Chết chóc hơn cả Thế chiến
Các đánh giá toàn cầu về các nạn nhân của dịch cúm Tây Ban Nha rất lệch nhau. Trong tài liệu, con số 50 triệu và thậm chí 100 triệu người, tương ứng với 3 và 6% tổng dân số Trái Đất vào thời điểm đó, thường được trích dẫn. Tháng 12/2018, nhân kỷ niệm 100 năm đại dịch, một nhóm bác sĩ do P. Spreuvenberg dẫn đầu đã công bố một nghiên cứu trên Tạp chí Dịch tễ học Mỹ, trong đó đặt câu hỏi về ước tính cao số lượng nạn nhân của bệnh cúm Tây Ban Nha. Theo tính toán của các nhà khoa học này, có thể tin chắc rằng có tới 17 triệu người chết vì bệnh cúm Tây Ban Nha trong năm 1917-1920.
Bệnh cúm Tây Ban Nha từng giết chết hàng chục triệu người trong vòng chưa đầy một năm. Nguồn: topwar.ru
Nhưng ngay cả con số này cũng rất lớn – thứ nhất, nó vẫn nhiều hơn số nạn nhân của Thế chiến I (1914-1918) – 10 triệu; thứ hai, đây là 1% dân số thế giới. Tỷ lệ tử vong rất khác nhau giữa các quốc gia khi ở châu Âu, tỷ lệ này cao nhất tại vùng Balkan với từ 2 – 4%; ở châu Á, tại Iran (8% dân số tử vong), Afghanistan (6%) và Ấn Độ (5 – 7%); ở châu Phi – thuộc địa của Anh ở Bắc Rhodesia (Zambia ngày nay) với 21% dân số tử vong; ở Mỹ Latin, dịch cúm Tây Ban Nha khiến nhiều người tử vong nhất là ở Mexico (7% dân số), tại đảo Samoa ở châu Đại Dương (23% dân số tử vong).
Tuy nhiên, cũng có những quốc gia bị cúm Tây Ban Nha tương đối ít – ở Argentina, chỉ 0,1% dân số tử vong trong khi con số này ở Australia là 0,2%, ở Nhật Bản là 0,4%. Có những khu vực biệt lập riêng biệt (đảo Marajoo ở đồng bằng sông Amazon, đảo Saint Helena), dịch bệnh không xâm nhập. Các ước tính đối với Nga, nơi cuộc nội chiến đang hoành hành vào thời điểm đó, chênh lệch rất lớn: Từ 0,4% (đưa Nga nằm trong số các nước ít bị ảnh hưởng nhất bởi dịch cúm Tây Ban Nha) đến 2% dân số.
Dịch cúm bắt nguồn từ đâu?
Tổng số người nhiễm cúm Tây Ban Nha được các bác sĩ ước tính vào khoảng nửa tỷ người. Đó là 30% dân số thế giới vào thời điểm đó. Do đó, tỷ lệ tử vong do cúm Tây Ban Nha, theo các số liệu trên, dao động từ 3,5% đến 20% tổng số người mắc bệnh. Trong đại dịch cúm Tây Ban Nha, có hai đợt, dường như được phân biệt bởi các chủng virus. Đợt đầu tiên, được quan sát vào mùa xuân và mùa hè năm 1918 ở một số nước châu Âu và đồng thời được gọi là bệnh cúm Tây Ban Nha, tương đối nhẹ.
Làn sóng thứ hai tấn công các trung tâm lớn nhất của nền văn minh vào tháng 10 đến tháng 11/1918 và được đặc trưng bởi tỷ lệ tử vong cao nhất. Cho đến nay, giữa các nhà khoa học trên thế giới vẫn đang tranh cãi về nơi xuất hiện đầu tiên của virus “cúm Tây Ban Nha”. Các báo cáo đầu tiên về dịch bệnh đến từ Tây Ban Nha, được coi là hệ quả của việc báo chí Tây Ban Nha vào năm 1918 là một trong những nền báo chí tự do nhất ở châu Âu và Bắc Mỹ, vì nước này không tham gia vào Thế chiến I.
Ở nước này không có kiểm duyệt quân sự, mà ở hầu hết các nước khác đều cấm báo chí đăng báo về các hiện tượng tiêu cực. Nhưng hiện nay hầu hết các nhà khoa học đều tin rằng bệnh cúm Tây Ban Nha bắt nguồn từ Mỹ và được đưa đến châu Âu bởi những người lính Mỹ. Bệnh đến Tây Ban Nha từ Pháp, nơi có nhiều người Tây Ban Nha đến làm việc.
Có những ý kiến khác về tâm điểm tự nhiên của “bệnh cúm Tây Ban Nha”. Theo một tác giả, loại virus này đã xuất hiện ở Trung Quốc, và sớm hơn nhiều. Tỷ lệ tử vong thấp của người Trung Quốc từ đó được giải thích bởi thực tế là phần lớn dân số đã có khả năng miễn dịch. Các nhà nghiên cứu cũng đã tìm thấy bằng chứng về sự hiện diện của căn bệnh này trong quân đội Áo ngay từ năm 1917.
Nạn nhân là những người trẻ và khỏe
Trái ngược hoàn toàn với hầu hết các đại dịch cúm, bao gồm cả virus SARS-CoV-2 năm 2020, 99% người chết vì cùm Tây Ban Nha dưới 65 tuổi và hơn 50% ở độ tuổi từ 20 – 40, những người khỏe mạnh và trong độ tuổi sinh sản. Có một số nỗ lực để giải thích nghịch lý cúm Tây Ban Nha này. Giả thuyết đầu tiên liên quan đến tác động của Thế chiến I. Từ 20 đến 40 tuổi là độ tuổi của những người nhập ngũ. Tình trạng quá tải trong các trại quân sự và trong chiến hào, cộng với hệ thống miễn dịch suy yếu do căng thẳng, được cho là đã dẫn đến gia tăng tỷ lệ tử vong.
Tuy nhiên, giả thuyết này đã phải nhanh chóng bị bác bỏ. Thứ nhất, tỷ lệ tử vong cao do cúm Tây Ban Nha ở độ tuổi 20 – 40 là đặc điểm không chỉ của nam giới mà cả phụ nữ. Thứ hai, nó không chỉ hiện diện ở những người đã chiến đấu, mà còn ở các nước trung lập, không chỉ trong quân đội, mà còn trong dân thường. Quan trọng nhất, bức tranh về căn bệnh này không xác nhận giả thuyết khả năng miễn dịch suy yếu như một yếu tố gây tử vong. Ngược lại, hầu hết các trường hợp tử vong ở bệnh cúm Tây Ban Nha là do phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch.
Virus cúm Tây Ban Nha hiện được cho là đã gây ra hội chứng bão “cytokine” mà về bản chất là cơ thể bắt đầu sản xuất một lượng bạch cầu dư thừa, kích thích sự hình thành các tế bào cytokine mới, do đó, sản xuất ra nhiều bạch cầu hơn. Quá trình này giống như một phản ứng dây chuyền. Sự hình thành các tế bào mới nằm ngoài tầm kiểm soát của hệ thống miễn dịch. Sự phá hủy các mô bị tấn công bởi lượng bạch cầu dư thừa bắt đầu.
Hầu hết các trường hợp tử vong vì cúm Tây Ban Nha xảy ra với các triệu chứng xuất huyết phổi. Khám nghiệm tử thi cho thấy mô phổi bị phân hủy nhưng lúc đó người ta không biết cách điều trị bệnh viêm phổi, vì không biết thuốc kháng sinh.
Ngộ độc aspirin – một yếu tố bổ sung gây tử vong
Năm 2009, Tiến sĩ Karen Starko đã công bố một nghiên cứu trên “Tạp chí Tử vong do nhiễm trùng lâm sàng” của Đại học Oxford làm sáng tỏ nguyên nhân gây tử vong cao ở bệnh cúm Tây Ban Nha. Năm 1918, bác sĩ phẫu thuật chính quân đội Mỹ Merritt Weber Ireland chính thức khuyến cáo cấm aspirin liều lượng lên đến 31 gram mỗi ngày đối với các quân nhân bị nhiễm cúm Tây Ban Nha.
Phương pháp điều trị này sau đó đã được Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ chấp thuận. Những tác hại của aspirin liều cực cao không được các bác sĩ biết đến vào thời điểm đó. Theo Starko, 33% bệnh nhân dùng aspirin liều như vậy bị tăng thông khí ở phổi, trong đó 1/10 dẫn đến phù phổi. Tổng cộng, 57.000 binh sĩ Mỹ đã chết vì phác đồ “điều trị” này – nhiều gấp rưỡi so với con số đã chết trên mặt trận của Thế chiến I.
Giả thuyết của Starko đã bị chỉ trích. Người ta chỉ ra rằng tỷ lệ tử vong cao nhất do cúm Tây Ban Nha đã được quan sát thấy ở những quốc gia không dùng aspirin vào thời điểm đó. Nhưng điều đó không bác bỏ được thực tế là trong trường hợp cụ thể này, tức là trong quân nhân và dân thường của Mỹ, tỷ lệ tử vong do cúm Tây Ban Nha (675.000 người, tương đương 0,6% dân số) có thể đã thấp hơn, nếu không có những phác đồ điều trị như vậy./.