Nguy cơ mất an toàn vệ sinh từ thực phẩm từ món ‘nhà làm’ ngày Tết

Nguy cơ mất an toàn vệ sinh từ thực phẩm từ món ‘nhà làm’ ngày Tết

(VietQ.vn) – Việc mua bán thực phẩm Tết “nhà làm” đang trở thành xu hướng trong những năm gần đây. Tuy nhiên bên cạnh sự tiện lợi thì những sản phẩm này khó đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tết là dịp để mọi người được quây quần bên nhau, bên cạnh những khoảng thời gian chia sẻ những câu chuyện vui buồn trong năm, đây còn lúc để mọi người được nghỉ ngơi, nạp năng lượng, ăn uống “thả phanh” sau một năm dài làm việc vất vả… Ngược lại, nếu không cẩn thận, hậu quả của những vụ ngộ độc thực phẩm tết không hề nhỏ. Một trong những nỗi lo đó chính là dòng thực phẩm “nhà làm” đang được rao bán tràn lan ngày cận Tết Nguyên đán 2022.

Thận trọng với những loại thực phẩm “nhà làm” phục vụ Tết. Ảnh: Thanh Niên

Theo ghi nhận của báo Thanh Niên, tại Hà Nội, trước rằm tháng Chạp, các sản phẩm “handmade” (nhà làm) cho vụ Tết bắt đầu được chào bán nhộn nhịp trên các chợ online.

Đơn cử như mứt dừa đang được bán với nhiều mức giá khác nhau, dao động từ 240.000 – 350.000 đồng/kg; ô mai mơ, mận, quất dẻo giá 280.000 – 300.000 đồng/kg; chuối sấy 190.000 đồng/kg; mứt sen 220.000 đồng/kg; mứt gừng 150.000 đồng/kg…

Ngoài bánh mứt kẹo, các loại thực phẩm đặc sản vùng miền cũng bắt đầu nhận đơn hàng Tết. Trong đó, bò khô giá từ 700.000 – 1,1 triệu đồng/kg, trâu khô 1 triệu đồng/kg, khô gà 360.000 – 380.000 đồng/kg, lạp sườn giá từ 450 – 480.000 đồng/kg…

Chị Trần Phương Mai, chuyên bán thực phẩm online cho hay: “Bình thường tôi chuyên bán thực phẩm chế biến sẵn, tết thì có nhận thêm lạp sườn, thịt trâu, thịt lợn khô, măng khô… đặc sản Tây Bắc về bán. So với tết năm ngoái, đến thời điểm này giá cả hầu như không tăng, nếu có cũng chỉ tăng nhẹ 10.000 đồng/kg”.

Điểm chung của các sản phẩm này đều được giới thiệu hàng thủ công “nhà làm” hoặc lấy mối quen uy tín, nguyên liệu tươi, không chất phụ gia, không phẩm màu độc hại. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm không hề có nhãn mác, không đăng ký chất lượng sản phẩm, không địa chỉ liên hệ, không hạn sử dụng… nhưng vẫn được chào bán nhộn nhịp.

Trên thực tế, khách hàng mua online chủ yếu mua bằng niềm tin, qua lượng tương tác lớn hoặc lời giới thiệu của bạn bè, người thân, chứ chưa có cơ quan nào kiểm định chất lượng. Vì vậy, không ít khách hàng tỏ ra thất vọng khi mua phải hàng không như quảng cáo.

Chị Bích Hiền, nhân viên văn phòng ở Q. Ba Đình, chia sẻ: “Tôi mua thử mứt dừa của một cửa hàng online với giá 340.000 đồng/kg. Người bán quảng cáo loại mứt dừa ít ngọt, siêu dẻo nhập từ mối nghệ nhân nổi tiếng ở Bến Tre, mỗi mùa Tết chỉ dành cho mối quen với số lượng rất hạn chế. Thế nhưng, khi nhận hàng, ngoài hút chân không, túi mứt dừa không hề có nhãn mác, địa chỉ chứng tỏ do nghệ nhân làm. Ăn thử cũng bình thường như mứt bán trên thị trường, không có gì đặc biệt, còn giá thì đắt hơn đến 40.000 đồng/kg”.

Liên quan tới loại thực phẩm trên, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm cho biết, đa số các cơ sở sản xuất quy mô lớn hoặc các doanh nghiệp đều có ý thức gìn giữ thương hiệu, chất lượng sản phẩm nên ý thức chấp hành các quy định ATTP. Đáng lo nhất hiện nay là thực phẩm chế biến ở quy mô xưởng sản xuất gia đình, người dân tự chế biến để bán như nhiều sản phẩm mứt, cá kho, giò chả… bán khắp cả nước thông qua mạng xã hội. Người chế biến sản phẩm không được tập huấn về kiến thức, nơi chế biến khó đảm bảo những quy chuẩn đảm bảo ATTP…

Ông Thịnh phân tích thêm, những cơ sở hộ gia đình kiểu này thường có vi phạm phổ biến là hoạt động kinh doanh nhưng không khai báo, trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế và không đăng ký về đảm bảo an toàn và chất lượng của sản phẩm thực phẩm tự chế biến là mối nguy ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe của người tiêu dùng. Trên thực tế, những cơ sở này không được quản lý, giám sát chặt chẽ từ các cơ quan địa phương.

Còn theo khuyến cáo của Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), để thực hiện hiệu quả việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết và lễ hội mùa Xuân, người dân nên chủ động phòng ngừa cho mình và người thân bằng cách từ bỏ thói quen sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm ở các cơ sở không bảo đảm an toàn. Ngày Tết không nên mua thực phẩm quá nhiều để lưu trữ lâu; bảo quản thực phẩm phải đúng cách. Khi thực phẩm đưa từ tủ lạnh ra chế biến phải được nấu chín kỹ trước khi ăn..

 An Dương (T/h)

Nguồn: https://vietq.vn/nguy-co-mat-an-toan-ve-sinh-tu-thuc-pham-nha-lam-ngay-tet-d196335.html