Bệnh nhân 20 tuổi ở TP HCM mắc bạch hầu, cách ly ngay 16 người tiếp xúc gần: Những điều cần biết về căn bệnh nguy hiểm, dễ lây lan này!

Bệnh nhân 20 tuổi ở TP HCM mắc bạch hầu, cách ly ngay 16 người tiếp xúc gần: Những điều cần biết về căn bệnh nguy hiểm, dễ lây lan này!

Thiên An |

(Tổ Quốc) – Những người mắc bạch hầu dễ gặp các biến chứng như viêm tai giữa, viêm phổi do liệt cơ hoành, liệt tay, liệt chân, viêm cơ tim nếu độc tố ngấm vào máu… Tỷ lệ tử vong khi nhiễm bệnh là 5-10%.

Tối 25/6,Trung tá, BS Phan Bá Hiếu – Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) xác nhận nơi đây vẫn đang điều trị cho một trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu. Bệnh nhân 20 tuổi đã được đưa vào bệnh viên trong tình trạng sốt, đau họng, khó thở, hàm sưng to. Đây là các dấu hiệu điển hình của bệnh bạch hầu.

Kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur sau đó đã khẳng định bệnh nhân nhiễm bệnh bạch hầu. Hiện tại sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định và đang được theo dõi diễn tiến bệnh tại bệnh viện. Tất cả 16 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân cũng đã được cách ly, các nhân viên y tế và bệnh nhân cùng phòng đã được kiểm tra và uống thuốc dự phòng.

Bệnh bạch hầu là một bệnh do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, thường xuất hiện trong những tháng lạnh ở vùng ôn đới. Bệnh dễ lây truyền qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng, vết thương hở, dùng chung đồ cá nhân của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Bệnh có tính mùa, thường tản phát và có thể bùng thành dịch, nhất là đối với trẻ dưới 15 tuổi chưa được gây miễn dịch đầy đủ. Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta. Do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và tiếp xúc với mầm bệnh.

1. Các triệu chứng điển hình của bệnh bạch hầu

Các dấu hiệu và triệu chứng bạch hầu thường bắt đầu từ hai đến năm ngày sau khi bị nhiễm bệnh như sau :

– Giả mạc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám, đen, dai, dính, dễ chảy máu.

– Đau họng và khàn giọng

– Sưng hạch bạch huyết ở cổ

– Khó thở hoặc thở nhanh

– Chảy nước mũi

– Sốt và ớn lạnh

– Khó chịu

Ở một số người, nhiễm vi khuẩn bạch cầu chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ, không rõ ràng vì thể những người nhiễm bệnh không biết và có thể lây truyền bệnh cho cộng đồng.

2. Biến chứng nguy hiểm của bệnh bạch cầu

– Vấn đề về thở: Vi khuẩn gây bệnh bạch hầu có thể tiết độc tố và độc tố này gây tổn thương mô ở khu vực nhiễm trùng ngay lập tức – thường là mũi và cổ họng. Tại vị trí đó, nhiễm trùng tạo ra một màng cứng màu xám bao gồm các tế bào chết, vi khuẩn và các chất khác. Màng này có thể cản trở hô hấp.

Một số biến chứng khác như viêm tai giữa, viêm phổi do liệt cơ hoành… Khi bệnh tiến triển nặng lên, có thể xuất hiện các triệu chứng như khó thở, khó nuốt, thay đổi thị lực, nói lắp…

– Đau tim: Độc tố bạch hầu có thể lây lan qua dòng máu và làm tổn thương các mô khác trong cơ thể, chẳng hạn như cơ tim, gây ra các biến chứng như viêm cơ tim. Tổn thương tim do viêm cơ tim có thể nhẹ, biểu hiện là những bất thường nhỏ trên điện tâm đồ hoặc nghiêm trọng dẫn đến suy tim sung huyết và đột tử.

– Tổn thương thần kinh: Độc tố cũng có thể gây tổn thương thần kinh. Mục tiêu điển hình là dây thần kinh ở cổ họng gây khó nuốt, nếu ở cánh tay và chân cũng có thể bị viêm, gây yếu cơ. Nếu độc tố Corynebacterium diphtheriae làm tổn thương các dây thần kinh giúp kiểm soát các cơ hô hấp, các cơ này có thể bị tê liệt.

Về điều trị, hầu hết những người mắc bệnh bạch hầu đều sống sót sau những biến chứng này, nhưng quá trình phục hồi thường chậm. Bạch hầu gây tử vong ở khoảng 3% những người mắc bệnh.

3. Biện pháp phòng ngừa

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td đầy đủ, đúng lịch.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

5. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Đặc biệt, người dân cần chú ý: Khi có những biểu hiện nghi bạch hầu như sốt, đau họng, xuất hiện giả mạc trắng xám trong họng, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám, phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Riêng người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vaccine phòng bệnh, hạn chế tụ tập đông người theo yêu cầu của cơ quan y tế.

Tham khảo Medlatec.vn, Vinmec.com

Theo ttvn.toquoc.vn

Trả lời