Bệnh dại bùng phát tại tỉnh Bến Tre, số ca tử vong đứng đầu cả nước

Bệnh dại bùng phát tại tỉnh Bến Tre, số ca tử vong đứng đầu cả nước

(VTC News) – Hiện, Bến Tre là địa phương đứng đầu cả nước về số ca tử vong do bệnh dại, dịch bệnh này đang có nguy cơ bùng phát tại tỉnh này.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, cả nước có 43 người tử vong do mắc bệnh dại, trong đó, tỉnh Bến Tre có đến 12 ca, nhiều nhất cả nước.

Ở 7/9 huyện, thành phố của tỉnh đều xuất hiện bệnh này.

Riêng bệnh dại trên chó mèo, toàn tỉnh đã ghi nhận 8/8 mẫu bệnh phẩm dương tính (TP Bến Tre có 3 mẫu; huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Nam mỗi nơi có 2 mẫu và huyện Châu Thành 1 mẫu).

Bệnh dại bùng phát tại tỉnh Bến Tre, số ca tử vong đứng đầu cả nước - 1

Người dân tỉnh Bến Tre có thói quen nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vaccine nên khi bị chó cắn dễ dàng gây bệnh dại cho người.

Năm ngoái, tỉnh Bến Tre còn phát hiện hơn 11.490 người phơi nhiễm với virus dại tại các điểm tiêm ngừa; riêng trong 8 tháng qua có đến hơn 11.230 ca phơi nhiễm. Hiện nay, virus gây bệnh dại đã lưu hành trong cộng đồng và có nguy cơ bùng phát.

Theo các ngành chức năng, nguyên nhân số ca mắc bệnh dại tại tỉnh Bến Tre tăng cao nhất cả nước là thời gian qua, địa phương tập trung công tác phòng, chống dịch COVID-19 nên có phần lơ là, chưa quan tâm thích đáng tới việc phòng, chống bệnh dại.

Toàn tỉnh có hơn 200.000 con chó, mèo nhưng tỷ lệ tiêm phòng hiện nay chỉ đạt hơn 47% so tổng đàn; người dân còn có thói quen nuôi chó mèo thả rông, không tiêm phòng và kiểm tra vật nuôi khi mắc bệnh dại. Một số trường hợp bị chó mèo cắn không đi đến cơ sở y tế điều trị dự phòng, mà xử lý theo các biện pháp dân gian…

Ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho rằng: “Tâm lý của người dân, chính quyền cơ sở cũng còn chủ quan lơ là nên để xảy ra các trường hợp tử vong trong thời gian qua. Trong thời gian tới, nguy cơ bệnh dại vẫn còn có khả năng bùng phát tại những ổ dịch cũ, do mầm bệnh đã lưu hành rộng rãi trong môi trường. Nhận thức về phòng bệnh đối với một số người nuôi chưa cao, tỷ lệ đàn chó mèo tiêm phòng còn thấp không đáp ứng miễn dịch. Hiện tại, virus gây bệnh dại đã lưu hành trên địa bàn 9/9 huyện, thành phố. Phần lớn chó cắn người gây tử vong là chó thả rong, không được tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại”.

Bệnh dại bùng phát tại tỉnh Bến Tre, số ca tử vong đứng đầu cả nước - 2

Tiêm phòng vaccine cho đàn chó, mèo là biện pháp quan trọng để phòng chống bệnh dại

Còn theo ông Nguyễn Văn Long, Quyền Cục Trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), bệnh dại ở Bến Tre tuy ở mức cao nhưng nếu làm tốt công tác quản đàn vật nuôi, tăng cường công tác tiêm phòng thì có thể khống chế.

“Số lượng người chết vì bệnh dại tăng ở Bến Tre, theo chúng tôi có các nguyên nhân như tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó rất thấp, giai đoạn trước chỉ có hơn 20%. Nguyên nhân thứ 2 là thời gian qua, Bến Tre chưa giám sát chủ động, đặc biệt là chưa lấy mẫu giám sát theo mô hình IBCM, cho nên chưa kịp thời phát hiện các trường hợp nguy cơ để triển khai xử lý. Thời gian tới, Cục Thú y sẽ phối hợp Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh Bến Tre khắc phục việc này.  Trong các năm tiếp theo phải quản lý được đàn chó trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh tiêm khoảng 70%”, ông Long nói. 

Để đẩy lùi bệnh dại, bảo vệ an toàn tính mạng người dân, tỉnh Bến Tre đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng về bệnh này, có trách nhiệm trong việc chăm sóc quản lý đàn chó mèo; tập huấn cho 360 cán bộ nhân viên thú y, các đoàn thể về công tác phòng chống, bệnh dại.

Ngoài sự hỗ trợ 10.000 liều vaccine của tổ chức FAO, Bến Tre còn chủ động mua thêm 40.000 liều để tiêm phòng cho đàn chó, mèo. Đặc biệt, địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình dân vận khéo: “Tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức về phòng chống bệnh dại, chủ động tiêm phòng vaccine dại cho đàn vật nuôi” đối với cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên ở cơ sở. Qua đó có 70% đối tượng này đã tự giác tiêm phòng vaccine dại cho chó, mèo. Qua mô hình này, đã nhân rộng ra quần chúng nhân dân cùng hưởng ứng.

Bệnh dại bùng phát tại tỉnh Bến Tre, số ca tử vong đứng đầu cả nước - 3

Người dân tỉnh Bến Tre đưa thú cưng đi tiêm phòng.

Bà Mai Thị Hồng, người dân ở phường 7, TP Bến Tre nuôi 4 con chó kiểng cho biết, cứ 6 tháng là mua vaccine về tiêm phòng cho đàn chó nên rất yên tâm dù bệnh dại có nguy cơ bùng phát.

Bà Hồng chia sẻ: “Tiêm phòng rất cần thiết cho chó với người luôn. Mình mua vaccine về tiêm cho chó, chó đã tiêm ngừa ổn định, mình lỡ bị cắn cũng không có mang bệnh dại cho người”.

Ngành thú y tỉnh Bến Tre là đơn vị chủ công trong công tác phòng chống bệnh dại trên đàn vật nuôi, nhất là công tác quản lý đàn chó mèo, tổ chức tiêm phòng vaccine và lấy mẫu xét nghiệm tầm soát bệnh dại.

Toàn tỉnh đã có 7 ổ dịch bệnh dại cấp xã đang được cơ quan thú y giám sát ở các xã Phú Túc (huyện Châu Thành), thị trấn và xã Cẩm Sơn (huyện Mỏ Cày Nam), phường 7, phường An Hội (TP Bến Tre), xã Hòa Nghĩa, Vĩnh Thành (huyện Chợ Lách). Đến nay, có 5 ổ dịch đã hoàn thành các giải pháp chống dịch và đã công bố hết dịch.

Về công tác phòng chống bệnh dại, ông Trần Quang Thái, Chi Cục trưởng Chi Cục Chăn Nuôi – Thú y tỉnh Bến Tre cho biết thêm: “Để phòng chống bệnh dại, tỉnh Bến Tre phải quản lý được chó, mèo; người nuôi chó mèo phải tổ chức tiêm phòng triệt để. Từ nay đến năm 2025 phải tiêm phòng đạt tỷ lệ 70%; từ 2025-2030 phải tiêm 80% tổng đàn. Không để vật nuôi thả rông nơi công cộng, đi ra ngoài phải có dây xích, rọ khớp mỏ; đồng thời người bị có cắn tuyệt đối phải đi tiêm phòng, điều trị dự phòng. Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh sẽ tổ chức tiêm phòng các khu vực nguy cơ cao trước, tiêm cho tất cả mèo và chó”.

Bênh dại gây chết người nhưng có thể phòng tránh. Bằng các giải pháp quyết liệt với sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn của Trung ương, sự cộng đồng trách nhiệm của mỗi người dân tin rằng tỉnh Bến Tre sẽ sớm đẩy lùi bệnh dại, đảm bảo cuộc sống yên bình cho nhân dân.

Nhật Trường (VOV-ĐBSCL)