi người ở hợp tác xã vẫn cảm thấy ấm lòng. Tôi ấm vì được thưởng thức ké những món ngon bà Mười nấu để đãi nhân công. Người lớn ấm vì dẫu trời có rả rích đến đâu nhưng mọi người vẫn không mất việc. Bụi thời gian đã cuốn trôi ít nhiều những hoài niệm tuổi thơ. Riêng ký ức những ngày mưa vừa thổi, vừa ăn chén cháo trắng với đường tán hay dĩa cơm nếp đậu xanh không thể phai nhạt cho đến bây giờ và cả sau này.

Thấm thoát, tôi vào trung học, ngày một buổi đến trường, buổi còn lại phụ má dệt chiếu khi cha bận. Dệt chiếu có nhiều công đoạn và tưởng chừng rất khó nhưng với những người con lớn lên trong cái nôi nghề dệt chiếu sẽ cảm thấy dễ thực hiện. Tôi có thể làm các công đoạn từ chẻ lác, phơi, nhuộm, chắp trân, kéo sợi, dập khung, chuồi, xén bìa chiếu, trừ khâu cắt lác vì phải cầm cái phảng rất nguy hiểm. Công tâm mà nói, nghề dệt chiếu tuy dễ nhưng không phải ai làm cũng được, nó đòi hỏi người thợ phải yêu nghề, kiên nhẫn thì mới ngồi dệt mấy tiếng đồng hồ liền.

Những ngày hè, tôi cùng đứa bạn ở xóm đi phụ việc ở nhà cô Ba thu mua chiếu. Việc của hai đứa là cắt những sợi lác còn thừa để bề mặt chiếu phẳng phiu hơn và dùng cây ghim để đưa những sợi trân dư giấu vào trong. Thù lao cho mỗi đôi chiếu hoàn thành là 500 đồng. Số tiền kiếm được, tôi thường bỏ ống heo để mua quần áo và sách vở cho năm học mới.

Người dân quê tôi vốn không khá giả khi sống bằng nghề dệt chiếu nhưng đủ để trang trải những sinh hoạt phí thường nhật. Gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Khi tôi lên đại học, má cũng đã vào công ty, cha đi phụ hồ nhưng họ vẫn bám trụ với nghề chiếu. Mỗi tối, cha má thường dành mấy tiếng cùng nhau dệt thêm đôi chiếu để gom góp, cuối tháng gửi tiền lên cho tôi ăn học.

Thời đó, nghề dệt chiếu đã đem lại cuộc sống ổn định hơn cho nhiều hộ gia đình ở quê tôi nên có thời điểm, nhà nhà, người người đổ xô dệt chiếu. Hiện nay, quê tôi chuyển đổi công nghiệp hóa, diện tích đất trồng lác bị thu hẹp, nhiều người bỏ nghề khiến nghề dệt chiếu lác mai một dần. Dẫu biết rằng nghề dệt chiếu lác quê tôi không còn như trước đây nhưng trong tôi vẫn luôn đau đáu nỗi nhớ về tuổi thơ êm đềm bên làng nghề truyền thống gần gũi, thân thương.

Tuổi thơ tôi đã từng lớn lên theo tiếng kêu ro ro từ ống bã chắp trân, tiếng lách cách của cây chuồi những khi gõ vào khung dạo, tiếng thình thịch từ chiếc khung dệt chiếu. Tất cả những thanh âm ấy đã trôi vào quá vãng nhưng không ngăn được nỗi nhớ quay quắt trong tôi. Có lẽ, một khi gắn bó với cái gì đó quá lâu, người ta không thể quên được, vì đó là cả tuổi thơ và thanh xuân./.

Đặng Hoàng An

Nguồn: https://baolongan.vn/nho-nghe-det-chieu-que-toi-a168262.html