Thực phẩm bẩn nhập lậu qua một số tỉnh biên giới gia tăng những tháng cuối năm

Thực phẩm bẩn nhập lậu qua một số tỉnh biên giới gia tăng những tháng cuối năm

(VietQ.vn) – Những tháng cuối năm là thời điểm các mặt hàng thực phẩm nhập lậu đóng hộp, thực phẩm khô tập trung vận chuyển qua biên giới gia tăng và phức tạp, điển hình là một số tỉnh biên giới phía Bắc.

Thực phẩm “bẩn” thẩm lậu qua các tỉnh biên giới 

Bên cạnh các hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, thực phẩm được quản lý, kiểm tra theo quy định (chính ngạch) hoặc hàng hóa trao đổi cư dân biên giới (tiểu ngạch), vẫn còn một lượng không nhỏ thực phẩm “bẩn” thẩm lậu qua các tỉnh biên giới.

Theo ghi nhận, Tết Nguyên đán đang tới gần, trên thị trường đã tấp nập các loại hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước nhất là thực phẩm. Trong đó một số tỉnh biên giới luôn là điểm nóng để đối tượng nhập lậu, vận chuyển thực phẩm “bẩn” vào nội địa phục vụ Tết. Đến thời điểm này, trái cây, thực phẩm khô, đóng hộp, hải sản là mặt hàng nhập lậu nhiều nhất qua đây.

Để mang vác được thực phẩm “bẩn” vào nội địa, các đầu nậu đều thuê người canh giữ ở những nơi có lực lượng tuần tra, chốt kiểm soát. Lợi dụng vào giờ giao ca, hoặc đêm tối, khi thấy có khả năng an toàn, chúng thông báo bằng bộ đàm cho đối tượng vận chuyển để đưa hàng vào nội địa.

Địa bàn trọng điểm là khu vực kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu cư dân biên giới, điểm thông quan cửa khẩu quốc tế, các điểm nhạy cảm trên tuyến biên giới; các kho hàng giáp biên giới, trong khu công nghiệp, khu dân cư; các điểm có hoạt động vận chuyển, chuyển phát hàng hóa, bến xe, chợ trung tâm, chợ đầu mối, chợ phiên…Thực tế thời gian gần đây lực lượng chức năng một số tỉnh biên giới đã phát hiện và thu giữ lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. 

Điển hình, tại tỉnh Quảng Ninh, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại khu vực bản Vắn Tốc, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Quảng Đức phát hiện, xe tải biển kiểm soát 14H-028.83, do Nguyễn Văn Việt (sinh năm 1993, trú tại khu Gềnh Võ, thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà) làm chủ phương tiện, đang tập kết hàng hóa lên xe. Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện có 65 bao tải, bên trong là thùng xốp chứa nầm lợn đông lạnh, với tổng trọng lượng là gần 2 tấn. Tiếp tục kiểm tra hàng hóa trong nhà dân, phát hiện 94 bao tải chứa gần 3,3 tấn nầm lợn đông lạnh. Tổng trọng lượng nầm lợn đông lạnh thu giữ là hơn 5 tấn. Chủ phương tiện không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ số hàng hóa nêu trên. Hiện vụ việc đang được các cán bộ Đồn Biên phòng Quảng Đức hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo quy định.

Thực phẩm bẩn nhập lậu qua biên giới từ nay tới Tết Nguyên đán sẽ ngày càng gia tăng. Ảnh: Thái Bình

Cũng tại tỉnh Quảng Ninh, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vạn Gia, Cục Hải quan tỉnh phối hợp với Công an TP Móng Cái bắt giữ vụ vận chuyển trái phép 160kg nầm lợn đông lạnh tại khu vực bến cảng Vạn Gia thuộc thôn 3, xã Vĩnh Thực, TP Móng Cái. Tại thời điểm kiểm tra, đối tượng vận chuyển không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của hàng hóa. 

Hay tại khu vực bờ sông biên giới thuộc thôn Lục Chắn, xã Hải Sơn (TP Móng Cái), Đội đặc nhiệm Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP tỉnh phối hợp với Đồn Biên phòng Pò Hèn, Công an xã Hải Sơn (Công an TP Móng Cái) bắt giữ nhóm đối tượng vận chuyển, tập kết hơn 1,7 tấn trứng gà non đông lạnh có nguồn gốc từ Trung Quốc vào nội địa tiêu thụ.

Tình trạng nhập lậu thực phẩm cũng gia tăng tại tỉnh biên giới Lào Cai. Cụ thể, mới đây tại khu vực tỉnh lộ 156B, thuộc địa phận thôn An Thành, xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, Đội Quản lý thị trường số 2 phát hiện xe ô tô tải biển kiểm soát 34C-358.57, di chuyển theo hướng thành phố Lào Cai đi huyện Bát Xát vận chuyển 180 bao tải nhựa, bên trong chứa 3.240 kg chân gà, tai lợn, chân lợn đông lạnh đang trong quá trình phân hủy, bốc mùi hôi thối nồng nặc. 

Còn tại tỉnh Cao Bằng, Đội Quản lý thị trường số 5 đã tiến hành kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát (BKS) 11C-0xx.xx và thu giữ 800kg chân giò lợn không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Làm việc với cơ quan chức năng, ông N.V.Q, người điều khiển chiếc xe ô tô trên khai nhận lô hàng này được ông mua của một số người không rõ tên, địa chỉ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng để vận chuyển vào địa bàn các huyện biên giới bán kiếm lời.

Nắm sát biên giới, Tỉnh Lai Châu cũng không tránh khỏi tình trạng nhập lậu thực phẩm không rõ nguồn gốc qua biên giới. Vụ việc mới đây nhất được Cục Quản lý thị trường tỉnh Lai Châu phát hiện trên xe ô tô khách mang biển kiểm soát 25F- 000.04 vận chuyển hàng hóa gồm 150 gói xúc xích loại 2kg và 248 gói chả cá loại 2,5kg, tổng trọng lượng là 920 kg. Toàn bộ số hàng hóa trên đã chảy nước, có nấm mốc không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; trên bao bì hàng hóa không có thông tin căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất.

Nói không với thực phẩm bẩn

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, những thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản, chế biến theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ dễ gây ra các nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Việc sử dụng thực phẩm không an toàn có thể gây ra các triệu chứng cấp tính tức thời như: đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm… Về lâu dài, việc tiêu thụ các thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa trong cơ thể và dễ gây ra các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, béo phì…Đặc biệt, các chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng… còn tồn dư trong các loại thực phẩm không nguồn gốc sẽ từ từ ngấm vào cơ thể, sau đó tích tụ lại gây bệnh ung thư.

Với thực trạng nhu cầu sử dụng thực phẩm ngày càng cao của con người thì vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm càng trở nên báo động hơn bao giờ hết. Việt Nam cũng là một trong những nước có số lượng người mắc bệnh ung thư cao và một trong nhiều nguyên nhân chính là thực phẩm ăn hàng ngày của con người.

Các hóa chất độc hại như thuốc bảo vệ thực vật (thuốc trừ sâu, trừ bệnh và thuốc trừ cỏ dại…), kim loại nặng, các vi sinh vật gây bệnh có trong các loại rau quả hoặc các chất kháng sinh, chất tăng trọng có trong thịt cá sẽ tích lũy dần trong các mô mỡ, tủy sống… của con người là tiền đề để phát sinh các loại bệnh tật như ung thư, loãng xương, suy giảm trí nhớ và thoái hóa xương khớp.

Trong thực tế hàng ngày vẫn diễn ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Nhẹ thì buồn nôn, chóng mặt, đi ngoài, đau đầu… khi bị nặng mới vào viện cấp cứu. Vì vậy các bệnh viện mới chỉ thống kê được các vụ ngộ độc thực phẩm nặng (cấp tính), ngoài ra còn vô vàn các vụ ngộ độc thực phẩm nhẹ hoặc mãn tính diễn ra hàng ngày thì không cơ quan, đơn vị nào thống kê được.

Bên cạnh đó, một số cửa hàng ăn uống sử dụng các loại gia vị, phẩm mầu không được phép của Bộ Y tế để chế biến các món ăn rất “hấp dẫn” người tiêu dùng. Đó là nguyên nhân phát sinh và lan truyền dịch bệnh trong cộng đồng. Ngoài ra, các loại thực phẩm thiết yếu khác cũng chứa đựng nhiều nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người tiêu dùng.

Các loại rượu dùng hàng ngày do các gia đình tự nấu và pha chế, rượu giả ở các cửa hàng ăn uống chứa độc tố methanol ở liều lượng cao gấp hàng chục lần cho phép (độc tố này chứa nhiều trong rượu sắn và cồn công nghiệp, khi uống bị đau đầu và suy giảm thị lực) mà các phương tiện thông tin đại chúng đã cảnh báo.

Các loại hải sản, bánh kẹo, nước mắm, bún, bánh phở… chứa Foormol mà người chế biến và buôn bán đã dùng để bảo quản thực phẩm để tránh ôi thiu và nấm mốc. Đây là một hoá chất cực kỳ độc hại, có thể gây ung thư dạ dày và ung thư phế quản.

Ngoài ra, các loại sữa tươi, sữa bột được nhập lậu từ Trung Quốc chứa một lượng lớn melamine (mà các phương tiện thông tin đại chúng đã có một thời nên tiếng) là nguyên nhân gây sỏi thận và ung thư, hàng ngày vẫn được tiêu dùng với số lượng lớn, chủ yếu dùng cho trẻ em và người bị bệnh.

Trong những năm qua, nhà nước và các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như tạo hành lang pháp lý để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. Song vấn đề kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn và bất cập cả về con người lẫn phương tiện giám định đồng bộ thực phẩm.

Vì vậy, để không ngừng nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm thì phải không ngừng mở rộng và nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về ý nghĩa của an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sức khoẻ con người.

An Dương (T/h)

Nguồn: https://vietq.vn/da-nang-thu-hoi-tem-truy-xuat-thuc-pham-doi-voi-cong-ty-co-phan-vua-mien-trung-d216754.html