Sức khỏe, Sức khỏe cộng đồng, Thông tin
Hà Nội lọt top đầu thế giới về ô nhiễm không khí, vượt xa chuẩn an toàn
Hà Nội lọt top đầu thế giới về ô nhiễm không khí, vượt xa chuẩn an toàn
Hà Nội đứng trong top 2 thành phố ô nhiễm nhất thế giới
Theo website cổng thông tin quan trắc môi trường của UBND TP. Hà Nội, nhiều điểm quan trắc chất lượng không khí sáng 28/7 ở ngưỡng tím. Tại điểm đo Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội, chỉ số AQI ở mức 210 – mức màu tím (rất có hại cho sức khoẻ con người). Trong khi đó, nhiều điểm ở mức màu đỏ như Hoàn Kiếm (AQI 158); Thành Công (AQI 155); Kim Liên (AQI 156); Phạm Văn Đồng (AQI 176); Mỹ Đình 9AQI 156); Hàng Đậu 9AQI 170)…
Thông tin trên ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí Airvisual cũng cho thấy, lúc 7h45 sáng 28/7, Airvisual xếp Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI 173, xếp sau Hà Nội là thành phố Santiago của Chi-lê với chỉ số AQI 159. Đến 9h30 cùng ngày, ứng dụng này xếp Hà Nội ô nhiễm thứ 2 thế giới với chỉ số AQI 162. Còn theo ứng dụng Pamair, nhiều điểm đo ở mức tím – rất có hại cho sức khoẻ phải kể đến như điểm đo Ngã Tư Sở (AQI 203); Thượng Đình (AQI 218); Ô Chợ Dừa (AQI 212). Các điểm đo ở mức màu đỏ – có hại cho sức khoẻ như Nhân Chính (AQI 196); Bà Triệu (AQI 185); Hồ Kim Liên (AQI 190)…
Theo bảng quy đổi thông số AQI, nếu AQI từ 151-200 – chất lượng không khí xấu ở mức đỏ (Những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn); nếu AQI từ 201-300 – chất lượng không khí rất xấu ở mức màu tím (Cảnh báo hưởng tới sức khỏe: mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng hơn); nếu AQI từ 301 trở lên – chất lượng không khí nguy hại ở mức màu nâu (Cảnh báo hưởng tới sức khỏe: mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng hơn).
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội đang ở mức nghiêm trọng. Ảnh minh họa
Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh, Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Bắc Giang, các hạt bụi (có trong không khí ô nhiễm) có kích thước trung bình có thể bị giữ lại thảm nhầy nhung mao trên bề mặt phế quản, sẽ bị đẩy ra ngoài theo phản xạ ho. Còn các hạt bụi nhỏ hơn 2,5 micromet với đủ các thành phần hóa học có thể vào sâu trong phổi, phế nang. Theo thời gian tích lũy dần dần, khi đủ lượng sẽ gây các bệnh mạn tính. Theo đó với người lớn, khi tích lũy lâu dài các bụi hữu cơ, bụi hóa chất có thể gây ra bệnh hô hấp như viêm phế quản mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Khói bụi kết hợp với môi trường ẩm là yếu tố khởi phát hen phế quản.
Đồng quan điểm, PGS TS Nguyễn Hoài Nam – Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch TP.HCM cho biết, ô nhiễm không khí có tác động rất rõ ràng và nguy hiểm đến sức khỏe, song ít người để ý đến điều này. Đối với các bệnh lý tim mạch, chất ô nhiễm sẽ làm tăng độc tố trong máu, độc tố ngấm trong máu gây xơ vữa động mạch, cao huyết áp, từ đó gây nên các hệ lụy nguy hiểm khác như đột quỵ, suy tim…
Người dân cần có các biện pháp phòng tránh ô nhiễm
Liên quan tới vấn đề ô nhiễm không khí tại Hà Nội, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết,ô nhiễm không khí đến mức nguy hại là điều khá hiếm gặp khi Hà Nội đang là giữa mùa hè. Dự đoán ban đầu là do thời tiết thay đổi (nhiệt độ, gió …) nên bụi không khuếch tán, phát tán đi được.
“Người dân nên cập nhật thường xuyên tình trạng chất lượng không khí, trong những khoảng thời gian ô nhiễm không khí tăng cao và thực hiện theo khuyến cáo của chuyên gia môi trường”. – TS Tùng khuyến cáo.
Trước tình trạng này, Bộ Y tế và Bộ TN&MT cũng khuyến cáo người dân nên hạn chế ra đường khi chất lượng không khí ở ngưỡng xấu trở lên. Trong những ngày ô nhiễm không khí ở mức màu đỏ, nên vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý thường xuyên, nhất là khi ra đường. Đồng thời, cần tra, rửa mắt bằng nước muối sinh lý trước khi đi ngủ. Người hút thuốc nên hạn chế hút thuốc lá, người không hút thuốc nên tránh xa khỏi thuốc lá.
Trong những ngày chất lượng không khí không đảm bảo, hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào ở những thời điểm ô nhiễm không khí. Nên trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí. Hạn chế sử dụng và thay thế bếp than tổ ong bằng bếp điện, bếp từ. Người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mãn tính, người già, người suy dinh dưỡng, người bệnh tim mạch cần thực hiện các biện pháp dự phòng kể trên nghiêm ngặt hơn. Nếu có bất thường cần đến cơ sở y tế kịp thời.
Bảo Linh (T/h)/Theo Vietq.vn