Cư dân ‘nhà quan tài’ cố thủ vì sợ virus corona

Cư dân ‘nhà quan tài’ cố thủ vì sợ virus corona

Hong Kong – Để thoát khỏi cảm giác cầm tù của “căn hộ” rộng 2 m2, Simon Wong thường lang thang cả ngày trong công viên, chỉ trở về nhà buổi tối để ngủ.

Nhưng từ khi thành phố này thông báo bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus corona vào tháng trước, Wong đã nhốt mình trong căn nhà hộp, nơi ông phải bắc thang để leo lên và chỉ rộng vừa đủ để trải một tấm nệm đơn.

Simon Wong đứng trước “căn hộ quan tài” rộng 2 m2 của mình. Ảnh: Reuters.

“Tôi không ra ngoài tí nào, cũng không gặp mặt ai nữa”, người đàn ông thất nghiệp 64 tuổi nói, “Cứ uống xong cốc trà sáng và mua đồ ăn, tôi trở về nhà và thành người ở ẩn, chỉ xem tivi”.

Tới nay, Hong Kong đã có hai ca tử vong trong số hơn 80 ca nhiễm bệnh. Wong đã cắt liên lạc với gia đình nhiều năm trước, không đủ tiền mua khẩu trang hay nước rửa tay. Ông cảm thấy lo sợ hơn cả khi dịch SARS bùng nổ ở thành phố này năm 2003.

“Thời dịch SARS, tôi thậm chí không đeo khẩu trang, vẫn làm việc”, Wong nhớ lại. “Tôi sống trong một chỗ ở như thế này, một khu còn rộng hơn, với 30 người và không ai đeo khẩu trang cả”.

Trung tâm tài chính châu Á này là nơi có tỷ lệ bất bình đẳng cao nhất thế giới, với hơn một triệu trong số gần 7,4 triệu người sống dưới mức nghèo khổ. Hơn 200.000 người đang trú ngụ trong những căn hộ bị chia nhỏ, thường được gọi là những “căn hộ quan tài”, vì chúng quá nhỏ.

Khi dịch nCoV bùng phát, Wong tự nhốt mình trong nhà cả ngày do sợ bị lây nhiễm. Ảnh: Reuters.

Wong sống trong một khu nhà như vậy hai thập niên qua, thỉnh thoảng kiếm sống bằng nghề bảo vệ hoặc phục vụ bàn. Chỗ ở của ông là một trong số 18 “căn hộ quan tài” ngăn với nhau bằng bức tường gỗ dán, chia nhỏ từ một căn hộ ở Mong Kok, vùng phụ cận đông dân nhất của đặc khu hành chính này. Gia tài của Wang là một cái kệ tivi, còn quần áo và những đồ thiết yếu treo nhằng nhịt quanh tường.

Mỗi tháng, giá thuê căn hộ này đã chiếm 2/3 tổng số tiền trợ cấp xã hội 385 HKD của ông. Số còn lại để trả cho 2 bữa ăn mỗi ngày, thường có gạo và thịt lợn.

Những nhu cầu khác, ông tự ứng biến, ví dụ đi vệ sinh ở bệnh viện công hoặc các văn phòng di trú, nơi cung cấp miễn phí cho du khách, và vài ngày mới thay khẩu trang một lần để tiết kiệm.

Leung Hon-Kee, một người dọn phòng khách sạn sống trong một “nhà quan tài” gần một thập kỷ qua, dạo gần đây ít việc hơn hẳn khi khách du lịch không tới. Ông cũng rất khó chịu khi phải nhốt mình trong cái hộp 3 m2, và dành cả ngày để lướt mạng trên điện thoại.

“Mọi việc có vẻ không tốt, nhưng chúng tôi chẳng thể làm gì”, ông nói.

Một trong những nỗi lo lớn của Wong là sống quá gần với các hàng xóm, và một số họ gần đây mới từ Trung Quốc đại lục sang, nơi đang bùng phát dịch mạnh.

“Nếu chúng tôi biết họ ốm nặng, chúng tôi sẽ đuổi họ đi”, ông nói.

Thuận An (Theo Reuters)

Theo Vnexpress.net

Trả lời