Ve sầu có ‘sừng’ giống đông trùng hạ thảo, cần cảnh giác kẻo ăn ‘cú lừa’

Ve sầu có ‘sừng’ giống đông trùng hạ thảo, cần cảnh giác kẻo ăn ‘cú lừa’

(VietQ.vn) – Gần đây một trường hợp ăn ve sầu có “sừng”, hình dáng khá giống với đông trùng hạ thảo làm dấy lên cảnh báo đối với người tiêu dùng cần phải tỉnh táo khi mua đông trùng hạ thảo.

Ngộ độc do ăn ve sầu có sừng giống đông trùng hạ thảo

Mới đây, Bệnh viện Hoàn Mỹ Bình Phước tiếp nhận một bệnh nhân nhập viện cấp cứu sau khi ăn phải ve sầu có “sừng” ở dưới lòng đất, có hình dáng gần giống với đông trùng hạ thảo.

Cụ thể, bệnh nhân ngộ độc sau ăn ve sầu nhiễm nấm độc ký sinh khi vẫn còn ở dưới lòng đất. Trước đó, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng về tiêu hóa như đau bụng tiêu chảy, ói nhiều, lơ mơ, bí tiểu, lúc tỉnh lúc mê nên được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Sau khi thông báo bệnh nhân có ăn ve sầu, các y bác sĩ đã điều trị theo phác đồ sốc phản vệ, xử lý tim mạch, hô hấp, tổn thương do thiếu máu kéo dài và đưa huyết áp về bình thường.

Sau khi qua cơn nguy kịch, bệnh nhân khai báo có đào được ổ ve sầu còn dưới lòng đất, hình dáng giống “đông trùng hạ thảo”, mang về rửa lại rồi chế biến thành món ăn, sau khi ăn thì bị ngộ độc.

 Cẩn trọng khi ăn ve sầu có sừng giống như đông trùng hạ thảo vì có thể trúng độc từ loài nấm kí sinh

Theo bác sĩ Đặng Văn Đẩu, đối với ve sầu sạch (ở vùng đất sạch và đã bò lên cây) vẫn có khả năng gây dị ứng, do lượng protein cao gây ngứa mức độ nhẹ, có thể gây sốc phản vệ dù tỷ lệ không nhiều.

Cũng theo bác sĩ Đặng Văn Đẩu, ăn ve sầu có thể gặp 2 nhóm ngộ độc: Nhóm về ký sinh trùng trên cơ thể con ve sầu có thể nhiễm vi khuẩn hay các loại nấm độc, gây ngộ độc nặng nề, tấn công toàn thân nổi mẩn ngứa, mạch nhanh, gây trụy mạch, thần kinh rối loạn, lơ mơ, kích thích, vật vã… Dấu hiệu thần kinh khó điều trị nhất là bệnh nhân mở mắt nhưng lúc biết, lúc không. Nhóm thứ 2 là con ve ở vùng đất có những cây thầu dầu, cỏ lào, nhựa của các loại cây độc, bám trên mình con ve sầu và không bị phân tán ở nhiệt độ thông thường có thể gây ngộ độc. “Những ổ ve dưới đất rất nguy hiểm, chúng có hình dạng dễ làm người dân lầm tưởng đông trùng hạ thảo khi mọc lên từ xác con ve, gây nhiễm độc. Đối với những con ve sầu bò được lên cây vẫn có thể mang theo nấm độc”, bác sĩ Đặng Văn Đẩu cho hay.

Nhiều người dân cho rằng những con ve sầu “thoát xác” lớp vỏ bọc bên ngoài sau khi từ dưới đất bò lên cây sẽ không còn độc tố, tuy nhiên vẫn có người bị ngứa, mẩn đỏ và mệt mỏi sau khi ăn. Đặc biệt đối với việc ăn ve sầu có “sừng”, hình dáng khá giống với đông trùng hạ thảo, vẫn ở dưới lòng đất và bị nhiễm nấm độc, vi khuẩn người dân cần đặc biệt cảnh giác vì trước đó ngay tại Bình Phước cũng từng ghi nhận ca bệnh tử vong sau khi ăn những con ve sầu này. Khi có các dấu hiệu ngộ độc, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.

Không tự ý ăn nếu không nhận biết đông trùng hạ thảo 

Theo ThS. BS Hoàng Khánh Toàn (Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), đông trùng hạ thảo là loại thuốc quý được công nhận từ lâu đời. Nhiều người vẫn luôn thần thánh hóa quá mức công dụng của loại thảo dược này, ra sức săn lùng và bồi bổ, để rồi không thiếu các trường hợp nhầm lẫn như trường hợp bên trên. Trong các loại đông trùng hạ thảo, đông trùng hạ thảo ve sầu có thể có nấm Gyrommitrin kí sinh trên ve sầu. Thay vì mang lại những lợi ích cho con người, loại nấm mọc trên thân ve này lại vô cùng độc, có thể gây tử vong cho con người.

Đó là lý do trong thực tế cuộc sống có rất nhiều ca nhập viện, thậm chí tử vong do nhầm lẫn tai hại này. Ngay cả với những con ve sầu trưởng thành sống trên mặt đất, loài nấm độc Gyrommitrin vẫn ký sinh ở khoang bụng, có khả năng lây lan rất cao trong mùa giao phối. Khi ve sầu chết đi hay không thể lột xác và chết dưới lòng đất, loài nấm kí sinh độc hại sẽ phát triển khi mùa mưa tới, chúng đâm chồi lên phía trên mặt đất, hình dáng cây nấm giống như nhung hươu rất đẹp mắt, màu đỏ thẫm. Nhiều người nhầm lẫn đó là đông trùng hạ thảo, lấy về sử dụng, thành ra rước họa vào thân.

Ngoài ra cũng có nhiều trường hợp còn đào ăn nhộng ấu trùng ve sầu mà không hay biết loại nhộng ve sầu này có thể nhiễm nấm độc. Tưởng là bồi bổ cơ thể, ai dè lại rước độc vào thân.

Chuyên gia khuyên nếu không phải dân sành nhận biết đông trùng hạ thảo thì không được tự ý lấy về chế biến ăn uống dù là với bất kì loại đông trùng hạ thảo nói chung nào. Ngoài ra, khi mua đông trùng hạ thảo nên mua ở những cơ sở uy tín, có giấy chứng nhận, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Phân biệt đông trùng hạ thảo thật – giả chuẩn nhất

Đông trùng hạ thảo thật sẽ có đầu sâu non và đầu thảo gắn một cách tự nhiên, không nhìn thấy vết nối giữa 2 bộ phận này.

Đông trùng hạ thảo thật dạng sâu sẽ có nhiều vân, cứ 3 vân thì làm thành một gấp và được xếp thành hàng. Đông trùng hạ thảo giả vì do dùng khuôn tạo ra nên các nếp gấp thường giao nhau bằng phẳng.

Hàng thật sẽ thấy đường vân rõ nét, ở giữa có lõi màu đen giống hình chữ V còn hàng giả sẽ không có dấu hiệu này.

Phân biệt qua khứu giác: Đông trùng hạ thảo thật sẽ có mùi giống mùi nấm rơm và đậm mùi tanh của nấm hương. Sản phẩm giả thì sẽ không có các mùi này.

Đo trọng lượng đông trùng hạ thảo trên tay: Khi cầm đông trùng hạ thảo thật trên tay và lắc nhẹ thì sẽ cảm giác nhẹ như cỏ khô nhưng nếu cảm giác nặng thì đó là đông trùng hạ thảo giả.

Phân biệt bằng vị giác: Đông trùng hạ thảo thật khi nhai trực tiếp trong miệng sẽ có mùi thơm, càng nhai càng thơm còn nếu là sản phẩm giả thì sẽ thấy nó có mùi nồng, giống bột đất sét và thấy cứng.

An Dương (T/h)

Nguồn: http://vietq.vn/ve-sau-co-sung-giong-dong-trung-ha-thao-can-canh-giac-keo-an-cu-lua-d188333.html