Nhiều người phải cấp cứu do phản vệ khi tự truyền dịch tại nhà

Nhiều người phải cấp cứu do phản vệ khi tự truyền dịch tại nhà

(VietQ.vn) – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, vừa tiếp nhận 3 bệnh nhân nhập viện với triệu chứng chóng mặt, đau đầu, run chân tay, khó thở sau khi truyền dịch tại nhà.

Các bệnh nhân là H.T.S. (60 tuổi, ở Hợp Thành, Cao Lộc), N.Đ.X. (54 tuổi, ở phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn) và Đ.T.D. (63 tuổi, ở Gia Cát, Cao Lộc) vào viện cùng một ngày trong tình trạng chóng mặt, đau đầu, run chân tay, khó thở sau khi truyền dịch tại nhà.

Những bệnh nhân này đã được cấp cứu, xử trí chống sốc và truyền dịch. Sau xử trí, các bệnh nhân ổn định sức khỏe và đã ra viện.

Theo các bác sĩ khoa Cấp cứu, hiện nay, một số người bệnh thường tự truyền dịch tại nhà khi thấy mệt mỏi, ăn kém. Tuy nhiên, truyền dịch cũng có những tai biến có thể xảy ra nên cần phải được thực hiện tại cơ sở y tế, nhân viên y tế có đầy đủ khả năng chuyên môn để xử trí.

 Nhiều người phải cấp cứu do phản vệ khi tự truyền dịch tại nhà. Ảnh minh họa

Các biến chứng xảy ra khi tự ý truyền dịch có thể ở mức độ nhẹ hoặc nặng. Trường hợp nhẹ, người bệnh bị sưng nề, đau tại vùng cắm kim truyền. Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị viêm tĩnh mạch, phù tim, thận, tụt huyết áp, hôn mê, sốc phản vệ và tử vong.

Cùng quan điểm trên PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Việc một số người cứ thấy sốt, mệt mỏi lập tức nghĩ đến truyền dịch là quan niệm sai lầm. Sốt, mệt chỉ là triệu chứng của rất nhiều loại bệnh khác nhau. Việc tiêm, truyền cho bệnh nhân phải có chỉ định của bác sĩ. Tức là bác sĩ sẽ phải xác định được biểu hiện mệt, sốt là do bệnh gì, bệnh ấy có cần truyền dịch không?

Trong trường hợp bắt buộc phải truyền, bác sĩ sẽ phải tính toán kỹ lưỡng truyền bao nhiêu, thời gian chảy giọt truyền như thế nào chứ không thể truyền bừa bãi. Việc tự ý truyền dịch sẽ vô cùng nguy hại đến sức khỏe. Ngay cả khi người bệnh bị mất nước, bác sĩ vẫn khuyên uống nước bồi phụ tốt hơn là truyền dịch.

“Ngoài ra trước khi truyền cần khám tim, phổi, đo mạch… để kiểm tra sức khỏe tổng thể. Mặt khác, khi truyền dịch cần phải khống chế được tổng lượng dịch truyền vào phù hợp với tình trạng bệnh của bệnh nhân. Nếu truyền nhiều hơn tình trạng bệnh sẽ gây phù phổi, suy tim” – PGS. Dũng cũng chia sẻ.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên lạm dụng việc truyền dịch khi chưa có chỉ định. Việc thực hiện truyền dịch phải có sự thăm khám, chỉ định của bác sĩ và thực hiện tại các cơ sở y tế. Đây là nơi có đầy đủ các phương tiện cấp cứu khi tai biến xảy ra.

An Nguyên

Nguồn: https://vietq.vn/nhieu-nguoi-phai-cap-cuu-do-phan-ve-khi-tu-truyen-dich-tai-nha-d209800.html