Bí quyết thành công, Quảng bá thương hiệu, Thông tin
Làm giàu từ chanh dây ngọt
Mê nông nghiệp, lão nông Nguyễn Hữu Công (Sáu Công) ở ấp Phụng Sơn, xã Song Phụng, huyện Long Phú đã đem chanh dây ghép với gốc nhãn lồng (cây lạc tiên) cho ra cây chanh dây ngọt “độc nhất, vô nhị” tại tỉnh Sóc Trăng. Hiện nay, chanh dây ngọt mang tên “Sáu Công” nổi tiếng khắp tỉnh, thành trong cả nước và mang về cho ông Sáu Công thu nhập cả tỉ đồng mỗi năm.
Mỗi năm, ông Sáu Công cung cấp 5.000-8.000 nhánh chanh dây ngọt ra thị trường.
Vườn chanh dây ngọt của ông Sáu Công đã được chứng nhận VietGAP, công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. Ông Sáu Công chia sẻ: “Sản phẩm chanh dây ngọt đạt chuẩn OCOP càng khẳng định chất lượng, nguồn gốc nên mới vào được các hệ thống siêu thị của tỉnh, thành, như: Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Ninh Thuận… và chợ đầu mối TP Hồ Chí Minh. Hằng năm, tôi còn được một số tỉnh, thành trong cả nước mời đến để hướng dẫn nông dân trồng chanh dây ngọt… Ðây chính là niềm vui và động lực khiến tôi càng học hỏi, nghiên cứu những giống trái cây độc, lạ”.
Chính vì thích nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp nên không chỉ tạo ra sản phẩm chanh dây ngọt “độc nhất, vô nhị”, ông Sáu Công còn là người đầu tiên ứng dụng công nghệ tưới phun tự động, quản lý bằng điện thoại thông minh. Ông Sáu Công cho biết: “Muốn thành công phải tìm hiểu và phải mạnh dạn đầu tư, tuyệt đối không có chữ “sợ”. Khi có sản phẩm như ý, tôi tìm cách đưa sản phẩm ra khỏi địa phương bằng cách tham gia hội nghị xúc tiến thương mại, hội thảo, hội chợ… và đưa sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử của tỉnh. Ðồng thời, làm clip ghép cây, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc đến thu hoạch chanh dây ngọt đăng trên trang YouTube, Facebook, Zalo… nên có nhiều người xem và biết đến”.
Ông Sáu Công kể về việc ông tình cờ tìm ra chanh dây ngọt. Khoảng 9 năm trước, ông đi khám bệnh tại Bệnh viện Dân quân Y TP Sóc Trăng, phát hiện bị bệnh bạch cầu cao (nguy cơ ung thư). Vì vậy, khi về, ông nghiên cứu những loại thuốc trong đông y để kiềm chế bệnh. Trong đó, ông Sáu Công phát hiện chanh dây có nhiều vitamin C và nhiều chất khác tăng sức đề kháng nên đã trồng. Ðồng thời, ông cũng phát hiện cây nhãn lồng ăn vào ngủ ngon và cùng họ với chanh dây, sống được trong môi trường nghèo dinh dưỡng, không kén đất nên ông có ý định ghép chanh dây với gốc cây nhãn lồng. Ông tìm hiểu kỹ thuật ghép, chăm sóc cây thông qua sách, báo và trên mạng. “Lúc đầu, tôi mua 10 cây về trồng, khi cây lớn thì tiến hành ghép. Theo thời gian trồng, chỉ có 5 cây phát triển và cũng chỉ có 3 cây cho trái. Khoảng 12 tháng chăm sóc, đến ngày thu hoạch, trái chanh dây ghép chín thơm, phần thịt (hạt và nước) ngọt thanh, ăn vào rất ngon. Ðây là kết quả mà tôi mong đợi nên tôi tiếp tục nhân rộng diện tích trồng” – ông Sáu Công nhớ lại.
Năm 2019, ông Sáu Công trồng 200 gốc cây chanh dây ngọt và đưa sản phẩm chào hàng tại hội chợ, hội nghị. Và cũng từ đó, chanh dây ngọt nổi tiếng khắp các địa phương trong cả nước. Ðến nay, ông phát triển diện tích trồng chanh dây ngọt gần 2ha để cung cấp trái ra thị trường. Ông Sáu Công cũng ươm thành công giống cây chanh dây ngọt và trở thành người duy nhất bán giống cây chanh dây ngọt ra thị trường. Mỗi năm, ông Sáu Công cung cấp ra thị trường 5.000-8.000 nhánh, với giá 70.000-100.000 đồng/nhánh. Ông Sáu Công khoe: “Tuổi thọ của cây chanh kéo dài hơn 3,5 năm, trái chanh thu hoạch theo đợt trồng. Thông thường, khoảng 10 đến 12 tháng trồng là chanh có trái chín và thu hoạch kéo dài khoảng 2-2,5 tháng/đợt. Chanh ngọt cho trái nhiều, nhưng trái hơi nhỏ so với chanh dây khác. Trung bình 1 dây chanh cho khoảng 15kg trái, bình quân 1kg có khoảng từ 15-17 trái, bán từ 80.000 -120.000 đồng/kg”.
Với sự đam mê nông nghiệp, tìm tòi khoa học kỹ thuật và mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới trong tưới phun tự động, ông Sáu Công thành công trong sản xuất. Hiện nay, tại vườn chanh và ươm giống chanh, ông tạo việc làm cho gần 10 lao động tại địa phương. Ông Sáu Công nhận nhiều bằng khen của UBND tỉnh Sóc Trăng về nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Và năm 2023, ông Sáu Công đạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc. “Ðiều khiến tôi đam mê với chanh dây ngọt ngoài đem giá trị kinh tế cao, chanh còn có giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, nhất đối với người bệnh tiểu đường. Mới đây, tôi vừa nghiên cứu và ghép thành công giống ổi cho trái giòn, ngọt thanh, ăn vào rất ngon. Sắp tới, tôi sẽ trồng thử, khi khẳng định được chất lượng thì mới tung ra thị trường” – ông Sáu Công chia sẻ đầy tâm huyết.
Bài, ảnh: DUY ANH
Nguồn: https://baocantho.com.vn/lam-giau-tu-chanh-day-ngot-a180044.html |